25/07/2023 11:48 GMT+7

Dẹp còi 'độ', dễ hay khó?

Còi "độ" tra tấn người đi đường, ngang nhiên thách thức pháp luật. Chẳng lẽ "bó tay" với nạn này?

Nam thanh niên bấm còi hơi tại ga ra trên đường số 6 (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM) -  Ảnh cắt từ clip

Nam thanh niên bấm còi hơi tại ga ra trên đường số 6 (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM) - Ảnh cắt từ clip

Nhiều người dễ giật mình sợ hãi trước âm thanh "khủng" phát ra từ chiếc còi ngoại cỡ. Đã có người bị ngã xe, nhưng rồi cũng đành chịu ấm ức.

Còi độ dành cho ô tô tải còn khiếp đảm hơn. Chỉ cần tài xế ấn nút, nhiều người đi đường hoảng hốt, loạng choạng.

Tiếng ồn từ động cơ của hàng trăm chiếc xe đã đủ khiến mệt mỏi, lại bị "bồi" thêm bởi tiếng còi hơi dữ dội. Một tiếng còi nhưng khiến hàng trăm người phải khiếp vía. Người đang ở trong nhà, trẻ em đang ngủ cũng khóc lên sợ hãi do tiếng còi gây náo loạn kia.

Nạn gắn còi "khủng" còn đi đôi với trang bị ống xả gia tăng tiếng động cơ ầm ĩ, dân chơi xe hay gọi là "pô nổ". Không hiếm gặp những tốp "quái xế" lắp đủ hai thứ khủng khiếp này, phóng bạt mạng trên đường. Người đi đường phải né.

Âm thanh thì không để lại "dấu vết", thiếu bằng chứng xử lý. Vậy nên, cơ quan chấp pháp dù rất muốn dẹp triệt để cũng không dễ. Thỉnh thoảng có vài trường hợp do bị yêu cầu dừng xe đột xuất đo nồng độ cồn, khi tiến hành kiểm tra phương tiện mới tìm thấy "còi lạ".

Nhưng không thể chịu thua tiếng còi xe nổi loạn trên đường. Còi độ không phải tự nhiên "từ trên trời rơi xuống". Cùng với biện pháp kiểm tra đột xuất, rất cần nỗ lực "tấn công" thẳng vào địa chỉ cung cấp, mua bán, lắp đặt.

Tương tự với xóa sổ nạn đua xe trái phép, vừa qua các ngành ở TP.HCM đã tập trung đánh thẳng vào các "lò" độ xe. Hiệu quả được chứng minh ngay tức thì bởi tình trạng đua xe đã giảm rõ rệt. Xóa tận gốc rễ từ khâu "hóa kiếp" xe máy, chấm dứt thói quen thay đổi thiết kế, phụ tùng đặc trưng của xe.

Không chỉ giới hạn ở còi, còn phải áp dụng với đèn chiếu sáng gây chói mắt người lái xe chiều ngược lại. Buộc tháo gỡ, tịch thu những món đồ "lạ" trên xe gây mất an toàn cho người đi đường. Ngăn chặn sớm mới mong tránh được hậu quả đáng tiếc.

Phản hồi Tuổi Trẻ Online:

Không thể dễ dãi với nạn "độ" còi xe

Sau phản ánh "Náo loạn còi xe độ" của Tuổi Trẻ, lực lượng chức năng đã kiểm tra ga ra "độ" còi cho xe và chủ cơ sở cam kết sẽ không để phát sinh ô nhiễm tiếng ồn trong thời gian tới.

"Nhà tôi ở mặt tiền đường lớn, các xe gắn còi lớn chạy ngang bóp còi mà trong nhà còn giật mình, nghe rát tai lắm" - bạn đọc Thu kể.

Theo bạn đọc Mỹ Toàn, "có vẻ như cơ quan hữu quan đã dễ dãi với tiếng còi hơi bát nháo trong nội đô thành phố.

Nhiều loại xe vô tư bóp còi hơi như xe chở rác, xe bồn chở xăng, xe giường nằm, thậm chí cả xe buýt. Quá nản với văn hóa giao thông kiểu thích thì làm, khi nào bị phạt thì chuyển sang đối phó!".

Bạn đọc Phạm Đan Trường cho hay: "Ở nhiều nước, điển hình là Hàn Quốc, khi không còn kiểm soát được chiếc xe đang lái, tài xế mới sử dụng còi và đèn cảnh báo nguy hiểm. Trong khi ở nước ta, nhiều người còn ngộ nhận còi được nhà sản xuất làm ra dùng để nhấn và nhấn vô tội vạ".

"Giao thông văn minh là giảm thiểu tiếng còi xe. Lắp còi công suất lớn nữa thì đi ngược văn minh" - bạn đọc Thạch nêu ý kiến.

Bạn đọc Tuấn Anh đề nghị: "Phải có chế tài xử phạt thật nặng những chủ xe độ còi "khủng bố" người đi đường và cơ sở độ còi gây ồn trong khu dân cư.

Bên cạnh đó cũng xử lý việc độ đèn xe, nhất là độ đèn có ánh sáng màu mè khác thường, vừa không đủ độ sáng và gây lóa mắt người đối diện làm tăng nguy cơ tai nạn".

Ấn Độ xem xét thay còi xe bằng tiếng nhạcẤn Độ xem xét thay còi xe bằng tiếng nhạc

TTO - Bộ trưởng giao thông Ấn Độ đang cân nhắc ban hành luật thay thế còi xe bằng tiếng nhạc để giảm bớt tình trạng ô nhiễm tiếng ồn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên