18/08/2018 10:35 GMT+7

Doanh nghiệp vẫn nặng gánh thủ tục hành chính

BẢO NGỌC - NGỌC AN
BẢO NGỌC - NGỌC AN

TTO - Doanh nghiệp và người dân vẫn đang chịu gánh nặng chi phí làm thủ tục hành chính, trong khi cải cách thủ tục hành chính không những giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm được nhiều chi phí mà còn trở thành động lực cho tăng trưởng.

Doanh nghiệp vẫn nặng gánh thủ tục hành chính - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi công bố APCI 2018 - Ảnh: B.NGỌC

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã khẳng định như vậy tại buổi công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2018 (APCI 2018) vào ngày 17-8.

Mất nhiều thời gian và chi phí

Trình bày báo cáo APCI 2018, ông Ngô Hải Phan, cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), nhấn mạnh điểm nổi bật của APCI 2018 là khảo sát những doanh nghiệp (DN) thực tế đi làm thủ tục hành chính và chi phí khảo sát là chi phí thực chứ không phải con số dựa trên cơ sở các báo cáo.

APCI 2018 tập trung khảo sát gánh nặng chi phí, sát sườn với DN trong hoạt động sản xuất, đầu tư kinh doanh, lượng hóa được chi phí các thủ tục và phân tích các tác động cải cách.

Theo đó, APCI 2018 đã quy đổi chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính ra tiền dựa trên thu nhập bình quân đầu người năm 2017 (khoảng 25.000 đồng/giờ), từ đó tính ra số tiền DN phải bỏ ra để thực hiện một thủ tục hành chính.

Kết quả ghi nhận cho thấy các DN đang phải bỏ ra quá nhiều thời gian và chi phí trực tiếp để thực hiện các thủ tục. Trong đó, chi phí trực tiếp để thực hiện thủ tục hành chính trong xây dựng chiếm 93% tổng chi phí, tương tự lĩnh vực môi trường 59%, lĩnh vực giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh, chi phí trực tiếp 61%.

"Thời gian chuẩn bị hồ sơ tốn nhiều chi phí của người dân và DN, chiếm đến 55% chi phí thực hiện một thủ tục. Rõ ràng dư địa cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí là rất lớn" - ông Phan chia sẻ.

Công khai, minh bạch để giảm phí lót tay

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định việc công bố chỉ số APCI hằng năm sẽ tạo ra sự minh bạch, thực hiện mục tiêu Thủ tướng đề ra là xây dựng Chính phủ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân và DN trên cơ sở kiến tạo, xây dựng pháp luật.

Theo ông Dũng, nếu không cải cách đồng bộ và áp dụng từ trên xuống sẽ không ai muốn cải cách, vì cán bộ thực thi không ai muốn rời bỏ quyền lợi của mình.

"Công khai, minh bạch thì chi phí lót tay sẽ giảm rất nhiều" - ông Dũng nói, đồng thời khẳng định việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính không những giúp DN tiết kiệm được nhiều chi phí mà còn trở thành động lực cho tăng trưởng.

Chẳng hạn, việc cắt giảm kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa an toàn thực phẩm đã giúp DN tiết kiệm được 2,9 triệu ngày công, tương đương khoảng 2.500 tỉ đồng.

Tương tự, việc cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng tiết kiệm được 11 triệu bộ hồ sơ xuất nhập khẩu. Với chi phí trung bình 19 USD/bộ hồ sơ, DN tiết kiệm được khoảng 200 triệu USD.

Chưa kể có 5,36 triệu hồ sơ xuất khẩu đã rút ngắn thời gian thông quan được 3 giờ (DN tiết kiệm được 14 triệu giờ), 5,76 triệu hồ sơ nhập khẩu rút ngắn thời gian thông quan 6 giờ (DN tiết kiệm được 34 triệu giờ).

Theo ông Trương Gia Bình - chủ tịch hội đồng quản trị FPT, vấn đề cần đặt ra là vì sao cùng một thủ tục hành chính nhưng nơi này làm tốt mà nơi khác chưa làm tốt, do con người hay do điều kiện vật chất, do lãnh đạo không quan tâm? Theo ông Bình, chỉ khi nào nắm được vấn đề này mới tìm ra được cách thức để kéo giảm chi phí thời gian và tiền bạc cho DN.

Báo cáo APCI 2018 do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) thực hiện và công bố dựa trên khảo sát hơn 3.000 DN tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong 6 tháng cuối năm 2017, nhóm thực hiện APCI 2018 đã sàng lọc và khảo sát các DN dựa trên 20.397 mẫu thông tin về 8 nhóm thủ tục hành chính như khởi sự kinh doanh, thuế, hải quan, đất đai, đầu tư, cấp giấy phép và chứng chỉ hành nghề, môi trường, xây dựng.

Bộ Công thương "trảm" tiếp 54 thủ tục "hành là chính" Bộ Công thương 'trảm' tiếp 54 thủ tục 'hành là chính'

TTO - Trong 54 thủ tục được bãi bỏ, đơn giản hóa Bộ Công thương cắt giảm 9 thủ tục về khuyến mại. Riêng Nghị định 109 về xuất khẩu gạo đầy tranh cãi thì chỉ bỏ quy định cấp mới chứng nhận đủ điều kiện.

BẢO NGỌC - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên