27/12/2014 09:19 GMT+7

Đừng để người bệnh bị thiệt thòi

BS NGUYỄN THANH HẢI
BS NGUYỄN THANH HẢI

TT - Bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân và không vì mục đích lợi nhuận.

Một bệnh nhân đang cầm trên tay hai loại thuốc điều trị ung thư Iressa và Tarceva (từ trái qua). Ảnh chụp tại khoa ung bướu xạ trị, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) - Ảnh tư liệu

Chính sách bảo hiểm y tế tốt là phải biết cách phát huy sức mạnh toàn dân, tức tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế cao; quan tâm đến việc tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng và đổi mới cơ chế tài chính y tế, giảm chi tiêu của hộ gia đình, bảo đảm người bệnh được sử dụng dịch vụ, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng thiệt thòi không phải đối mặt với khó khăn về tài chính.

Những năm gần đây, có nhiều loại thuốc mới rất hiệu quả trong việc điều trị các bệnh ung thư, viêm gan do virút B và C, viêm khớp dạng thấp...

Các thuốc này đã được dùng rộng rãi ở các nước phát triển và được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả 100%.

Tại Việt Nam, các loại thuốc mới này dù chỉ được dùng trong khoảng thời gian gần đây nhưng đã cho thấy tính hiệu quả và độ an toàn rất cao. Tuy nhiên, do chi phí điều trị quá đắt đỏ, nếu không có BHYT chi trả thì khó có người bệnh nào kham nổi.

Thế nhưng việc BHYT thông báo từ ngày 1-1-2015 có 28 loại thuốc mới, đắt tiền sẽ thay đổi phương thức chi trả cho người bệnh (giảm chi từ quỹ xuống còn 30-50% tiền thuốc, thay vì 50-100% như trước) không chỉ gây ra cú sốc cho người mắc bệnh hiểm nghèo, mà còn là cú sốc cho các thầy thuốc.

Thiết nghĩ BHYT không nên quyết định đột ngột như thế mà cần phải có lộ trình để các thầy thuốc có thời gian chọn lựa phác đồ điều trị phù hợp. Người bệnh đang dùng thuốc thế hệ mới hoặc đắt tiền phải được tiếp tục điều trị đến hết liệu trình.

Việc để bệnh nhân phải ngưng thuốc giữa chừng vì không có tiền sẽ làm mất đi tính nhân văn của BHYT, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

Để chống vỡ quỹ bảo hiểm, về lâu dài cần có giải pháp tổng thể.

Chẳng hạn, thực hiện BHYT toàn dân, có nhiều mức BHYT để người dân chọn lựa.

Thực hiện chương trình tầm soát và điều trị sớm các bệnh như đái tháo đường, tim mạch, cũng như các bệnh hiểm nghèo như ung thư, viêm gan... để việc điều trị hiệu quả hơn và giảm được chi phí điều trị.

Việc đổi mới cơ chế tài chính y tế phải thực hiện theo hướng có lợi cho người bệnh, không để họ rơi vào hoàn cảnh cạn kiệt về tài chính, bị suy giảm về thể xác và tinh thần.

 

BS NGUYỄN THANH HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên