12/12/2022 09:43 GMT+7

Đi trước, đón đầu để hút đầu tư châu Âu

NGỌC AN ghi
NGỌC AN ghi

TTO - Trả lời Tuổi Trẻ, ông Alain Cany - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - cho biết Việt Nam rất có nhiều tiềm năng để thực hiện chuyển đổi xanh, do đó các công ty châu Âu sẽ đầu tư hàng trăm tỉ euro vào quá trình này.

Đi trước, đón đầu để hút đầu tư châu Âu - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về Khu công nghệ cao Brainport - nơi được coi là Thung lũng silicon của châu Âu - Ảnh: NGUYÊN PHÚC

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mở ra cơ hội thâm nhập thị trường nhưng để đáp ứng tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững thì các công ty Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường.

Bỉ, Hà Lan, Đức và tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế phù hợp với Thỏa thuận xanh châu Âu và sẵn sàng đầu tư hàng trăm tỉ euro để đạt được điều này.

Ông ALAIN CANY

Tiếp cận chủ động

Việc không đi trước đón đầu cũng có thể khiến các công ty Việt Nam gặp khó khăn với các quy định phát triển bền vững ngày càng nghiêm ngặt của EU, hiện đang được áp dụng trên toàn bộ chuỗi cung ứng của các công ty châu Âu. 

Một số điều khoản của EVFTA cũng đặt ra vấn đề này nên các công ty Việt Nam phải có cách tiếp cận chủ động để thành công.

Châu Âu đã bắt đầu thực hiện việc xanh hóa và phát triển bền vững ngành công nghiệp từ 20 - 30 năm nay và đã có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. 

Từ thực tiễn, tôi cho rằng nếu có tầm nhìn, tư duy và sự đầu tư vào tăng trưởng xanh, Việt Nam sẽ có thể bắt kịp sau 5 đến 10 năm, gồm cả xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường hay phát triển năng lượng tái tạo.

Do đó, Hội đồng châu Âu tin tưởng Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm xanh sang thị trường châu Âu một cách nhanh chóng và hiệu quả. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động đầu tư cho sản phẩm xanh, nâng cao trách nhiệm hơn nữa để có sự phát triển bền vững và lâu dài.

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong hành trình hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững, thông qua cam kết ở COP26 (đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050). Nhưng để nâng cao chất lượng tổng thể về thương hiệu và chất lượng sản phẩm xanh còn nhiều việc phải làm. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm tới 98% gặp khó khăn trong việc áp dụng các thông lệ bền vững và công nghệ xanh. Chúng tôi cũng hiểu do những yêu cầu duy trì, sinh tồn cần được ưu tiên hơn là đầu tư cho những giá trị lâu dài khó thu hồi vốn ngay.

Vì vậy, cần có chính sách và cơ chế về nguồn tài chính xanh được huy động cả trong và ngoài nước hỗ trợ doanh nghiệp này. Như tôi nêu trên thì huy động nguồn tài chính xanh là rất cần thiết. Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra mục tiêu rõ ràng về hiệu quả tín dụng xanh bởi hiện nay các khoản vay xanh chỉ chiếm 4%, nên sẽ rất hữu ích nếu loại bỏ đi những giới hạn và quy định khắt khe với lĩnh vực này.

Đi trước, đón đầu để hút đầu tư châu Âu - Ảnh 3.

Chủ tịch Eurocham Việt Nam, ông Alain Cany - Ảnh: Eurocharm

Củng cố nguồn nhân lực, khung pháp lý

Một điều quan trọng nữa là Việt Nam cần củng cố nguồn nhân lực. Số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ có 26,1% lực lượng lao động của Việt Nam được xác định là "có kỹ năng", nên sẽ khó tiếp cận công nghệ tiên tiến. 

Cần có cơ chế thu hút các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là từ EU, còn hiện nay các chuyên gia nước ngoài gặp khó khăn trong việc xin giấy phép lao động, nên cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép lao động và mở cửa rộng rãi hơn cho nhiều chuyên gia quốc tế. Đây là điều cốt yếu để Việt Nam trở thành một thỏi nam châm đầu tư.

Tuy nhiên, Việt Nam phải giải quyết một số tồn tại. Đó là khung pháp lý thiếu bền vững, khó đoán định, đặc biệt đối với các dự án năng lượng tái tạo, làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư.

92% số người được hỏi về Chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham cho rằng để phát triển xanh nhanh hơn, Việt Nam cần có khung pháp lý mạnh mẽ hơn. Đây là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ một khung pháp lý bền vững, có thể dự đoán được của Việt Nam, đặc biệt là đối với các dự án năng lượng, để các công ty châu Âu có thể cho vay công nghệ, chuyên môn và tài trợ.

Đồng thời, cần làm rõ khung pháp lý cho quan hệ đối tác công tư cũng sẽ góp phần phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng xanh của Việt Nam. Ví dụ, nếu có một cơ chế hợp tác khả thi, các công ty châu Âu chắc chắn sẽ muốn đóng góp vào sự phát triển của mạng lưới năng lượng và hệ thống lưu trữ pin của Việt Nam.

Hợp tác xây dựng Trung tâm Brainport Hà Nội

Sáng 11-12 giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến làm việc tại tỉnh Bắc Brabant và thăm Trung tâm Công nghệ Brainport (BIC), bắt đầu các hoạt động trong chuyến thăm chính thức Hà Lan từ ngày 11 đến 13-12.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng nêu ra ba mô hình của Hà Lan cần học tập gồm: mô hình Airport (kết nối hàng không); Seaport (kết nối hàng hải) và Brainport (kết nối đổi mới sáng tạo).

Nhìn từ thực tế Việt Nam cũng đi lên từ nước nông nghiệp, Thủ tướng nói Việt Nam có điều kiện phát triển công nghệ cao, dịch vụ hàng không, hàng hải, xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo và lập nghiệp. Do đó, ông đề nghị phía bạn hỗ trợ, thảo luận công việc hợp tác cụ thể, bảo đảm hiệu quả chứ không "chung chung" để có một Brainport Hà Nội.

Đồng tình những vấn đề được Thủ tướng nêu, Phó thống đốc tỉnh Bắc Brabant Martijn van Gruijthuijsen bày tỏ Hà Lan cũng đang cảm nhận những hậu quả của biến đổi khí hậu, nên đây là tâm điểm chính sách được triển khai trong thời gian tới khi hướng tới các đối tác tiềm năng bên ngoài châu Âu.

Thủ tướng cũng đã đề nghị bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ Việt Nam tại EU và các lãnh đạo phía bạn trao đổi để ngay trong chuyến thăm này hiện thực hóa hợp tác hỗ trợ về việc lập trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo ở Hà Nội do phía Hà Lan hỗ trợ.

NGỌC AN (từ Brabant, Hà Lan)

Thông điệp ‘hành động vì người dân’ của Thủ tướng ấn tượng với tập đoàn công nghệ Hà Lan Thông điệp ‘hành động vì người dân’ của Thủ tướng ấn tượng với tập đoàn công nghệ Hà Lan

TTO - Bày tỏ hy vọng có một mô hình Brainport (kết nối đổi mới sáng tạo) ở Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía bạn Hà Lan hỗ trợ để Việt Nam hướng tới giải quyết các vấn đề thách thức toàn cầu, mang lại lợi ích cho người dân.

NGỌC AN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: EVFTA