07/09/2020 13:55 GMT+7

Đi tàu hỏa mùa dịch

PHƯỚC TUẦN - TUẤN PHÙNG
PHƯỚC TUẦN - TUẤN PHÙNG

TTO - Mùa dịch, sân ga vốn náo nhiệt trở nên trống vắng. Hành khách lên tàu bắt buộc phải đo thân nhiệt, khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn. Và mỗi người có thể được ngồi... cả một toa vì ít khách.

Đi tàu hỏa mùa dịch - Ảnh 1.

Trưởng tàu nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang suốt hành trình - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Một ngày mùa dịch đầu tháng 9, phòng chờ tàu hơn 10 dãy ghế ở ga Huế không có ai. Tôi là khách duy nhất đợi tàu. Do dịch nên ngành đường sắt chỉ còn khai thác hai đôi tàu SE1-2 và SE7-8. Trên hành trình Bắc - Nam, 4 mác tàu khách Thống Nhất vẫn vào ga Đà Nẵng nhưng không đón - trả khách.

Đo thân nhiệt, khai báo y tế khi lên tàu

Ngồi chờ tàu, tôi chợt nhớ mua ít bánh kẹo làm quà. Thấy tôi đứng dậy, cô nhân viên ga Huế dặn: "Mấy hôm nay dịch, tàu chạy có hai đôi nên rất đúng giờ, anh nhớ quay lại sớm kẻo trễ tàu".

Trước khi vào trong sân ga, nhân viên ga Huế cẩn thận đo thân nhiệt hành khách, xịt dung dịch sát khuẩn tay, kiểm tra khai báo y tế. Trong ga, lác đác vài nhân viên kỹ thuật đi lại. Những quầy hàng vốn đông đúc giờ đóng gần hết, còn lại vài tiểu thương cũng ngồi thở dài, nhìn nhau.

Tôi lên toa ghế mềm. Đang loay hoay tìm số ghế thì một bác hành khách bịt khẩu trang kín mít nói: "Tàu mùa dịch trống trơn, cháu cứ thấy dãy ghế nào trống là ngồi thôi. Vừa đảm bảo giãn cách an toàn vừa thoải mái". Sau đó, nhân viên phụ trách toa đi tới kiểm tra vé rồi bảo: "Anh thấy chỗ nào trống ngồi cũng được. Cả toa hôm nay có mấy người thôi. Khi tàu chạy, anh hạn chế đi lại, nói chuyện và nhớ thường xuyên phải mang khẩu trang".

Khách đi tàu mùa dịch giảm mạnh, chủ yếu những hành khách có việc quan trọng mới đi. Anh Nguyễn Hoàng Sơn (32 tuổi, ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình) ngồi cùng toa, trầm giọng: "Dịch đợt này căng thật. Nhìn Đà Nẵng sầm uất nhất miền Trung giờ vắng lặng vậy ai cũng xót xa. Ở đây có rất nhiều lao động nghèo các tỉnh về mưu sinh, giờ dịch thế này chắc bà con khó khăn lắm".

Anh Sơn đang là chủ hiệu ảnh cưới ở Quảng Bình, vào Quy Nhơn chụp ảnh cưới cho người bạn thân. "Mùa dịch, đi lại bằng phương tiện công cộng cũng lo lắng. Nhưng mình đã hứa với bạn nên phải cố vào. Hiện Quảng Bình, Bình Định chưa có dịch, tôi đỡ lo phần nào. Xong việc chắc ra quê liền. Bản thân cũng chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang đầy đủ khi đi tàu" - anh Sơn chia sẻ.

Đi tàu hỏa mùa dịch - Ảnh 2.

Nhân viên kiểm tra người lên xuống chẳng có việc gì để làm ở sân ga - Ảnh PHƯỚC TUẦN

Sân ga vắng người

Tàu vào đèo Hải Vân, trời bắt đầu mưa. Tàu qua khỏi cầu Nam Ô (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), chúng tôi bắt đầu ngước nhìn những con đường vắng vẻ, đìu hiu. Nhiều nhà dân đóng kín cửa, khu dân cư vắng lặng đến nao lòng. Thi thoảng mới thấy những chiếc xe máy, ôtô trên đường.

Tầm giờ trưa, những vũng nước mưa vẫn còn đọng lại trên mặt đường vắng. Tàu dần lăn bánh chậm vào trung tâm nội thành Đà Nẵng. Sau những hàng rào chắn giữa tuyến đường giao cắt với đường sắt không còn cảnh xe máy, ôtô chen chúc đợi tàu, thay vào đó là hình ảnh vắng vẻ, lưa thưa vài chiếc xe máy của người dân. Những con hẻm cạnh đường sắt khu Liên Chiểu, Thanh Khê bỗng quạnh quẽ đến lạ. Khác xa sự náo nhiệt, đông đúc của Đà Nẵng trước dịch COVID-19.

Tàu vào ga Đà Nẵng và không còn đón trả khách như trước. Quang cảnh sân ga vắng lặng. Những quán tạp hóa, quán cơm, quán giải khát giờ được phủ những tấm bạt mỏng, nhiều gian hàng khóa chốt then cài. Khu vực thương mại không một bóng người. Sân ga Đà Nẵng chỉ còn lại vài nhân viên kỹ thuật trực tàu, họ lẻ loi đi kiểm tra kỹ thuật từng toa xe.

Trưởng tàu SE1 Lê Văn Thọ chia sẻ hơn tháng nay khách đi tàu rất ít, các ga miền Trung vắng khách đã buồn, tàu vào sân ga Đà Nẵng lại càng lặng lẽ hơn. 

"Ngày thường tàu vào ga Đà Nẵng dừng hơn 20 phút; khách xuống tàu hóng gió, mua đồ ăn, nước uống rất nhộn nhịp. Hôm nay, dù Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội nhưng đường sá, sân ga vẫn đìu hiu. Tàu vào ga chỉ thấy những toa tàu trống nằm bên đường, các phòng trực ban vắng người, quầy hàng đóng kín, xung quanh lác đác vài bóng người. Cảm giác rất chạnh lòng"- anh Thọ chia sẻ.

Các ga dọc miền Trung như Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Đông Hà, số lượng hành khách lên xuống tàu cũng rất ít. Hiếm hoi có vài hành khách đi tàu, thường là có việc gấp chứ không phải đi du lịch. Họ đi thật nhanh và cũng sớm ổn định chỗ ngồi với chiếc khẩu trang luôn đeo.

Đi tàu hỏa mùa dịch - Ảnh 3.

Khung cảnh vắng vẻ ở ga Đà Nẵng khi các cửa hàng đóng cửa, ga không đón trả khách như bình thường vì dịch - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Nỗi niềm trưởng tàu mùa dịch

Lượng khách đi tàu rất ít khiến ngành đường sắt dừng khai thác hàng loạt đôi tàu Thống Nhất nhằm đảm bảo công tác phòng dịch và hiệu quả khai thác. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa nhân viên tàu phải giảm chuyến, thay nhau nghỉ dịch.

Trước đó, tôi đã gặp trưởng tàu SE4 Trần Văn Trí trên chuyến từ Huế đi Đồng Hới ngay trước lúc mác tàu SE3-4 dừng khai thác vào giữa tháng 8. Anh Trí nói giọng đượm buồn: "Tôi đi chuyến này là mác tàu SE4 cuối cùng, ngày 14-8 đôi tàu SE3-4 dừng chạy nên khi ra ga Hà Nội tổ tàu sẽ đi mác SE1 vào lại Sài Gòn rồi nghỉ. Mong sao dịch nhanh được kiểm soát, chúng tôi lại có cơ hội phục vụ người dân xuôi ngược Bắc - Nam".

Trên tàu, nhân viên vừa bảo vệ mình vừa phối hợp hành khách thực hiện phòng chống dịch. Anh Trí cho biết nhân viên và hành khách phải đeo khẩu trang thường xuyên, kể cả nằm ngủ. Đoàn tàu cũng chỉ phục vụ ăn uống tại chỗ.

"Chúng tôi có máy đo thân nhiệt, nếu có hành khách sốt, ho bất ngờ trong hành trình thì nhân viên y tế sẽ đưa về phòng cách ly được chuẩn bị sẵn cuối đoàn tàu. Hành khách sẽ được đưa xuống cách ly theo quy định ở ga gần nhất" - anh Trí thông tin.

Cùng tâm trạng với anh Trí là trưởng tàu SE5 Văn Khắc Nam trên chuyến tàu SE5 ngày 16-8 từ Hà Nội đi Sài Gòn trước khi tạm dừng mác tàu SE5-6 từ ngày 18-8. Anh Nam cho biết bình thường mùa hè khách đi từ Hà Nội vào Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng khá đông nhưng đợt dịch này toa nào cũng trống.

"Đến ga Đồng Hới có hơn 80 hành khách, chỉ chiếm hơn 25% tổng số vé đoàn tàu. Các hành khách cũng chỉ đi đoạn ngắn. Anh em tổ tàu chỉ có thể động viên nhau vượt qua khó khăn" - trưởng tàu Văn Khắc Nam tâm sự.

Từ 0h hôm nay 7-9, khôi phục máy bay, xe lửa, ôtô… đi, đến Đà Nẵng

Chiều 6-9, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục hàng không Việt Nam, hàng hải Việt Nam, đường sắt Việt Nam, đường thủy nội địa Việt Nam thông báo tới các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện khôi phục 100% tần suất hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách (ôtô, xe lửa, máy bay, phương tiện thủy...) đi, đến Đà Nẵng để hoạt động vận tải trở lại bình thường từ 0h hôm nay 7-9.

Bộ yêu cầu việc khôi phục các hoạt động vận tải hành khách tại Đà Nẵng phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn phòng chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong thực hiện các hoạt động vận tải hành khách đi, đến Đà Nẵng như đeo khẩu trang, khai báo y tế, khuyến cáo hành khách có sử dụng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng Bluezone cảnh báo sớm khi có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm…

Đưa khách từ Hà Nội du lịch Quảng Bình bằng tàu hỏa charter Đưa khách từ Hà Nội du lịch Quảng Bình bằng tàu hỏa charter

TTO - Lần đầu tiên, các đơn vị lữ hành Hà Nội đã đưa hơn 350 khách du lịch từ Hà Nội vào Quảng Bình bằng tàu hỏa theo hình thức thuê nguyên chuyến (còn gọi là chuyến tàu charter).

PHƯỚC TUẦN - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên