17/04/2024 09:07 GMT+7

Đưa thị trường vàng trang sức vào khuôn khổ

Thị trường vàng đang xôn xao trước việc hàng loạt tiệm vàng tại những trung tâm kinh doanh vàng bạc, trang sức sầm uất của TP.HCM bất ngờ đóng cửa dài ngày trước thông tin kiểm tra của cơ quan chức năng.

Mua bán vàng nữ trang tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Mua bán vàng nữ trang tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Trên thực tế, dù đã có hàng loạt quy định được ban hành nhưng thị trường vàng, nhất là vàng trang sức, nhiều năm qua vẫn trong cảnh tranh tối tranh sáng.

Đóng cửa, cất hết hàng giả nhãn hiệu

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 16-4, nhiều tiệm vàng tại các con đường kinh doanh vàng sầm uất của TP.HCM vẫn trong tình trạng đóng cửa hàng loạt. Tiệm vàng khá lớn tên K.K.G. (đường Trần Quý, P.4, Q.11) đóng cửa, không hoạt động.

TP.HCM: Tiệm vàng đóng cửa tạm nghỉ lan rộng, gây khó cho hoạt động kiểm tra

Bên trong chợ An Đông, hàng loạt quầy kinh doanh vàng bạc san sát nhau cũng cửa đóng then cài. Do sợ khách hàng không liên hệ được nên trên mỗi cửa cuốn đều có dán tờ giấy ghi số điện thoại di động của chủ tiệm.

T.K.T. - một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc khác trên đường Chiêu Anh Các (P.5, Q.5) ngay khu chợ Hòa Bình - cũng đóng cửa trong khi cửa hàng vàng bên cạnh vẫn mở cửa. Tương tự, ở khu vực quận 1, rải rác vẫn có cửa hàng vàng đóng cửa.

Trên đường Lê Thánh Tôn, một phố kinh doanh vàng sầm suất, dù đang trong giờ buôn bán nhưng tiệm vàng N.Q. lại đóng cửa cuốn. Tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cầu, theo ghi nhận của PV, bên cạnh những tiệm vàng vẫn mở cửa hoạt động thì một số tiệm vàng đóng cửa tạm nghỉ, như tiệm T.P.T..

Đến trưa 16-4, một tiệm vàng lớn trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thạnh) mở cửa và khách ra vào vẫn nườm nượp. Song các quầy vàng đã dẹp hết các sản phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng được bảo hộ độc quyền như Chanel, Cartier, LV, Bulgari... dưới dạng khuyên tai, vòng tay, nhẫn, dây chuyền. Trên quầy hàng chỉ còn những món nữ trang với hình bông hoa..., chữ đính đá.

Tuy nhiên khi khách hàng có nhu cầu hỏi về những sản phẩm này thì nhân viên nói vẫn còn và vào phía trong lấy ra khoảng năm đôi bông tai Chanel có giá khoảng 2-3 triệu đồng/đôi bao gồm cả tiền công.

Nhân viên tiệm vàng này cho biết do đang trong đợt kiểm tra của cơ quan quản lý thị trường và nhiều tiệm vàng đã bị phạt nên hiện nay không dám trưng trên quầy, chỉ khi nào có khách hàng hỏi thì tiệm mới lấy ra.

Một cửa hàng vàng tại chợ Hòa Bình, quận 5 vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh sau kiểm tra của lực lượng chức năng (ảnh chụp ngày 16-4)  - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Một cửa hàng vàng tại chợ Hòa Bình, quận 5 vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh sau kiểm tra của lực lượng chức năng (ảnh chụp ngày 16-4) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nhập nhèm chất lượng, tuổi vàng trang sức

Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ có hiệu lực từ năm 2014. Tuy nhiên theo ghi nhận, dù có tem nhãn nhưng các tiệm vàng niêm yết mỗi nơi mỗi kiểu.

Chẳng hạn tại một tiệm vàng các sản phẩm như nhẫn, lắc, dây chuyền... sẽ có tem ghi các tiêu chí như khối lượng vàng, tuổi vàng, khối lượng hột, tiền công nhưng hầu hết viết tắt thành KLV, HLV, KLH, TC. Nhiều khách hàng khi mua chỉ xem mẫu mã, hỏi trọng lượng, giá tiền và đeo thử xem có hợp không chứ không hỏi các thông tin ghi trên tem.

Chỉ vào chiếc lắc có ký hiệu HLV 61%, chúng tôi hỏi tuổi vàng, nhân viên nhanh nhảu cho biết đó là vàng 18K trong khi thực chất đây hoàn toàn không phải là vàng 18K mà chỉ là vàng 15K non.

Giám đốc một công ty vàng cho biết trước đây vàng tây lưu hành trên thị trường chủ yếu là vàng 18K (tương đương 7,5 tuổi) và 14K (tương đương 5,85 tuổi). Nhưng sau đó vàng 7,5 tuổi bị ăn gian chỉ còn 7 tuổi.

Một số cửa hàng vàng tư nhân đã tiếp tục hạ tuổi vàng nhằm cạnh tranh với nữ trang của các công ty có thương hiệu. Vàng ST, SL ra đời. ST là viết tắt của chữ "sáu tám", tức vàng 6,8 tuổi, hoặc vàng SL là viết tắt của vàng sáu lăm, tức 6,5 tuổi.

Vị giám đốc trên thừa nhận dù đã có thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng vẫn còn tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu, thậm chí tỉnh nào có chuẩn riêng của tỉnh đó.

Theo vị này, bằng mắt thường không thể phân biệt được tuổi vàng do các đơn vị gia công có thể xi màu để các loại vàng thấp tuổi như 10K, 14K trông y như vàng 18K.

Do vậy thị trường vàng nữ trang vẫn theo quy luật mua đâu bán đó. Nhưng thực tế dù mua đâu bán đó, có đầy đủ hóa đơn, người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt cả hai đầu mua bán. Lý do khi mua người tiêu dùng phải bỏ ra số tiền cao hơn giá trị món hàng, đến khi bán các tiệm vàng cũng không rõ ràng cách tính giá trị món hàng, phần lớn chỉ cầm món hàng lên thử, cân, sau đó phán giá. Nếu người dân đồng ý thì bán.

Chủ một tiệm vàng tại khu vực Q.5 thông tin những năm gần đây các tiệm vàng chủ yếu bán nữ trang. Nguồn hàng chủ yếu trôi nổi không có hóa đơn chứng từ nên nếu có kiểm tra chắc chắn sẽ phát hiện sai phạm.

Một khi bị phát hiện lập biên bản mức phạt có thể lên tới hàng trăm triệu đồng và bị tịch thu, niêm phong sản phẩm không biết khi nào có thể lấy hàng về nên tạm thời các tiệm vàng đối phó bằng cách tạm đóng cửa.

Về hóa đơn, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, các doanh nghiệp vàng lớn hiện đều dán thông tin nếu có nhu cầu xuất hóa đơn điện tử thì khách hàng thông báo trước cho nhân viên. Thế nhưng khách hàng mua nữ trang hầu hết là khách lẻ, do vậy ít có nhu cầu lấy hóa đơn điện tử mà chỉ lấy biên nhận mua từ tiệm vàng để sau này có nhu cầu đổi hoặc bán lại. Trong khi đó ở các tiệm vàng nhỏ thì chỉ có phiếu biên nhận chứ không xuất hóa đơn.

Cần giai đoạn chuyển tiếp

Nhiều tiệm vàng ở chợ An Đông đóng cửa sáng 16-4 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nhiều tiệm vàng ở chợ An Đông đóng cửa sáng 16-4 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc Công ty vàng Đối Tác Mới (NPJ), cho hay hiện nay sau công điện của Thủ tướng về quản lý thị trường vàng, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra nhiều cửa hàng buôn bán vàng ở các địa phương.

Việc kiểm tra xoáy vào hai vấn đề là hàng giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng được bảo hộ độc quyền như Chanel, Cartier, LV, Bulgari... dưới dạng khuyên tai, vòng tay, nhẫn, dây chuyền và kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ.

Trải qua 10 năm áp dụng nghị định 24 và thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, theo ông Trọng, đến nay các tiệm vàng đã làm tem mác nhưng việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ là một vấn đề rất khó.

"Hơn 10 năm nay các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu chủ yếu từ nguồn mua lại của khách hàng và từ nguồn mua đi bán lại rất khó chứng minh nguồn gốc. Do vậy đụng đến vấn đề này chắc chắn phần lớn tiệm vàng sẽ sai phạm nên khi các cơ quan chức năng ra quân, nhiều tiệm vàng đã đóng cửa để tìm cách hợp thức hóa hoặc giảm thiểu sai phạm.

Suốt thời gian dài, ngành vàng nữ trang chưa có sự quản lý sâu sát. Do đó lần ra quân này có thể ví như một cuộc cách mạng của ngành vàng nữ trang. Doanh nghiệp vàng phải thay đổi nhưng cũng cần hướng dẫn xử lý giai đoạn này thế nào để doanh nghiệp khắc phục và quay trở lại hoạt động", ông Trọng nói.

Chuyên gia Trần Duy Phương cũng cho rằng về nguyên tắc thì thị trường phải hoạt động minh bạch. Nhưng trên thực tế có một giai đoạn dài không cho phép nhập vàng qua đường chính ngạch nên cùng với việc điều chỉnh để khơi thông nguồn cung vàng, cần có lộ trình để doanh nghiệp thích nghi khi đưa vào khuôn khổ. Nếu không sẽ khó tránh khỏi sự đối phó theo kiểu "mở đóng", tức cứ kiểm tra thì đóng còn khi đoàn kiểm tra đi qua lại mở.

Theo quy định tại thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ thì vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định. Tiêu chuẩn công bố phải bao gồm các nội dung cơ bản như thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, phân phối, yêu cầu kỹ thuật và phải ghi ký hiệu để phân biệt từng loại vàng trang sức, mỹ nghệ.

Thông tư cũng quy định các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ; kinh doanh mua bán vàng miếng phải thực hiện các biện pháp kiểm soát về đo lường, trang bị cân có phạm vi đo và cấp chính xác phù hợp với khối lượng vàng cần đo. Ngoài ra phải ghi rõ thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, phân phối cũng như các mô tả đặc điểm riêng của vàng trang sức, mỹ nghệ.

"Cửa hàng vàng đóng cửa là quyền của họ"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho hay việc doanh nghiệp đóng cửa là quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lực lượng quản lý thị trường sẽ sàng lọc đối tượng và phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng khác để có phương án kiểm tra.

Ngoài ra, một lãnh đạo của Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng cho rằng đã nắm được thông tin về việc các cửa hàng vàng tại TP.HCM đóng cửa. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát và nắm bắt địa bàn. Công tác kiểm tra vẫn được thực hiện theo kế hoạch đối với những cửa hàng vàng đang hoạt động kinh doanh bình thường.

Đối với các cửa hàng đang đóng cửa, các đội quản lý thị trường cũng đã nắm rõ các vị trí, địa điểm. Khi các cửa hàng mở cửa, lực lượng chức năng sẽ có những biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Chủ yếu mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam từng có văn bản phản ánh về tình hình thu mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ của các doanh nghiệp vàng.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết trong hơn 10 năm qua (kể từ khi thực hiện nghị định 24), doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu mà các doanh nghiệp chỉ thu mua vàng trên thị trường làm nguồn nguyên liệu duy nhất cho nhu cầu sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Việc các doanh nghiệp thu mua vàng nguyên liệu trên thị trường trong nước được thực hiện theo hai phương thức: một là mua lại vàng theo hóa đơn bán ra của các doanh nghiệp hoặc mua theo hóa đơn của doanh nghiệp khai thác. Hai là mua vàng theo bảng kê hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn.

Phương thức mua vàng theo bảng kê của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại thông tư số 78 năm 2024 của Bộ Tài chính.

Một cửa hàng bán vàng tại TP.HCM có đính kèm theo tem ghi các tiêu chí trên sản phẩm - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Một cửa hàng bán vàng tại TP.HCM có đính kèm theo tem ghi các tiêu chí trên sản phẩm - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Do đó, đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng với tình hình như trên, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn để xác định nguồn gốc của vàng nguyên liệu. Họ không có cơ sở, điều kiện và nghĩa vụ để xác minh nguồn gốc của nguồn vàng nguyên liệu thu mua. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thu mua vàng trên thị trường. Vì vậy, doanh nghiệp đang có tâm lý lo ngại về rủi ro kể cả về mặt pháp lý trong việc tổ chức thu mua vàng nguyên liệu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16-4, đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho hay mới đây, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện nhiều điểm kinh doanh vàng trên địa bàn TP vi phạm. Trong đó, qua kiểm tra đột xuất sáu điểm kinh doanh vàng tại quận 6 và quận 8, ghi nhận tất cả đều có các vi phạm như kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu lớn đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Hàng hóa có dấu hiệu vi phạm bị tạm giữ có tổng giá trị 177.436.250 đồng. Tại TP Thủ Đức, qua kiểm tra năm doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng phát hiện các trường hợp vi phạm.

Theo các đội quản lý thị trường, việc ra quyết định xử phạt cụ thể hoặc xử lý tang vật vi phạm cần có thời gian vì phải kiểm định kỹ để xác định đúng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, tình trạng nhiều cửa hàng kinh doanh vàng chọn đóng cửa để đối phó cũng đang gây khó cho hoạt động kiểm tra. Do đó, để thanh tra, kiểm tra có hiệu quả cần thêm sự phối hợp của các cơ quan chức năng khác.

Đề nghị kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo công tác dân nguyện tháng 3-2024, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo một số nội dung.

Trong đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau đó, đại biểu Hoàng Anh Công, phó trưởng Ban Dân nguyện, cho biết qua theo dõi cho thấy giá vàng liên tục lập đỉnh. Do đó, báo cáo dân nguyện đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng để xem xét xem có hành vi thao túng thị trường hay không, nếu có thì làm rõ trách nhiệm. Cùng với đó, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động kinh doanh.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng cho rằng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc buôn bán vàng để đảm bảo minh bạch, chấp hành đúng các quy định, nhất là về thuế.

Thực tế, trong các công điện, chỉ đạo vừa qua Thủ tướng cũng đã liên tục yêu cầu việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện. Đây là hướng đi đúng.

Đồng thời, Nhà nước phải nắm được các thông tin về giao dịch thực trên thị trường như tình hình mua bán hằng ngày bao nhiêu lượng vàng, giá cả mua bán thế nào... Việc này sẽ giúp tránh được hiện tượng thao túng trên thị trường.

Kế đến, Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị thực hiện đấu thầu vàng miếng SJC sau 11 năm chính là giải pháp rất hợp lý trong tình hình hiện nay. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện sớm việc này để tăng nguồn cung ra thị trường.

TP.HCM: tiệm vàng đóng cửa lan rộng, nhiều nơi giấu hàng nhái thương hiệu nổi tiếngTP.HCM: tiệm vàng đóng cửa lan rộng, nhiều nơi giấu hàng nhái thương hiệu nổi tiếng

Tình trạng tiệm vàng đóng cửa không những không giảm mà còn lan thêm. Nhiều tiệm vàng mở cửa nhưng dẹp hết sản phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên