03/04/2020 14:08 GMT+7

Dịch COVID-19 chiều 3-4: Philippines tử vong nhiều nhất một ngày, New York vượt 100.000 ca nhiễm

BẢO ANH - DUY LINH
BẢO ANH - DUY LINH

TTO - Philippines ghi nhận thêm 29 ca tử vong do COVID-19, số ca tử vong trong một ngày cao nhất. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ ở New York là 10.482 người, đẩy tổng số ca nhiễm lên 102.863 ca.

Dịch COVID-19 chiều 3-4: Philippines tử vong nhiều nhất một ngày, New York vượt 100.000 ca nhiễm - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Số ca nhiễm tại New York vượt mốc 100.000

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 3-4 cho biết trong vòng 24 giờ qua đã có thêm 562 người chết vì COVID-19 tại bang này, nâng tổng số ca tử vong lên 2.935 người, chiếm gần một nửa số người chết của nước Mỹ.

Số ca nhiễm mới trong cùng thời gian là 10.482 người, đẩy tổng số ca nhiễm lên 102.863 ca, đưa New York trở thành đơn vị hành chính đầu tiên trên toàn thế giới có số ca nhiễm vượt mốc 100.000. 

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các bệnh viện dã chiến vừa xây dựng ở New York sẽ bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân COVID-19 vào ngày mai. Riêng tàu bệnh viện USNS Comfort vừa tới New York đang rà soát lại quy trình nhận bệnh nhân để đẩy nhanh việc tiếp nhận thêm các bệnh nhân sau khi bị dư luận chỉ trích.

Singapore tung biện pháp mới ngăn COVID-19 lây lan

Ngày 3-4, Singapore đã công bố các biện pháp mới để chống dịch COVID-19, trong đó có việc đóng cửa các trường học từ ngày 8-4 và hầu hết nơi làm việc từ ngày 7-4. 

Theo báo South China Morning Post, đây là những biện pháp nghiêm ngặt chưa từng có của đảo quốc sư tử để ngăn dịch COVID-19 lây lan. Những địa điểm bán thực phẩm như chợ, siêu thị và các bệnh viện, dịch vụ ngân hàng... vẫn mở. 

Với các biện pháp mới, Singapore đã có động thái tương tự các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan để hạn chế sự đi lại của người dân. 

"Hãy nhìn vào xu hướng hiện nay. Tôi lo rằng nếu chúng ta không tăng cường thêm các biện pháp, mọi thứ sẽ dần tồi tệ hơn", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gọi các biện pháp mới là một chiếc "cầu dao" để ngăn virus lây lan.

Dịch COVID-19 chiều 3-4: Philippines tử vong nhiều nhất một ngày, New York vượt 100.000 ca nhiễm - Ảnh 2.

Một cửa hàng tiện lợi ở thủ đô Manila của Philippines lắp thêm bạt nhựa để bảo vệ nhân viên trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh: REUTERS

Philippines ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong một ngày 

Bộ Y tế Philippines ngày 3-4 cho biết nước này vừa ghi nhận thêm 29 ca tử vong do COVID-19. Đây là số ca tử vong do COVID-19 trong một ngày cao nhất ở Philippines. Hiện Philippines có tổng cộng 136 ca tử vong. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 385 ca, lên tổng 3.018 ca.

Bắt đầu từ ngày 3-4, người dân Philippines bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng nếu không muốn bị xử phạt. Chính phủ Philippines trước đó đã ban bố lệnh phong tỏa ở ở đảo Luzon, miền bắc nước này nhưng vẫn cho phép người dân ra đường mua nhu yếu phẩm.

Hơn một nửa dân số của Philippines chen chúc ở Luzon. Một quan chức thuộc Bộ y tế Philippines nhấn mạnh khẩu trang loại gì cũng được miễn là người dân đeo chúng khi ra đường. Ông này cho biết khẩu trang y tế, khẩu trang vải, khẩu trang tự chế hay thậm chí là khăn bịt mặt đều được chấp nhận, miễn là che được mũi và miệng của người đeo.

Dịch COVID-19 chiều 3-4: Philippines tử vong nhiều nhất một ngày, New York vượt 100.000 ca nhiễm - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Nữ hoàng Anh chuẩn bị đọc thông điệp quốc gia

Hoàng gia Anh ngày 3-4 thông báo Nữ hoàng Elizabeth II sẽ đọc một thông điệp quốc gia đặc biệt về đại dịch COVID-19 tại Anh vào ngày 5-4 tới. Bài phát biểu sẽ được ghi hình trước và phát vào lúc 20h ngày 5-4.

Số ca tử vong tại Anh đã tăng lên 3.605 người ngày 3-4 sau khi có thêm 684 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tính tới sáng 3-4, đã có 173.784 được xét nghiệm virus corona trên toàn nước Anh, trong đó có 38.168 trường hợp dương tính.

Đức biến sân vận động lớn nhất nước thành bệnh viện dã chiến

Westfalen, sân vận động hơn 80.000 chỗ lớn nhất Đức, sẽ được hoán cải thành bệnh viện dã chiến vào ngày mai 4-4, câu lạc bộ Borussia Dortmund xác nhận trong một thông báo ngày 3-4. Đại diện câu lạc bộ này cho biết đây là vinh dự và trách nhiệm của họ khi sân nhà được trưng dụng.

Trước đó cùng ngày, người đứng đầu Viện Robert Koch, ông Lothar Wieler cảnh báo Đức có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh, máy thở và đặc biệt là các khu chăm sóc đặc biệt. "Tôi sẽ rất vui nếu tôi sai", ông nói.

Hãng tin Reuters thì dẫn thông tin từ người phát ngôn Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà Merkel vừa kết thúc giai đoạn tự cách ly và đã quay lại làm việc bình thường ngày 3-4. Nữ thủ tướng 65 tuổi đã phải tự cách ly và làm việc từ nhà sau khi tiếp xúc với một bác sĩ mắc COVID-19 hôm 20-3.

Số ca tử vong do COVID-19 ở Iran đã tăng thêm 134 ca trong 24 giờ qua, lên tổng cộng 3.294 ca. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm của nước này là 53.183 ca, còn số ca hồi phục là 17.935, theo Bộ Y tế Iran.

Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 3-4 cho hay số ca nhiễm của nước này đã tăng lên 117.710, trong khi số ca tử vong đã tăng từ 10.003 lên 10.935 ca.

Dịch COVID-19 chiều 3-4: Philippines tử vong nhiều nhất một ngày, New York vượt 100.000 ca nhiễm - Ảnh 4.

Những người vô gia cư thực hiện "giãn cách xã hội" trong lúc chờ phát thức ăn tại New Delhi, Ấn Độ ngày 3-4 - Ảnh: REUTERS

Trung Quốc tổ chức tưởng niệm các nạn nhân COVID-19

Chính phủ Trung Quốc ngày 3-4 cho biết nước này sẽ tổ chức hoạt động tưởng niệm những công dân đã thiệt mạng trong đại dịch COVID-19 vào ngày mai 4-4. Trong suốt khoảng thời gian này, Trung Quốc sẽ treo cờ rủ trên toàn quốc và tại tất cả đại sứ quán, lãnh sự quán ở nước ngoài.

Từ 10h sáng 4-4, người dân trên toàn quốc sẽ dừng mọi hoạt động để dành 3 phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân, trong khi tiếng còi ôtô, tàu hỏa và thuyền sẽ vang lên cùng lúc. Tính đến ngày 3-4, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 81.620 ca nhiễm và 3.322 ca tử vong do COVID-19.

Đại hội đồng LHQ ra nghị quyết đầu tiên liên quan COVID-19

Ngày 3-4 (giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi "hợp tác quốc tế" và "chủ nghĩa đa phương" trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Đây là văn bản đầu tiên của cơ quan quốc tế này về COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát, theo hãng tin AFP.

Thụy Sĩ, Indonesia, Singapore, Na Uy, Liechtenstein và Ghana đã đệ trình dự thảo nghị quyết này. Dự thảo đã nhận được sự phê chuẩn của 188/193 quốc gia thành viên.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh "sự cần thiết của việc tôn trọng quyền con người" và "không có chỗ cho bất kỳ hình thức phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và bài ngoại nào trong phản ứng với đại dịch".

Theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, đại dịch COVID-19 là "cuộc khủng hoảng mang tính thách thức nhất mà thế giới đối mặt kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2".

Không giống các nghị quyết được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua, nghị quyết được Đại hội đồng LHQ thông qua không mang tính ràng buộc. Tuy nhiên, nghị quyết này mang giá trị chính trị mạnh mẽ.

ADB: COVID-19 gây thiệt hại 4.000 tỉ USD

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 3-4 cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu lên tới 4.100 tỉ USD, khi gây tác động mạnh lên Mỹ, châu Âu và các nền kinh tế lớn khác. Tác động này tương đương với mức thiệt hại gần 5% GDP toàn cầu.

Báo cáo "Triển vọng phát triển của châu Á" công bố ngày 3-4 của ADB cũng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á trong năm 2020 sẽ giảm mạnh do COVID-19.

Báo cáo đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực sẽ ở mức 2,2% trong năm nay, so với mức dự báo 5,5% được ADB đưa ra vào tháng 9-2019. Tình hình sẽ phục hồi vào năm 2021.

Dịch COVID-19 chiều 3-4: Philippines tử vong nhiều nhất một ngày, New York vượt 100.000 ca nhiễm - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Trung Quốc khuyên các nhà ngoại giao nước khác ngừng tới Bắc Kinh

Ngày 3-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng các nhà ngoại giao nước khác nên ngừng đến Bắc Kinh, sau khi Trung Quốc tạm thời cấm hầu hết người ngoại quốc tới nước này để ngăn dịch "tràn ngược" từ nước ngoài.

Bà Hoa nói tại cuộc họp báo thường kỳ rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nắm được thông tin một số nhà ngoại giao nước khác ở Trung Quốc đã bị nhiễm virus corona chủng mới.

50% dân số toàn cầu ở nhà do COVID-19

Theo thống kê của Hãng tin AFP, đến nay có hơn 3,9 tỉ người, tương đương 50% dân số toàn thế giới, đang được kêu gọi ở nhà nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Các biện pháp, trong đó có bắt buộc hoặc khuyến cáo ở nhà, lệnh giới nghiêm hoặc cách ly, đã được triển khai tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mới nhất là trường hợp Thái Lan, với lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ ngày 3-4, nâng tổng số người trên toàn cầu phải ở nhà vượt qua mốc 50% trong tổng số 7,8 tỉ dân.

Bộ trưởng Y tế Anh: Anh sẽ chạm đỉnh dịch trong vài tuần tới

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 3-4 cho biết đỉnh dịch COVID-19 ở Anh sẽ đến sớm hơn một chút so với dự đoán trước đây và sẽ đến trong vài tuần tới. Ông cũng nhấn mạnh đỉnh dịch sẽ phụ thuộc việc mọi người tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội ra sao.

Cùng ngày, Chính phủ Anh cho biết họ đang gấp rút xây thêm các bệnh viện dã chiến giữa bối cảnh số ca nhiễm được dự đoán sẽ tăng nhanh, khi Thủ tướng Boris Johnson nói rằng Anh sẽ tăng cường xét nghiệm hàng loạt.

Dịch COVID-19 chiều 3-4: Philippines tử vong nhiều nhất một ngày, New York vượt 100.000 ca nhiễm - Ảnh 6.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Dịch COVID-19 sáng 3-4: Thế giới có hơn 1 triệu ca bệnh, phương Tây kêu gọi đeo khẩu trang Dịch COVID-19 sáng 3-4: Thế giới có hơn 1 triệu ca bệnh, phương Tây kêu gọi đeo khẩu trang

TTO - Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc một triệu ca với hơn 52.000 ca tử vong. Người dân tại các nước phương Tây bắt đầu được yêu cầu đeo khẩu trang để ngăn dịch lây lan.

BẢO ANH - DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên