07/10/2014 01:02 GMT+7

Đi tìm con đường sáng

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Mặc dù đã có quan điểm đúng đắn từ Chính phủ(*) nhưng thể thao VN vẫn lúng túng trong đầu tư, định hướng...

[quote]"Điều mà đất nước chúng ta cần nhất là sức khỏe, sự hăng say, thoải mái và những con người được giáo dục tốt... Singapore không cho phép mình phí phạm thời gian cho việc chạy đua tranh giành những tấm huy chương ở Olympic, Asian Games hay SEAP Games (tiền thân của SEA Games)"

Phát biểu của ông LÝ QUANG DIỆU (nguyên thủ tướng Singapore vào năm 1973) đáng cho thể thao Việt Nam lưu tâm[/quote]

Hiện nay, trên thế giới có hai quan điểm và cách làm về đầu tư cho thể thao. VN đang đi theo cách nào?

“Luyện gà chọi” và thể thao vì cộng đồng

“Luyện gà chọi” là cụm từ các nhà thể thao VN dùng để nói về cách đầu tư cho thể thao đỉnh cao của Trung Quốc. Cách làm này là tuyển chọn VĐV năng khiếu từ lứa tuổi thiếu niên - nhi đồng, rồi đưa vào các trung tâm huấn luyện của nhà nước.

Những VĐV nhí này được hưởng các chế độ từ ngân sách nhà nước chẳng khác nào một công chức. Họ sẽ được đào tạo theo một chế độ khắc nghiệt, khổ luyện nhằm phát huy tối đa khả năng của con người. Để minh chứng cho chuyện này, những ai quan tâm thể thao hẳn từng biết đến những phóng sự về các cô cậu bé 5, 6 tuổi đã bị “hành xác” ở môn thể dục dụng cụ tại các trung tâm đào tạo ở Trung Quốc.

Nhờ sự hà khắc đó, thể thao Trung Quốc đã đào tạo nên vô số tài năng thể thao giúp nước này trở thành một cường quốc thật sự tại các kỳ Olympic gần đây. Mặt trái của cách làm này là nó hủy hoại tuổi thơ, đánh đu với số phận. Đặc biệt đối với những trường hợp không đặt chân lên đỉnh cao nhất thì sẽ nhận hậu quả thê thảm như chúng ta từng nghe nhiều nhà vô địch trẻ của Trung Quốc phải đi ăn xin do chấn thương, không biết làm gì ngoài thể thao!

Ngược lại với Trung Quốc, cách làm của người Mỹ được nhiều quốc gia áp dụng, đó là xây dựng một nền tảng vững mạnh từ trường học.

Ở Mỹ và nhiều quốc gia khác đừng mơ chuyện nhận được tiền của nhà nước khi chỉ mới bắt đầu chơi thể thao, cho dù con bạn lộ rõ năng khiếu. Nếu chơi thể thao chỉ để khỏe thì chẳng có vấn đề gì, khi cơ sở vật chất phục vụ thể thao đầy rẫy trong nhà trường, ngoài xã hội. Nhưng muốn chơi một cách bài bản, xin bỏ tiền túi để thuê HLV, sinh hoạt tại CLB. Nhờ vậy, số phận con người không “đánh bạc” theo sự nghiệp thể thao. Chỉ khi nào tài năng thật sự định hình, khi ấy mới thu hoạch từ quảng cáo, từ sự đầu tư của liên đoàn... Và khi ấy, thể thao đã thật sự là nghề nghiệp khiến VĐV phải sống chết với nó để đảm bảo thu nhập, danh tiếng.

Thể thao VN hiện đi theo con đường nào trong số hai con đường nêu trên?

Xét về hình thái tổ chức của bộ máy quản lý thể thao, chúng ta theo con đường của Trung Quốc khi Nhà nước chi trả cho các tuyến VĐV năng khiếu, thậm chí cả đầu tư cho đi ăn tập dài hạn ở nước ngoài (như trường hợp Ánh Viên). Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng muốn phát triển thể thao theo cách của người Mỹ, đó là xã hội hóa, phát triển thể thao học đường.

Nửa nạc, nửa mỡ!

Chúng ta tổ chức bộ máy quản lý thể thao nhà nước theo kiểu Trung Quốc nhưng lại không đủ sự lạnh lùng, cứng rắn, quyết liệt.

Bộ máy thể thao nhà nước từ quận huyện đến tỉnh thành và cao nhất là Tổng cục TDTT đều hoạt động lạc nhịp, mỗi nơi một phách, trên bảo dưới không nghe. Đặc biệt ở các trung tâm đào tạo, tuyển trẻ, tuyển quốc gia đều nới lỏng về mặt kỷ luật với VĐV (xem ra bản tính của người Việt là hiền hòa, không phù hợp với kiểu huấn luyện hành xác VĐV, đặc biệt lứa tuổi nhỏ).

Bên cạnh đó, chúng ta cũng muốn đẩy mạnh xã hội hóa, thể hiện qua chủ trương phát triển các liên đoàn thể thao, cũng muốn phát triển thể thao trường học. Trong bốn nguyên nhân giải thích cho việc thành tích không như ước muốn tại Asiad 2014, ông Lâm Quang Thành có nhấn mạnh về chuyện xã hội hóa chưa đạt hiệu quả.

Vâng, điều đó ai cũng thấy. Nhưng làm sao xã hội hóa một cách hiệu quả, khi không trao quyền thật sự cho các liên đoàn?

Ai cũng biết các liên đoàn thể thao hiện nay ở VN phần lớn đều là “bình mới rượu cũ”. Những người đóng vai trò quan trọng ở các liên đoàn đều là người Nhà nước cử sang. Nếu ai đó không đồng ý chuyện này, xin cứ hỏi những doanh nhân nổi tiếng như ông Phạm Phú Ngọc Trai, Hà Thanh Hùng thì rõ. Họ đều là những doanh nhân rất yêu thể thao, nhưng đã tháo chạy khi tham gia liên đoàn...

Còn phát triển thể thao học đường thì làm sao nổi khi trường học còn thiếu thốn sân chơi trầm trọng, sân bãi ngày càng teo tóp vì các công trình nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại.

Cuối cùng, có một vấn đề quan trọng không kém mà nhiều cán bộ quản lý thể thao đã nghỉ hưu cho rằng nó kìm hãm sự phát triển của thể thao VN, đó chính là bộ máy quản lý. Từ khi sáp nhập chung với văn hóa và du lịch, tiếng nói của thể thao mờ nhạt hẳn! Từ quận huyện đến Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, người phụ trách thể thao luôn đóng vai trò thứ yếu. Việc sáp nhập này thường chỉ phù hợp với những nước nào đã làm thật tốt công việc xã hội hóa thể thao - các liên đoàn thể thao mạnh thật sự.

[box](*) Kim chỉ nam của thể thao VN

Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt (quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 3-12-2010) nêu rõ: TDTT quần chúng phải phát triển sâu rộng hơn, thực chất hơn, đạt chất lượng cao hơn và thật sự gắn bó với đời sống xã hội cũng như huy động nhiều hơn nguồn lực từ công tác xã hội hóa. Trên đấu trường quốc tế, thay vì nhắm tới cái đích quen thuộc là khu vực, thể thao VN hướng tới đấu trường châu lục, thế giới thông qua những môn thể thao cơ bản nhất, nằm trong hệ thống thi đấu Olympic, thay cho cách làm “đi tắt, đón đầu”.

Theo Chinhphu.vn[/box]

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên