16/06/2020 10:07 GMT+7

Doanh nghiệp có lãi trong năm nay là anh hùng lắm

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Nhiều đại biểu đề xuất việc hỗ trợ giảm 30% thuế cần phù hợp, mở rộng đối tượng doanh nghiệp vừa và các lĩnh vực ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19 thay vì cào bằng như hiện nay.

Doanh nghiệp có lãi trong năm nay là anh hùng lắm - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng hỗ trợ giảm 30% thuế chỉ mang tính động viên - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 16-6, đại biểu Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, trong đó có đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có doanh thu không quá 50 tỉ đồng và lao động không quá 100 người.

Hỗ trợ là tạo nguồn thu, không nên quá khắt khe

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ sự thống nhất với chủ trương này, nhưng cho rằng tiêu chí doanh thu dưới 50 tỉ đồng và sử dụng lao động dưới 100 người là "cào bằng chung, cá mè một lứa", do đó đề nghị đánh giá đầy đủ từng ngành hàng, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xác định đối tượng thụ hưởng khoa học và hợp lý hơn.

Đồng tình, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân (đại biểu Thái Bình) cho rằng tiêu chí như vậy không phù với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vốn được quy định là doanh thu khoảng 100 tỉ đồng.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thì băn khoăn số giảm của ngân sách 15.000-22.000 tỉ đồng từ việc giảm thuế, không phải là lớn, đặc biệt khi so sánh với tiền khấu hao vô hình của các dự án thua lỗ. "Chúng ta có thể giảm cho doanh nghiệp tới 30.000 tỉ đồng mà vẫn không bị thiệt", ông nói.

Bởi, so với gói 62.000 tỉ đồng là giải quyết đời sống, an sinh, số tiền hỗ trợ doanh nghiệp là tái tạo sản xuất, tạo ra doanh thu, không nên quá khắt khe.

Cảnh báo nguy cơ doanh nghiệp bị rình rập qua M&A

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng việc Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp mang tính chất động viên nhiều hơn.

"Bởi doanh nghiệp nhỏ có lãi năm nay là anh hùng, rất là tuyệt vời, không có khó khăn. Nên nếu giảm thuế thì động viên, biểu dương, thành tích thôi. Còn doanh nghiệp thực sự khó khăn thì họ cần là chính sách về tiền tệ và tài khóa", ông nói thêm là khoản vay hiện nay doanh nghiệp khó tiếp cận, cần có thêm quỹ bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh vốn vay cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam VCCI Vũ Tiến Lộc (đại biểu Thái Bình) cũng cho rằng không thể hỗ trợ hết doanh nghiệp, cần xác định đúng đối tượng theo quy định của luật về doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Hỗ trợ doanh nghiệp là hỗ trợ nền kinh tế, an sinh, công ăn việc làm, cho sinh kế của người dân. SME là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất, nên đó là hỗ trợ cho người lao động chứ không phải chỉ mấy ông doanh nhân. Nếu xác định như vậy thì ta sẽ dành nhiều nguồn lực hơn", ông Lộc nói.

Ông Lộc cũng cảnh báo thêm là hiện nhiều lĩnh vực đang đứng trước nguy cơ rình rập qua mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Không chỉ trực tiếp là tiền của người nước ngoài mà là qua tay tiền người Việt Nam, mua bán những lĩnh vực nhạy cảm. Vì vậy, nếu không cứu doanh nghiệp thì khu vực tư nhân khó tồn tại.

Giải trình các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đây là một trong những giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Với các đối tượng, bộ trưởng khẳng định sẽ cơ bản tiếp thu và báo cáo Chính phủ, song việc lựa chọn tiêu chí cần thuận lợi và tránh rủi ro trong thực hiện.

Thông tin về các giải pháp đang và sẽ làm, ông Dũng cho hay đã có chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm mức phí và lệ phí, giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu, giảm 50% thuế trước bạ ôtô trong nước, giảm phí bảo vệ môi trường về xăng nhiên liệu bay... Về triển khai thì phải đơn giản, cơ bản thuế là tự khai, tự nộp và nghị quyết này cũng với tinh thần đó, cần thiết thanh kiểm tra.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên