02/10/2017 07:45 GMT+7

Doanh nghiệp “bỏ chạy” khỏi bóng đá

K.B. - N.K.
K.B. - N.K.

TT - Nguyên chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An và giờ là chủ tịch Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) Võ Quốc Thắng chia sẻ với tình hình bóng đá VN hiện tại, thật khó tìm một doanh nghiệp nào chịu đầu tư vào các CLB.

Không có nhiều khán giả đến sân Thống Nhất xem trận TP.HCM gặp SHB Đà Nẵng chiều 1-10. Ảnh: N.K.
Không có nhiều khán giả đến sân Thống Nhất xem trận TP.HCM gặp SHB Đà Nẵng chiều 1-10. Ảnh: N.K.

Bởi nguồn thu từ việc bán vé vào sân, kinh doanh quần áo, bán bảng quảng cáo trên sân và bản quyền truyền hình không thu lại được nhiều so với kinh phí bỏ ra.

Lỗ nặng vì đầu tư vào bóng đá

Ông Võ Quốc Thắng cho biết: “Nếu các doanh nghiệp đầu tư vào đội bóng 100 tỉ đồng mà thu lại được 120 tỉ đồng thì quá tốt. Còn đằng này bỏ vào 100 tỉ đồng nhưng thu lại được có 20 tỉ đồng, lỗ 80 tỉ đồng mà cứ đầu tư tiếp thì chắc chết. Nếu có tiếp tục, họ cũng đầu tư cầm chừng. Như Tập đoàn Đồng Tâm tài trợ cho CLB Long An 20 tỉ đồng/năm. Nếu đội bóng hoạt động không đủ cũng phải chịu. Chẳng lẽ cứ phải bỏ tiền túi ra”.

Ông Võ Quốc Thắng và VPF đã nỗ lực hết sức nhưng cũng không làm gì được trước thực trạng sa sút về nhiều mặt của bóng đá Việt. Ảnh: N.KHÔI

CLB Long An đã tìm mọi cách đứng trên đôi chân của mình bằng việc bán vé, kinh doanh áo đấu và đồ lưu niệm. Tuy nhiên, tình hình khá bi đát. Một lãnh đạo của CLB Long An chia sẻ: “Tiền để tổ chức một trận đấu vào khoảng 100 triệu đồng, trận nào đông khán giả khoảng 6.000-7.000 người trở lên mới có lãi. Còn trận nào dưới 4.000 khán giả thì huề vốn, hoặc lỗ phải bù vào. Nói chung thu không đủ bù chi. Còn tiền bán áo đấu của CLB cũng chỉ thu được 10-20 triệu đồng/mùa, bán cho có phong trào thôi”.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thể thao bóng đá Bình Dương Lê Hồng Cường cho biết kết thúc lượt đi mùa bóng này, CLB B.Bình Dương chỉ thu được khoảng 500 triệu đồng tiền bán vé, giảm đáng kể so với mùa năm ngoái, trong khi tiền bán áo đấu và đồ lưu niệm thì không đáng kể. “Tiền bán vé giảm nhiều bởi năm nay chúng tôi không mua ngôi sao, thành tích của đội không tốt, lịch thi đấu xếp vào giữa tuần và cả chuyện người hâm mộ mất niềm tin vào bóng đá VN khi trọng tài thường xuyên mắc sai sót” - ông Cường nói.

Không thể xây dựng uy tín doanh nghiệp với bóng đá

Sân Long An luôn thưa thớt CĐV. Ảnh: N.K

Hơn 10 năm qua, nhiều ông bầu và doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá đã lẳng lặng rút lui “không kèn không trống”, như ông bầu Hoàng Mạnh Trường của CLB Vissai Ninh Bình, ông bầu Nguyễn Đức Thụy của CLB Sài Gòn Xuân Thành, ông Trần Đình Long của CLB Hòa Phát Hà Nội, ông Nguyễn Vĩnh Thọ của CLB Navibank Sài Gòn...

Lý do thì nhiều, nhưng tựu trung lại đầu tư vào bóng đá VN tồn tại quá nhiều rủi ro. Tiền thì mỗi mùa các doanh nghiệp tốn nhiều hơn, nhưng lợi nhuận về mặt hình ảnh thu lại càng lúc càng tệ khi đội thi đấu không tốt và giải đấu mùa nào cũng có chuyện (bạo lực, trọng tài, tính trung thực) xảy ra, khiến báo chí lẫn dư luận cứ phải lên tiếng.

Ông Lê Quốc Phong - tổng giám đốc Công ty phân bón Bình Điền - đã quyết định xây dựng thương hiệu doanh nghiệp của mình bằng cách đầu tư vào bóng chuyền nữ.

Ông Phong giải thích vì sao ông không chọn bóng đá: “Chúng tôi bắt đầu đầu tư vào bóng chuyền nữ từ năm 2002. 15 năm qua, mỗi khi chúng tôi tổ chức các giải bóng chuyền nữ, nhà thi đấu luôn chật kín khán giả. Có giải đấu chúng tôi phải đặt màn hình LED bên ngoài để khán giả không có vé vào nhà thi đấu được xem. Nhìn sang môn bóng đá, bạn thấy đấy, nhiều sân bóng ở VN luôn vắng khán giả vì chất lượng trận đấu không cao, thiếu hấp dẫn, thiếu độ tin cậy. Chúng tôi không thể bỏ tiền đầu tư vào môn thể thao mà nó không giúp chúng tôi tạo nên uy tín doanh nghiệp”.

Ông Lê Quốc Phong - tổng giám đốc Công ty phân bón Bình Điền - đã quyết định xây dựng thương hiệu doanh nghiệp của mình bằng cách đầu tư vào bóng chuyền nữ. Ảnh: HỮU THUẬN

Một lãnh đạo của CLB Long An cho biết việc Tập đoàn Đồng Tâm hi sinh bỏ tên khỏi đội bóng từ mùa giải 2016 nhằm giúp CLB Long An kiếm thêm nhà tài trợ. Nhưng rốt cuộc chẳng có thêm nhà tài trợ nào khác trong hai mùa giải qua. Ông nói: “Đội thậm chí còn không có thêm một nhà tài trợ mới nào. Bởi vậy, hai năm qua CLB Long An gặp nhiều khó khăn trong kinh phí hoạt động, dẫn đến thành tích ngày một đi xuống. Năm ngoái đội phải đá play-off giành suất trụ hạng, còn mùa giải năm nay thì đang đối mặt nguy cơ rớt hạng”.

Ông Võ Quốc Thắng nhìn nhận ngoài chuyện tình hình kinh tế khó khăn khiến phải cắt giảm những nguồn chi, việc các doanh nghiệp không “máu” đầu tư vào bóng đá nữa cũng một phần đọc báo chí thấy chê V-League nhiều quá. Ông Thắng nói: “Đầu tư vào bóng đá bây giờ không phải kênh duy nhất cho các doanh nghiệp quảng cáo thương hiệu. Điều quan trọng là CLB phải chăm chút đến cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực, đào tạo trẻ, thành tích... để giới thiệu đến nhà đầu tư. Chứ không phải đơn giản anh có đội bóng thì người ta tự đem tiền đến”.

Mô hình “chết yểu”

Nhận thấy một CLB sẽ không phát triển bền vững nếu chỉ dựa vào một ông chủ hay một doanh nghiệp nào đó, bóng đá VN đã đi theo mô hình mà các nước châu Á hay thế giới đang làm. Đó là kêu gọi nhiều doanh nghiệp cùng đầu tư vào một CLB thông qua việc thành lập công ty cổ phần bóng đá để quản lý CLB.

Nhưng thực tế mô hình này cũng không hoàn toàn hoạt động hiệu quả ở VN. Vì thực chất các CLB có nhiều doanh nghiệp tài trợ, nhưng dòng tiền chính vẫn phải phụ thuộc vào một doanh nghiệp chính. Mô hình có vẻ được xem là đúng nhất là Công ty cổ phần Phát triển bóng đá Cà Mau, với nhiều doanh nghiệp cùng bỏ tiền đầu tư như nhau vào đội bóng, đã “chết yểu” chỉ sau chưa đầy một năm ra đời và hoạt động ở Giải hạng nhất 2016.

Chúng tôi không thể bỏ tiền đầu tư vào môn thể thao mà nó không giúp chúng tôi tạo nên uy tín doanh nghiệp

ÔngLê Quốc Phong (tổng giám đốc Công ty phân bón Bình Điền)

 
K.B. - N.K.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên