18/05/2024 14:11 GMT+7

Đọc Du ký Việt Nam để thấy rõ hơn Phạm Quỳnh

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn - người bỏ nhiều công biên soạn bộ sách Du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí gần 2.000 trang, nói chủ bút tờ Nam Phong Phạm Quỳnh là một người yêu nước và đầy tinh thần dân tộc.

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh - Ảnh tư liệu

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh - Ảnh tư liệu

Bộ sách tư liệu đồ sộ này vừa được NXB Trẻ tái bản có bổ sung trong bối cảnh mà các tư liệu văn chương, báo chí giai đoạn đầu thế kỷ 20 có thể tiếp cận dễ dàng cả ở các thư viện trong nước và quốc tế nhưng vẫn mang ý nghĩa lớn lao khi nó ghi dấu sự trân trọng với tấm lòng của ông chủ bút Nam Phong tạp chí với văn hóa dân tộc Phạm Quỳnh.

Buổi tọa đàm ra mắt sách do Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức chứng kiến nhiều tình cảm của các nhà nghiên cứu dành cho bộ sách tư liệu quý ở khía cạnh nó đã trực tiếp, gián tiếp vinh danh nhà văn hóa Phạm Quỳnh.

Nuôi tình yêu giang sơn cẩm tú

Theo các nhà nghiên cứu văn học và văn học sử dự tọa đàm, những đóng góp của Nam Phong tạp chí do Phạm Quỳnh là chủ nhiệm kiêm chủ bút trong việc xây dựng một nền quốc văn mới, phổ biến học thuật, giới thiệu những tư tưởng triết học, khoa học, văn chương, lịch sử... của cả Á và Âu những năm đầu của thế kỷ 20 là điều đã được ghi nhận.

Tồn tại 17 năm, từ năm 1917 đến 1934, Nam Phong tạp chí đã thực sự để lại một dấu ấn tinh thần trong tâm trí của nhiều độc giả.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn chia sẻ với uy tín của một tờ báo chuyên về học thuật, uy tín của một học giả như Phạm Quỳnh, Nam Phong tạp chí đã nhận được sự cộng tác của nhiều cây bút từ Bắc vào Nam.

Bìa tờ Nam Phong tạp chí số Tết  - Ảnh: T.ĐIỂU

Bìa tờ Nam Phong tạp chí số Tết - Ảnh: T.ĐIỂU

Mục Du ký trên tạp chí cũng không là một ngoại lệ. Những tên tuổi viết cho mục này như Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Đông Hồ, Mộng Tuyết... sau này đều được lịch sử văn học lưu danh. 

Và chính người khởi xướng ra mục này là Phạm Quỳnh đã có những tác phẩm du ký xuất sắc.

Những bài du ký trên Nam Phong tạp chí không chỉ có giá trị về mặt văn học mà còn mang đến những thông tin thú vị về địa lý, lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán cũng như những tâm tư, tình cảm, ước vọng của con người.

Nhờ đó, bạn đọc ngày nay phần nào hình dung ra chân dung xã hội của một thời đại cách nay đã gần trăm năm, và trước nhất là được chu du khắp những phong cảnh hùng vĩ nhất, đẹp đẽ nhất của đất nước chúng ta.

Chu du từ Bắc chí Nam, từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến đảo Phú Quốc, từ núi Tiên Du đến cảnh Hà Tiên và Ngũ Hành Sơn, từ Cổ Loa, Hạ Long đến Huế thơ mộng, Nam Kỳ sôi nổi như một cô gái tân kỳ...

Giống như ông Nguyễn Tử Thức - chủ bút Nam Trung nhựt báo ở Sài Gòn - đã phát biểu khi ra Bắc thăm Hà Nội: "Thiệt chúng tôi không ngờ giang sơn nước Nam ta cẩm tú như vầy", đọc bộ sách, bạn đọc cũng phải thốt lên như ông: "Không ngờ giang sơn nước Nam ta cẩm tú như vầy".

Tấm lòng của Phạm Quỳnh

Nhưng hơn cả chuyện tả cảnh kể tình, Du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí còn nuôi dưỡng cho bạn đọc niềm tự hào dân tộc và tình yêu chân thành đất nước mình với bao vẻ đẹp non sông.

Đây cũng chính là ý đồ của chủ bút Phạm Quỳnh khi khai sinh mục du ký này trên Nam Phong tạp chí.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn và bộ sách Du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí do ông biên soạn - Ảnh: T.ĐIỂU

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn và bộ sách Du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí do ông biên soạn - Ảnh: T.ĐIỂU

Theo tác giả Nguyễn Hữu Sơn, trên Nam Phong số 150 ra tháng 5-1930, Phạm Quỳnh đã rút ruột tâm sự qua mấy dòng đề tựa đầy ý nghĩa:

"Muốn cho con trẻ yêu mến nước nhà thì phải cho con trẻ thông thuộc nước nhà, hiểu biết cả lịch sử, địa lý, lễ giáo, phong tục; nhỏ từ cách sinh hoạt trong dân gian; lớn đến các kỷ cương về đạo lý, ngõ hầu mới có lòng thiết tha đến nơi quê hương Tổ quốc của mình.

Lại trước khi biết đến cái tổ quốc lớn là toàn thể quốc gia, phải biết cái tổ quốc nhỏ là nơi địa phương mình sinh trưởng đã".

Phạm Quỳnh đã nuôi mục Du ký trong gần 20 năm tồn tại của tờ Nam Phong tạp chí, để nuôi dưỡng cái tình yêu với non sông gấm vóc, với văn hóa giàu có dân tộc, niềm tự hào về các tiền nhân trong con trẻ và trong mỗi người Việt.

Tất nhiên, trong khung cảnh của một xã hội thuộc địa, nửa thực dân nửa phong kiến, bạn đọc sẽ bắt gặp đây đó trong những bài du ký vẫn có những dòng chữ ca ngợi Nam triều, ca ngợi nước Pháp và người Pháp như là những người có công đi bảo hộ, khai phá văn minh... Điều này là khó tránh khỏi.

Nhưng nó chỉ là những vụn vặt bên cạnh những dòng chữ tha thiết về tình yêu giữa những người Việt cùng chung sống trên mảnh đất của tổ tiên, cùng nói chung tiếng Việt ân tình, cùng đắm mình trong lề thói, văn hóa của cha ông mình...

Bộ sách Du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí - Ảnh: T.ĐIỂU

Bộ sách Du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí - Ảnh: T.ĐIỂU

Như Phạm Quỳnh trong Một tháng ở Nam Kỳ đã viết: "Huống chi tuy khác xứ mà cũng đất nước nhà, tuy người lạ mà cùng là anh em, thời càng quen biết lại càng đậm đà cái tình máu mủ, càng đằm thắm cái nghĩa quê hương".

Ông Nguyễn Hữu Sơn khẳng định ngoài những hạn chế lịch sử không tránh khỏi, phải ghi nhận các trang du ký trên Nam Phong tạp chí đã tiếp nối được tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc từ cội nguồn văn học ông cha.

Trong một chừng mực nhất định, nhiều trí thức cựu học và tân học đã biết lợi dụng diễn đàn công khai để khơi gợi và giáo dục tình cảm yêu nước, nhắc nhở lại truyền thống đấu tranh anh dũng ngàn năm thông qua việc du ngoạn, thăm viếng, tưởng niệm các danh nhân đất nước (An Dương Vương, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung...) và các di tích lịch sử (Cổ Loa, đền Lý Bát Đế, hồ Hoàn Kiếm, Hoa Lư, lăng điện xứ Huế, danh thắng Banà, Ngũ Hành Sơn, Sài Gòn, Tây Đô, Phú Quốc, Thạch Động, Hà Tiên)...

Với Phạm Quỳnh, ông Sơn nói học giả có nhiều bài viết về giáo dục của Việt Nam, trong đó hết lòng tôn vinh truyền thống ngàn năm của nước Việt.

Có những đoạn ông còn thẳng thừng nêu ý kiến người Pháp đến đây phải biết rằng nước Nam không phải là một tờ giấy trắng, họ phải có ứng xử văn hóa với truyền thống văn hóa người Việt chứ không thể áp đặt.

Với người Việt, ông nói dân ta trước hết phải yêu tiếng Việt, học tiếng Việt thật giỏi trước khi học tiếng Pháp, phải giữ tiếng Việt cho thật trong sáng.

Giải Phan Châu Trinh tôn vinh nhà văn hóa Phạm QuỳnhGiải Phan Châu Trinh tôn vinh nhà văn hóa Phạm Quỳnh

TTO - Nhà văn hóa Phạm Quỳnh vừa được xướng tên tại buổi lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh đêm 24-3 ở nội dung Dự án tôn vinh danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên