27/10/2016 11:49 GMT+7

Du hành cùng Matsuo Basho, nghĩ về lòng thành và tao nhã

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

TTO - Khi đọc lại niên biểu về thi sĩ lỗi lạc của Nhật Bản Matsuo Basho (1644-1694), có thể thấy đó là một cuộc đời nhiều xáo trộn và xê dịch.

Hai tập sách mới về thi hào Basho do Thiện Tri Thức và NXB Hồng Đức ấn hành - Ảnh: N.V.N.
Hai tập sách mới về thi hào Basho do Thiện Tri Thức và NXB Hồng Đức ấn hành - Ảnh: N.V.N.

Độc giả đã có thể tiếp cận nhà thơ này không chỉ ở giá trị thơ ca mà ở quan niệm thú vị về những chuyến du hành…

Bài dẫn có tựa “Basho, hai cuộc hóa thân - nhà thơ và lữ khách” của nhà nghiên cứu Nguyễn Nam Trân (cuốn Matsuo Basho - bậc đại sư thơ haiku của Ueda Makoto, Nguyễn Nam Trân biên dịch và chú giải) đã khai mở cách tiếp cận đó.

Nguyễn Nam Trân “hệ thống” cuộc đời Basho qua hai cuộc “hóa thân”: kẻ lang bạt trở thành thi nhân và thi nhân trở thành kẻ lang bạt.

Cha mất sớm, thân phận được mặc định là thuộc đẳng cấp thấp trong xã hội Nhật Bản thời các lãnh chúa, từng là một kẻ hầu bơ vơ vì mất chủ phải bỏ xứ đi, câu chuyện Basho đến với thơ ca, trở thành một gương mặt sáng giá, đứng tên biên tập những tuyển tập thơ, chủ khảo những cuộc thi thơ ở Kyoto, Edo - hành trình đó hàm chứa đầy niềm đam mê và khả năng tự trau dồi.

Năm 37 tuổi đã lập am Basho và có vài chục đệ tử. Trong đời sống sinh hoạt thi ca thời bấy giờ, Basho có vị trí cao, danh tiếng lẫy lừng, đời sống tạm gọi sung túc.

Thế nhưng những thành công về thi ca và đời sống văn giới, sách vở không làm ông yên ổn. Ông tìm sự cứu rỗi tinh thần qua thiền (dưới sự hướng dẫn của sư Butcho).

Nhưng không gian bốn bức tường tu viện cũng không đánh tan được những ảo ảnh, bất an, cô đơn và buồn khổ trong lòng một “thân sồi già cỗi” (như trong một bài haiku ông đã viết).

Kể từ năm 1684, ông bắt đầu những chuyến lang bạt. Hành trình từ Edo đến Kyoto, hành hương đến đền Kashima, hành trình lên phía bắc… có thể nói là những chuyến du hành để lại nhiều lấp lánh cho thơ haiku và những tập du ký văn học của Basho.

Nhà thơ trở thành nhà du hành, con đường của Basho có vẻ cũng là con đường của nhiều thi nhân chọn. Nhưng Basho cũng khác nhiều người, ông coi đó là con đường hẹp đi vào tâm thức chứ không phải là một con đường thỏa mãn sự tri nhận bình thường hay làm khuây khỏa thị giác.

Kết cục “sự nghiệp” du hành “để tìm hiểu thế nào là kiếp sống vô thường của thế nhân”, thi nhân đã nằm bệnh và chết trong căn nhà trọ ở Osaka.

Thân xác ông vĩnh viễn nằm lại bên hồ Biwa, nhưng cuộc lữ hành tinh thần của ông như chưa hề dừng lại trong thế giới này.

“Ta coi đời mình cũng chỉ là một chuyến đi. Chẳng biết từ dạo nào, khi nhìn đám mây trôi dạt theo làn gió mời mọc, bỗng chạnh lòng viễn phương, nên bước chân đã quanh quẩn trên những bãi biển xa xôi nơi cuối đất…”, khúc nhạc du hành bay bổng, lôi cuốn đó đã mở đầu cho cuốn Oku no hosomichi (Con đường hẹp vào chiều sâu tâm thức) - một trong những tập ghi chép dọc đường kinh điển của Basho (Nguyễn Nam Trân dịch và bình chú). Khúc nhạc ấy hẳn sẽ âm vang trong trí nhớ những ai từng đọc ông và mê đời xê dịch.

Điều đáng nói, qua hai tập sách Matsuo Basho - bậc đại sư thơ haikuCon đường hẹp vào chiều sâu tâm thức, dịch giả Nguyễn Nam Trân đã cho thấy sự chỉn chu, tao nhã và khiêm cung trong cái cách ông đưa ra một lối tiếp cận Basho khoa học qua những lời bình chú công phu.

Ông cũng đưa ra một giải pháp dịch haiku khác với những gì độc giả Việt Nam từng được đọc trước đó.

Lòng thành (makoto) và sự tao nhã (fuuga) làm nên giá trị trong thơ, văn xuôi của Basho - một thi nhân dấn thân du hành để được trầm mình vào thời gian và nhân sinh để tìm quặng chất sáng tạo, chính điều này làm nên chiều kích khác, sâu xa hơn ở Basho so với những thi nhân du hành trước đó như Lý Bạch, Saigyo hay Soki - những thần tượng của ông.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên