19/04/2019 12:28 GMT+7

'Điều tra, thăm hỏi nhiều quá, trẻ bị xâm hại hoảng loạn...'

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Thực tế này được lãnh đạo phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Hóc Môn nêu tại buổi giám sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM về tình hình thực hiện Luật trẻ em, công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ sáng 19-4.

Thượng tá Trương Minh Đức - Phó trưởng công an huyện Hóc Môn nói về phòng ngừa xâm hại trẻ em - Video: MAI HOA

Báo cáo trước đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Ngọc Trân - phó phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện cho biết dân số của quận gần 430.000 người, trong đó có gần 94.000 trẻ dưới 16 tuổi. 

Có 669 em có hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi cả cha lẫn mẹ, bị bỏ rơi, khuyết tật, nhiễm HIV, bệnh hiểm nghèo. 940 trẻ em sống trong gia đình nghèo, gia đình có vấn đề xã hội.

Từ 2017 đến quý 1-2019, trên địa bàn huyện xảy ra 15 trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại, trong đó không khởi tố 3 vụ, chuyển cấp trên thụ lý theo thẩm quyền 5 vụ, thụ lý giải quyết 5 vụ, tiếp tục xác minh 2 vụ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Hóc Môn cho rằng khi vụ việc xảy ra, cái người dân quan tâm nhất vẫn là quy trình tiếp nhận xử lý điều tra. 

Dẫn vụ việc một bé gái ở xã Đông Thạnh mới đây gia đình tố cáo bị xâm hại, bà Trúc cho biết trẻ khi bị xâm hại rất hoang mang, lo sợ, gia đình không muốn dựng lại hiện trường.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trân nêu thực tế những vụ việc này có quá nhiều cơ quan, đoàn thể tham gia, thăm hỏi khiến thông tin không được bảo mật. Việc phải gặp mặt, trình bày quá nhiều lần khiến trẻ bị hoảng loạn. 

"Như việc xảy ra ở Đông Thạnh chúng tôi chỉ tiếp cận được với gia đình. Mẹ của bé cho biết các cơ quan yêu cầu bé dẫn tới hiện trường chỉ nơi xảy ra vụ việc", bà Trân nói.

Điều tra, thăm hỏi nhiều quá, trẻ bị xâm hại hoảng loạn... - Ảnh 2.

Đoàn giám sát Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM làm việc tại Hóc Môn - Ảnh: MAI HOA

Về việc này, Thiếu tá Lê Đức Song, phó đội trưởng đội điều tra tổng hợp công an huyện Hóc Môn cho biết vụ việc xảy ra từ 2017, đến tháng vừa rồi gia đình mới báo nên việc thu thập dấu vết, giám định rất khó khăn. Công tác giám định được thực hiện ngay khi gia đình trình báo.

Theo ông Song, trong điều tra hiện trường có biện pháp nghiệp vụ là thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, xác định hiện trường. 

Trường hợp ở Đông Thạnh là xác định hiện trường. Vụ này, công an TP yêu cầu công an Hóc Môn xác định hiện trường sau đó chuyển hồ sơ lên công an TP thụ lý theo thẩm quyền.

Ông cũng chia sẻ thêm, thực tế điều tra các vụ việc xâm hại trẻ em có vô vàn tình huống, không thể khởi tố chỉ căn cứ dựa trên một lời khai. 

Nói về công tác phòng ngừa, phó trưởng công an huyện - thượng tá Trương Minh Đức cho rằng phải chủ động, "không thể đợi mất bò mới lo làm chuồng".

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên