14/05/2011 06:17 GMT+7

Đội phải là niềm vui của tuổi thơ

Chủ tịch HĐND TP.HCM PHẠM PHƯƠNG THẢO
Chủ tịch HĐND TP.HCM PHẠM PHƯƠNG THẢO

TT - Hoạt động Đội, công tác thiếu nhi chưa được đầu tư tương xứng với số lượng trẻ em của TP.HCM. Nhận định này vừa được nêu ra tại hội thảo nhân kỷ niệm sinh nhật 70 của Đội, do Trường Đoàn Lý Tự Trọng tổ chức sáng 13-5.

jTwDMCpE.jpgPhóng to
Các thế hệ làm công tác thiếu nhi tại cuộc hội thảo - Ảnh: Minh Đức

Vai trò của tổ chức Đội thế nào? Làm sao để Đội trở nên hấp dẫn hơn trong cái nhìn của trẻ em và xã hội? Công tác thiếu nhi cần tập trung những gì? Đó là những điều được đặt ra tại hội thảo.

Cần thay đổi tư duy

"Phải nhận thức rằng Đội là của các em, do chính các em tự quản chứ Đội không phải của phụ trách Đội. Người phụ trách chỉ góp phần vào việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống để hình thành nhân cách cho các em"

Nguyên phó chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM Nguyễn Thị Thùy Hạnh (hiện là bí thư Quận đoàn 2) cho rằng cần phải thay đổi tư duy “vì chúng ta đang đứng từ góc nhìn của người lớn chứ không phải từ góc độ thiếu nhi để làm công tác thiếu nhi”.

Theo chị Thùy Hạnh, phong trào không cũ nhưng cần cách làm mới, đừng quá nặng bệnh hình thức mà quan trọng chính là phải hiểu đối tượng mình hướng đến đang nghĩ gì, muốn gì và cần gì. “Điều này đòi hỏi bản lĩnh của người phụ trách, cần biết dũng cảm từ chối điều mình cho rằng không thiết thực, chưa phù hợp chứ không nhất nhất chỉ làm theo chỉ đạo”, chị nói.

Đồng quan điểm, hiệu trưởng Trường tiểu học Chính Nghĩa (Q.5) Đinh Kim Phượng nói nếu lãnh đạo Đoàn làm công tác Đội theo kiểu ra văn bản, chỉ đạo từ xa thì tất yếu phong trào Đội không thể phát triển đúng thực chất. Phó giám đốc Nhà Thiếu nhi TP.HCM Phạm Ngọc Quyên đề xuất phải thay đổi kỹ năng tiếp cận, làm việc với thiếu nhi của người phụ trách, không thể mãi chỉ là hô hào giỏi nhưng lại thiếu kỹ năng, phương pháp cụ thể.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo, nguyên chủ tịch Hội đồng Đội TP, cho rằng chúng ta đang bỏ trống trận địa rất lớn về công tác thiếu nhi. “Có quá nhiều vấn đề phải quan tâm cùng lúc nên sự nhận thức và đầu tư cho công tác Đội còn chưa tương xứng. Chúng ta đã đầu tư nhiều, việc quyết xây dựng mười sân chơi, ba nhà thiếu nhi tại các quận huyện chưa có nhà thiếu nhi vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu được chăm lo về tinh thần của trẻ em TP chúng ta” - bà nói.

Đột phá từ người phụ trách

Khá nhiều ý kiến đồng thuận rằng muốn Đội mạnh lên, công tác thiếu nhi theo kịp sự phát triển với sự năng động của thiếu nhi, phải đổi mới từ chính người làm công tác thiếu nhi.

Tổng phụ trách Đội Trường THCS Kiến Thiết (Q.3) Trần Anh Tài đề xuất: “Tổng phụ trách phải biết tôn trọng và phát huy vai trò chủ động của học sinh, chỉ làm nhiệm vụ định hướng để học trò thấy được tôn trọng và luôn có ý thức vươn lên”. Trong khi đó bà Huỳnh Thị Thu Hương (Trường Đoàn Lý Tự Trọng) nhận định phải thay đổi chương trình đào tạo tổng phụ trách Đội vì chúng ta đang tiếp cận theo hướng “dạy cái mình có” chứ chưa phải “đào tạo cái thực tiễn cần”.

Đúc kết hội thảo, Phó bí thư Thành đoàn, chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh: song song với việc thay đổi hình thức sinh hoạt Đội sao cho uyển chuyển, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi thì mấu chốt của công tác Đội chính là việc đầu tư cho lực lượng tổng phụ trách. “Thay đổi giáo án đào tạo, làm tốt quy hoạch cán bộ Đội cơ sở. Thể hiện rõ vai trò Đoàn làm công tác Đội bằng việc quyết liệt tìm nội dung, tham mưu chính sách riêng cho phụ trách Đội phù hợp và phải được tập trung hơn thời gian tới”, chị nói.

Giám sát việc bảo vệ trẻ em

RRe3ldz7.jpgPhóng to

Chị Trần Thị Diệu Thúy - Ảnh: Q.LINH

Bên lề hội thảo, chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM TRẦN THỊ DIỆU THÚY đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ. Chị nói:

- Phụ huynh khi chọn lựa giữa việc học và sinh hoạt Đội, họ chọn việc học là đương nhiên.

Thực tiễn ấy đòi hỏi hoạt động Đội cần thêm nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hơn nữa để học mà chơi, chơi mà học. Chất lượng phong trào phải cụ thể, rõ ràng và gắn với thực tiễn cuộc sống hơn, đáp ứng nhu cầu, phù hợp tâm lý, lứa tuổi chứ không chỉ là bề nổi, phong trào. Phụ trách thiếu nhi gồm cả lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cũng nên chia sẻ nhiều hơn với Đội trong hoạt động chung của nhà trường. Làm sao sinh hoạt Đội xen kẽ với hoạt động giáo dục chung của trường, phải gắn với chương trình học của các em, lấy phong trào để nâng cao chất lượng học, tạo sân chơi. Có vậy Đội mới thu hút học sinh.

* Chị cũng là một trong hai ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII trẻ nhất của TP.HCM, đâu là quan tâm lớn nhất của chị nếu trở thành đại biểu Quốc hội?

- Nếu là đại biểu Quốc hội, ngoài hoạt động chung theo chương trình của Quốc hội, từ góc độ người làm công tác thiếu nhi tôi đặc biệt quan tâm tới vấn đề phát triển toàn diện thiếu nhi. Làm sao có thể xây dựng môi trường văn hóa, giải trí lành mạnh, tạo thêm nhiều sân chơi cho thiếu nhi. Đó có thể là phong trào kế hoạch nhỏ với sự đóng góp của chính các em, là công trình thanh niên của các cơ sở Đoàn, hay sự ủng hộ của các đơn vị cùng tham gia tạo thêm những khu vui chơi miễn phí cho các em.

Đặc biệt là bảo vệ lao động trẻ em theo đúng Luật lao động, giám sát triệt để nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng lạm dụng sức lao động trẻ em. Chúng tôi cũng sẽ tập trung nhiều cho hoạt động giáo dục đạo đức lối sống, lịch sử dân tộc, tuyên truyền về pháp luật, kỹ năng mềm, các hoạt động bảo vệ trẻ em trước tình trạng bạo lực học đường phổ biến hiện nay.

Chủ tịch HĐND TP.HCM PHẠM PHƯƠNG THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên