19/08/2014 08:42 GMT+7

Danh thắng Mã Pí Lèng đứng trước thách thức

DƯƠNG QUANG TIẾN
DƯƠNG QUANG TIẾN

TT - Mã Pí Lèng - “trái tim” cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) - đang đứng trước thách thức: hoặc giữ nguyên chân giá trị, hoặc chấp nhận tác động tiêu cực.

Mã Pí Lèng (Mã Pì Lèng) - danh thắng quốc gia được cấp phép làm thủy điện. Mỏm đá ở hẻm vực Tu Sản nay cũng đã bị san phẳng - Ảnh: Trần Thế Dũng
Mã Pí Lèng (Mã Pì Lèng) - danh thắng quốc gia được cấp phép làm thủy điện. Mỏm đá ở hẻm vực Tu Sản nay cũng đã bị san phẳng - Ảnh: Trần Thế Dũng

Danh thắng Mã Pí Lèng (còn có âm đọc là Mã Pì Lèng, Mã Pỉ Lèng, Mả Pì Lèng) luôn để lại ấn tượng rất đặc biệt cho những người đã đến cao nguyên đá Đồng Văn. Đó là cảm giác rợn ngợp trước cảnh hùng vĩ của những ngọn núi cao, của hẻm vực Tu Sản sâu nhất Đông Nam Á và vẻ đẹp uốn lượn mềm mại như dải lụa của dòng sông mang màu xanh ngọc - sông Nho Quế.

Mất “dải lụa mềm”

Là nơi quy tụ nhiều vẻ đẹp đặc trưng, khu vực Mã Pí Lèng được ví là “trái tim” của cao nguyên đá. “Trái tim” này được công nhận “danh thắng quốc gia” vào năm 2009. Năm 2010, công viên đá Đồng Văn (trong đó có Mã Pí Lèng) trở thành thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.

"Dự án sẽ làm ảnh hưởng đến thắng cảnh Mã Pí Lèng. Cụ thể, ảnh hưởng đến tổ hợp di sản địa chất mang tầm cỡ quốc tế, ảnh hưởng cảnh quan và môi trường sông Nho Quế..."

Ông Nguyễn Lê Huy (trưởng Ban quản lý công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn)

Hiện “trái tim” của cao nguyên đá Đồng Văn đang đứng trước nguy cơ biến dạng bởi dự án thủy điện Nho Quế 1 đã được tỉnh Hà Giang cho phép xây dựng từ năm 2008, trên căn cứ quy hoạch bậc thủy điện đã được Bộ Công thương phê duyệt từ năm 2006.

Theo thiết kế, dự án xây dựng thủy điện Nho Quế 1 có tổng mức xấp xỉ 1.000 tỉ đồng này sẽ được triển khai khoảng 11km trên sông Nho Quế, đoạn qua hai xã Xín Cái, Giàng Chu Phìn (huyện Mèo Vạc).

Sau khi xây dựng xong, mực nước trên sông Nho Quế sẽ dâng cao thêm 23m so với mức hiện tại, tạo thành lòng hồ với đoạn hẹp nhất là 88m, rộng nhất hơn 200m. Lòng hồ dài 11km này “ôm trọn” 2km đi qua đại hẻm vực Tu Sản.

Chủ đầu tư dự án thủy điện Nho Quế 1 cho hay sau khi được cấp phép, công ty đã lập hồ sơ vay vốn, thi công với tổng khối lượng tính đến thời điểm này có giá trị hơn 57 tỉ đồng.

Chưa đánh giá hết mức độ ảnh hưởng

Trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang, lãnh đạo nhiều ngành trong tỉnh đã có ý kiến về dự án, nhất là khi báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án chưa đánh giá hết mức độ ảnh hưởng đối với danh thắng Mã Pí Lèng. Phần lớn ý kiến đều nhìn nhận dự án sẽ có tác động tiêu cực đến danh thắng Mã Pí Lèng, hẻm vực Tu Sản ở nhiều mức độ khác nhau.

Theo ông Nguyễn Lê Huy - trưởng Ban quản lý công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, mặc dù đảm bảo quy trình, song khi đầu tư “dự án sẽ làm ảnh hưởng đến thắng cảnh Mã Pí Lèng. Cụ thể, ảnh hưởng đến tổ hợp di sản địa chất mang tầm cỡ quốc tế, ảnh hưởng cảnh quan và môi trường sông Nho Quế, không phù hợp với tiêu chí của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu”.

Trong khi đó, đại diện Sở Công thương tỉnh, phó giám đốc Nguyễn Khắc Quyền nhìn nhận “ảnh hưởng không nhiều”, nếu “tích nước hồ có thể tạo cảnh quan phát triển du lịch, điều tiết nước cho việc cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu”, “khi đưa vào vận hành khai thác hằng năm sẽ làm tăng hàng trăm tỉ đồng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, tỉnh sẽ thu được trên 10 tỉ đồng tiền thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, khai thác sử dụng nước mặt, phí dịch vụ môi trường rừng... tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân có mức sống ổn định, lâu dài”.

Bà Triệu Thị Tình - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Hà Giang - cho rằng khu xây dựng nhà máy tuy nằm ngoài khoanh vùng 1 bảo vệ di sản, nhưng khu vực lòng hồ thì có. Vậy nên “rất cần thiết phải có văn bản xin ý kiến Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch”.

Theo ông Nguyễn Lê Huy, để đến quyết định cuối cùng cần phải có ý kiến ở cấp cao hơn như Viện Địa chất khoáng sản, Ủy ban UNESCO VN về mức độ ảnh hưởng của nó đến công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.

Trước nhiều ý kiến tham mưu trái chiều, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang cho biết: “Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến vấn đề này. Trước mắt, chúng tôi đang đề nghị các ngành tiếp tục nghiên cứu, tham mưu và không loại trừ việc tổ chức hội thảo với các chuyên gia để có đáp án cuối cùng. Về phía chủ đầu tư, tỉnh cũng tha thiết đề nghị nghiên cứu thêm, bởi danh thắng Mã Pí Lèng, cao nguyên đá giờ đây không chỉ là tài sản quốc gia, mà còn là tài sản của toàn nhân loại”.

Còn gì để ngắm?

Cách đây chỉ vài tháng, dư luận đã một lần bàng hoàng với dự án nâng cấp điểm dừng chân ngắm cảnh trên đèo Mã Pí Lèng do Sở VH-TT&DL Hà Giang và huyện Mèo Vạc làm chủ đầu tư. Dự án nằm trong khoanh vùng khu vực 2 công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, khởi công từ tháng 3-2014 và theo giải thích của Sở VH-TT&DL tỉnh, chỉ “nâng cấp thêm một chút do chỗ cũ chật quá”.

Thực tế toàn bộ mỏm núi được cho là nơi lý tưởng nhất để ngắm dòng Nho Quế biếc xanh huyền thoại và hẻm vực Tu Sản đã bị san phẳng. Thay vào đó là một mảng sân bêtông khổng lồ với dãy lan can vô hồn được “đặt tên” mỹ miều là “vọng cảnh đài” (đài quan sát) để du khách dừng chân ngắm cảnh”được an toàn”.

Giờ đây, nhìn từ con đường Hạnh Phúc huyền thoại, mỏm núi luôn nằm giữa khung hình của bức tranh cao nguyên đá lung linh, hoàn mỹ đã không còn. Chưa kể với dự án thủy điện Nho Quế 1 và “lòng hồ dài 11km ôm trọn 2km đi qua đại hẻm vực Tu Sản”, không biết khi ấy du khách đến với Mã Pí Lèng sẽ còn gì để ngắm?!

H.TRANG

 

DƯƠNG QUANG TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên