30/01/2020 14:49 GMT+7

Đầu xuân 'xông đất' 5 bộ trưởng

NGỌC AN - XUÂN LONG - CHÍ TUỆ - LÊ THANH
NGỌC AN - XUÂN LONG - CHÍ TUỆ - LÊ THANH

TTO - Nhân dịp đầu năm, 5 bộ trưởng cùng trò chuyện với Tuổi Trẻ về đánh giá năm nay và những việc họ sẽ chú trọng làm trong năm mới.

Xem xét làm nhà máy điện nổi

trantuananh 11 3(read-only)

Trò chuyện đầu năm với báo Tuổi Trẻ TP.HCM, ông TRẦN TUẤN ANH - bộ trưởng Bộ Công thương - cho biết biện pháp mạnh như trên.

Ông nói: Thực hiện lời hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước, ngay sau kỳ họp Quốc hội 8, Bộ Công thương đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể cho nhiều vấn đề. Để đảm bảo cấp điện cho miền Nam, có thể xem xét tới khả năng thuê các tàu, sà lan/nhà máy điện nổi để cung cấp điện.

Tăng nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc

* Việc tháo gỡ vướng mắc các dự án nhiệt điện lớn chậm tiến độ, đến thời điểm này, những vấn đề được nêu ra đã được thực hiện như thế nào, thưa bộ trưởng?

- Các dự án nhiệt điện lớn chậm tiến độ gồm nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1 nếu không được đưa vào vận hành sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo cấp điện. Để đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm, sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỉ kWh/năm. Nhưng do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ, hệ thống sẽ có nguy cơ không đáp ứng đủ điện trong cả giai đoạn 2021-2025, dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện, kể cả nguồn chạy dầu.

Những vướng mắc của các dự án rất phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, ràng buộc bởi nhiều quy định. Có nhiều yếu tố mà ngay cơ quan quản lý nhà nước không thể quyết định để giải quyết dứt điểm được. Do đó, để tháo gỡ cần nhiều thời gian và đòi hỏi quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và đặc biệt là của chủ đầu tư.

Thời gian tới, Bộ Công thương với trách nhiệm, thẩm quyền của mình sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan báo cáo để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho dự án lớn chậm tiến độ.

Tuy vậy, Bộ Công thương đã chủ động thúc đẩy tiến độ các công trình điện trong ngắn hạn, như nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, thủy điện Hồi Xuân, Thượng Kon Tum; đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện mặt trời, điện gió đã có trong quy hoạch vào vận hành đúng tiến độ; có chính sách đồng bộ thúc đẩy nguồn năng lượng tái tạo. Bộ Công thương cũng đã có kế hoạch tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc...

* Cụ thể phương án làm nhà máy điện nổi thế nào, thưa ông?

- Trong trường hợp các dự án nhiệt điện phía Nam vẫn tiếp tục chậm tiến độ, để đảm bảo cấp điện cho miền Nam, có thể xem xét tới khả năng thuê các tàu, sà lan/nhà máy điện nổi để cung cấp điện.

Với thời gian giao hàng ngắn, theo hợp đồng từ 3 đến 10 năm, và dải công suất dao động trong khoảng 30 MW đến 620 MW thì đây là giải pháp ngắn hạn và trung hạn tương đối hiệu quả cho các quốc gia có nhu cầu điện khẩn cấp.

Đầu xuân xông đất 5 bộ trưởng - Ảnh 3.

Bên cạnh thúc đẩy các dự án nhiệt điện, Bộ Công thương tính cả phương án làm nhà máy điện nổi cấp điện miền Nam. Trong ảnh: tại Trung tâm điện lực Duyên Hải, Trà Vinh - Ảnh: VIỆT HÀ

Hiệu quả tích cực từ các FTA

* Hội nhập ngày càng sâu rộng, nhiều cơ hội nhưng cũng quá nhiều thách thức. Ông có thể công bố những gì VN đã tận dụng được từ hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA)?

- Năm 2019 VN chuyển sang giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mới, chính thức ký kết và tham gia hai FTA thế hệ mới, gồm Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa VN và EU (Liên minh châu Âu).

Tham gia sân chơi thương mại và đầu tư với những đối tác hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Úc... chúng ta cần có chiến lược chủ động. Chúng ta có những cơ hội đáng kể, như với CPTPP, nhiều mặt hàng mà ta có thế mạnh đã liên tục có mức tăng trưởng dương như điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng thủy sản; hàng dệt, may. Các thị trường mới trong CPTPP như Canada và Mexico có mức tăng trưởng ở mức 2 con số ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.

Xét trên bình diện chung, nếu tổng xuất siêu của VN sang tất cả thị trường trong năm 2019 đạt xấp xỉ 10 tỉ USD thì riêng xuất siêu sang các nước CPTPP đã đạt gần 4 tỉ USD (40%). Với EVFTA, do hai bên chưa chính thức phê chuẩn và thực thi nên chưa có đánh giá cụ thể, nhưng tôi tin rằng các kết quả do hiệp định này mang lại cũng rất tích cực.

Cũng cần nhìn nhận thách thức, đó là sự chủ động trong thực thi và thay đổi tư duy quản lý còn hạn chế, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp có hạn. Một số tỉnh thành vẫn chưa thực sự chủ động quan tâm, mặc dù đã có kế hoạch hành động nhưng không đưa ra nhiệm vụ chi tiết...

Xây dựng cổng thông tin điện tử về các FTA

Để tận dụng cơ hội, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh việc đôn đốc, điều phối các kế hoạch hành động. Với CPTPP, Bộ Công thương đang làm việc với Đại sứ quán Úc và Ngân hàng Thế giới nhằm xây dựng cổng thông tin điện tử về các hiệp định thương mại tự do (FTA Portal) để hỗ trợ tận dụng tối đa cơ hội do các FTA mang lại.

Với EVFTA, chúng tôi đã xây dựng trang evfta.moit.gov.vn để cộng đồng doanh nghiệp và người dân kịp thời nắm bắt được tình hình triển khai hiệp định.

Chúng tôi cũng sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại, sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp khi cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

* Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường:

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

nguyenxuancuong 1(read-only)

Năm 2020 sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.

Trước hết, xác định năm 2020 lại tiếp tục là năm khó khăn đối với ngành nông nghiệp. Đó là tác động biến đổi khí hậu xuất hiện ngay đầu năm. Năm nay không phải ngẫu nhiên ngành nông nghiệp tổng kết sớm bởi còn tập trung chỉ đạo sản xuất ngay vụ đầu tiên, ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL.

Thứ hai, bệnh dịch tả heo châu Phi tuy xuống đáy nhưng chưa phải an toàn, chúng ta vẫn phải đối mặt, thế rồi sâu keo mùa thu năm ngoái đã xuất hiện ở 14 tỉnh. Tiếp nữa là thị trường nông sản rất khó khăn vì chiến tranh thương mại toàn cầu, trong đó có biểu hiện lớn nhất về thương mại về nông sản.

Mặc dù dự báo khó khăn nhưng năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá. Ngành nông nghiệp đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỉ USD, thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp...

Đầu xuân xông đất 5 bộ trưởng - Ảnh 7.

Thu hoạch dưa leo tại một nông trường phía Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chúng tôi sẽ thực hiện có hiệu quả chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao...

Bộ NN&PTNT cũng quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm. Tập trung thực hiện các giải pháp gỡ thẻ vàng của EC với ngành thủy sản. Tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch động, thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa...

Tôi cũng mong cả xã hội chăm lo quan tâm hơn nữa lĩnh vực nông nghiệp để trụ cột nông nghiệp lúc nào cũng phát triển và tạo ra yếu tố bền vững chung cho đất nước.

* Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà:

Nâng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường

tran hong ha 3 1(read-only)

Có thách thức từ thực tế là tài nguyên - môi trường (TN-MT) có nhiều loại đến lúc cạn kiệt, suy thoái và chất lượng môi trường nhiều nơi đến mức báo động. Có thách thức cấp bách về ô nhiễm không khí, rác thải sinh hoạt... cần tập trung giải quyết ngay.

Năm 2020 Bộ TN-MT sẽ tập trung sửa đổi hai dự luật quan trọng, đó là Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường. Với sửa Luật đất đai, yêu cầu mang tính mệnh lệnh là phải tháo gỡ được những chồng chéo hiện nay giữa Luật đất đai với luật khác cũng như giải quyết được những vấn đề còn bị cho là kìm hãm phát triển. Sẽ hướng tới những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư để sàng lọc lựa chọn các dự án có suất đầu tư lớn, công nghệ cao vào các vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, sẽ hoàn thiện các công cụ kinh tế, tài chính, giá đất để ngăn ngừa thất thoát, đầu cơ; giải quyết hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp để giảm khiếu kiện đất đai.

Đầu xuân xông đất 5 bộ trưởng - Ảnh 10.

Thách thức về ô nhiễm không khí được Bộ trưởng Bộ TN-MT coi là cấp bách cần giải quyết ngay. Trong ảnh: Người dân trên Đại lộ Thăng Long, Hà Nội đầy bụi - Ảnh: NAM TRẦN

Tôi cho rằng quản lý và kinh tế đất đai không chỉ dựa vào diện tích mà phải tính đến giá trị đất đai, từ đó góp phần vào việc sàng lọc các dự án đầu tư, góp phần nâng cao giá trị đầu tư trên đất.

Với việc sửa đổi Luật bảo vệ môi trường, đây là nhiệm vụ rất lớn trong năm 2020. Việc sửa luật sẽ khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường, từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tạo ra "bộ lọc", tiến tới nâng cao tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường, góp phần ngăn chặn được các dòng công nghệ, dự án đầu tư lạc hậu vào chúng ta.

Chúng tôi cũng xác định năm 2020 sẽ thúc đẩy những giải pháp mang tính cấp bách với vấn đề ô nhiễm không khí, vấn đề chất thải rắn, chất thải sinh hoạt ở đô thị và nông thôn. Trước thực tế đó, cần phải có ngay các giải pháp mang tính can thiệp trước mắt, đồng thời thúc đẩy lộ trình nhanh hơn, cấp bách hơn với các giải pháp lâu dài.

* Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng:

Cắt ít nhất 20% quy định về kinh doanh

bo truong mai tien dung 1(read-only)

Với mục tiêu tạo dựng một đầu mối hỗ trợ, cung cấp thông tin và dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp mọi lúc mọi nơi một cách liên tục, hiệu quả, Cổng dịch vụ công quốc gia đã ra đời.

Tại thời điểm khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia mới chỉ tích hợp, cung cấp 8 dịch vụ công. Theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2020 sẽ tích hợp, cung cấp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến, cung cấp thêm 20% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương.

Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp với Bộ Công an, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để bàn về giải pháp triển khai cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến của ngành công an liên quan thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ; thu lệ phí trước bạ và áp dụng chứng từ điện tử trong nộp lệ phí trước bạ đăng ký ôtô, xe máy; cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân...

Đầu xuân xông đất 5 bộ trưởng - Ảnh 13.

Tại nghị quyết số 69/NQ-CP năm 2019, Chính phủ đã thông qua nguyên tắc: "Khi ban hành một văn bản mới (văn bản quy phạm pháp luật hoặc hành chính) phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ và phải giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp", giao Văn phòng Chính phủ hướng dẫn cụ thể.

Chúng tôi đang tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Tổ công tác sẽ thống kê đầy đủ và tính chi phí tuân thủ của toàn bộ các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Tổ công tác cũng đặt mục tiêu giai đoạn từ năm 2020 đến 2025, cắt giảm ít nhất 20% số quy định hiện hành liên quan đến hoạt động kinh doanh gắn với cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ. Đồng thời, sẽ kiểm soát chặt việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, làm tăng chi phí và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

* Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Tiếp tục cắt giảm thủ tục

bộ trưởng bộ tài chính đinh tiến dũng - l

Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm tiếp theo, ngành tài chính phải thực hiện tốt nhiệm vụ thu chi ngân sách theo dự toán Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Một loạt chỉ tiêu năm 2020 được Quốc hội giao gồm tỉ lệ tăng thu ngân sách 3-5% so với dự toán Quốc hội giao; tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước 22,2% GDP; nợ công 54,3% GDP...

Để hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu đề xuất để cơ cấu lại các khoản thu ngân sách nhà nước, đặc biệt chống thất thu, chuyển giá, chống gian lận buôn lậu hàng giả, gian lận xuất xứ hàng hóa...

Đầu xuân xông đất 5 bộ trưởng - Ảnh 16.

Người dân và doanh nghiệp làm các thủ tục tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cụ thể, để tăng thu ngân sách 3-5% so với dự toán, hai ngành thuế và hải quan phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Năm nay, hải quan sẽ kết hợp với các bộ ngành để cải cách toàn diện quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, nâng xếp hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới lên 5-10 bậc.

Trong năm 2020, Tổng cục Thuế phải xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật quản lý thuế sửa đổi và nghị quyết về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc và khai tử hóa đơn giấy. Đây là chính sách vô cùng quan trọng, ngành thuế phải hướng dẫn, hỗ trợ triển khai hóa đơn điện tử.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá cũng phải được tập trung, nhất là có biện pháp chống thất thu đối với các hộ kinh doanh lớn, dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng, hoạt động chuyển nhượng vốn và các loại hình kinh doanh mới như hoạt động giao dịch thương mại điện tử, các hoạt động kinh doanh phi chính thức...

Thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam Thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam

TTO - Mạng di động 5G dự kiến được triển khai thương mại trong năm 2020, kỳ vọng sẽ giúp những xu hướng thành phố thông minh (smart city), ngôi nhà thông minh (smart home) bùng nổ, góp phần đưa kinh tế số Việt Nam vươn lên.

NGỌC AN - XUÂN LONG - CHÍ TUỆ - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên