30/05/2012 08:05 GMT+7

Đến "đất thiêng" Roland Garros

TRUNG NGHĨA (Paris)
TRUNG NGHĨA (Paris)

TT - Những ngày này, Paris náo nhiệt hơn bởi Giải quần vợt Pháp mở rộng (Roland Garros). Trên mọi ngả đường dẫn đến sân Roland Garros, hình quả banh nỉ và chiếc vợt có logo giải đấu được dán khắp mặt đường, ngay dưới bước chân của người hâm mộ.

kZ9Q5Bho.jpgPhóng to

Tay vợt khả ái người Serbia Ana Ivanovic ký tặng khán giả tại Roland Garros 2012 - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Đi trên mảnh đất của lịch sử và huyền thoại này, có thể hiểu tại sao người Pháp rất đỗi tự hào với Roland Garros. “Cậu đang ngồi trên mảnh đất thiêng đấy, con trai ạ!” - ông Philippe, 65 tuổi và đã có hơn 40 năm đi xem giải đấu, trò chuyện thân mật với tôi giữa những ván đấu trong trận Djokovic thắng Potito Starace hôm 28-5.

Ông Philippe say sưa kể về cái tên Roland Garros - một anh hùng không quân Pháp hi sinh trong Thế chiến thứ nhất, đồng thời là thành viên CLB quần vợt Stade de France. “Đi xem quần vợt tại Roland Garros khiến chúng tôi tự hào về lịch sử và yêu nước hơn” - ông tâm sự.

Trong những ngày chạy đi chạy lại giữa các sân đấu để theo dõi những trận đấu nảy lửa, bạn dễ dàng chứng kiến tận mắt những “đặc sản” độc đáo của Roland Garros: mặt sân đất nện khiến quả bóng bay chậm hơn nhưng lại nảy lên cao hơn.

Tính chất đặc biệt này khiến giải Grand Slam duy nhất thi đấu trên mặt sân đất nện này trở nên khắc nghiệt bậc nhất. Một huyền thoại quần vợt thế giới phải là người có đầy đủ bộ sưu tập bốn danh hiệu Grand Slam, tức đăng quang trên bốn mặt sân, trong đó có sân đất nện. Nhiều tay vợt vĩ đại lắm lần vô địch các giải Úc mở rộng, Mỹ mở rộng, Wimbledon song lại tức tưởi chào thua trước “cửa ải Roland Garros” như Pete Sampras, Boris Becker, Jimmy Connors, Djokovic...

Sân đất nện cũng khiến nhà tổ chức làm việc mệt hơn, từ việc cán lớp bột gạch đỏ xuống lớp bột đá bên dưới để tạo độ mịn hoàn hảo cho mặt sân đến việc giữa các ván đấu phải tưới nước khắp sân cho giảm bụi.

Thời tiết Paris mùa hè nắng nóng là thử thách không nhỏ đối với các tay vợt, nhất là khi mọi sân ở Roland Garros, kể cả sân trung tâm Phillippe Chatrier với sức chứa gần 15.000 chỗ đều là sân ngoài trời. Vì vậy các tay vợt “yếu cơ” dễ kiệt sức vì mất nước và nóng. Đã thế, luật ở Roland Garros (không sử dụng loạt luân lưu tie break ở set đấu cuối cùng) lại càng đòi hỏi các tay vợt phải có nền tảng thể lực cao nhất. Đây cũng là yếu tố giúp Rafael Nadal đã và đang trở thành “vua” ở Paris, ngoài phong cách đánh từ cuối sân của anh.

Một bản sắc riêng khác của Roland Garros chính là hình ảnh những chiếc mũ trắng có viền và nơ màu clay (gạch đỏ đất nện) ở khắp nơi. Từ các cô gái nhân viên tổ chức đến khán giả, nam cũng như nữ, đều rất thích đội chiếc mũ truyền thống này bởi trông nó duyên dáng và chống nắng rất hiệu quả. Giá các chiếc mũ xinh này được bày bán ở các quầy hàng lưu niệm xung quanh các sân không hề rẻ: 26-90 euro/cái (600.000 đồng đến 2,7 triệu đồng)!

Mặc dù dưới sân các tay vợt đấu với nhau nảy lửa nhưng không gian Roland Garros lại khá lãng mạn khi được bao bọc bằng những hàng cây xanh ngát, tạo nên những mảng màu “rất mùa hè Paris”. Nhiều chim bồ câu bay lượn trong sân khiến ban tổ chức năm nay phải đặt cả diều hâu quanh khu vực sân đấu nhằm ngăn không cho các đàn bồ câu kéo đến quá nhiều.

TRUNG NGHĨA (Paris)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên