22/04/2024 08:19 GMT+7

Đấu thầu vàng miếng SJC: Hồi hộp trước giờ G

Dự kiến sáng nay 22-4, Ngân hàng Nhà nước tung 16.800 lượng vàng miếng SJC (tương đương 631kg vàng) ra đấu giá, giá tham chiếu đặt cọc là 81,8 triệu đồng/lượng với mục tiêu giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tung 16.800 lượng vàng miếng SJC ra đấu giá với mục tiêu giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Trong ảnh: giao dịch vàng miếng tại TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Ngân hàng Nhà nước sẽ tung 16.800 lượng vàng miếng SJC ra đấu giá với mục tiêu giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Trong ảnh: giao dịch vàng miếng tại TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Đây là phiên đấu giá vàng miếng lần đầu tiên sau 11 năm tạm ngưng. Vậy kỳ vọng gì ở phiên đấu giá này?

Cân não mua - không mua

Trong thông báo đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng.

Khối lượng đấu thầu tối thiểu mà một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Khối lượng tối đa là 20 lô (tương đương 2.000 lượng).

Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng. Ngân hàng nhà nước lưu ý trường hợp không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu thì Ngân hàng Nhà nước quyết định hủy kết quả thầu.

Trước thắc mắc của nhiều người về mức giá 81,8 triệu đồng/lượng là thấp hay cao, ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), cho hay mức giá này chỉ là giá tham chiếu để đặt cọc. 

Sáng nay (22-4), tùy theo diễn biến thị trường Ngân hàng Nhà nước mới ấn định giá sàn để các công ty vàng và ngân hàng tham gia đấu giá.

Khả năng giá sàn mà Ngân hàng Nhà nước ấn định sẽ cao hơn mức này và như vậy có thể nhiều công ty vàng sẽ chỉ quan sát chứ không dám mạnh tay vì mức giá sàn gần bằng mức giá mua vào từ thị trường, trong khi ở đây là mua sỉ (tối thiểu là 1.400 lượng như đã nói ở trên).

"Các công ty vàng sẽ phải tính toán rằng mua giá đó thì bán cho ai. Thông thường phải có đầu ra mới dám mua, mà chủ yếu 70% sẽ là bán sỉ, 30% còn lại mới bán lẻ.

Trong khi những ngày gần đây giá vàng thế giới biến động trong biên độ rất rộng nên các công ty vàng tham gia đấu thầu sẽ phải rất cân não", ông Trọng nói.

Chuyên gia Trần Duy Phương cũng dự đoán với tình hình hiện nay thì giá sàn của phiên đấu thầu vàng mà NHNN đưa ra sẽ cao hơn mức giá đặt cọc là 81,8 triệu đồng/lượng, có thể là 82,5 triệu đồng/lượng.

"Về nguyên tắc, doanh nghiệp sẽ mua vàng đấu thầu để bù đắp trạng thái âm, tuyệt đối không mua để đầu cơ. Hiện giá chào bán ở thị trường tự do cũng loanh quanh mức 82,5 triệu đồng/lượng.

Như vậy, khả năng giá đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước không rẻ hơn thị trường mà lại phải mua với số lượng lớn nên doanh nghiệp sẽ rất cân nhắc. Dự báo trong lần đấu giá đầu tiên sẽ không hấp thụ hết số vàng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra", ông Phương phân tích.

Dữ liệu: Ánh Hồng - Đồ họa: N.KH. - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dữ liệu: Ánh Hồng - Đồ họa: N.KH. - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vàng đã có sẵn trong kho

Giải thích về mức giá 81,8 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đây là mức giá để các đơn vị tham gia đấu thầu đặt cọc.

Còn giá sàn để tham gia dự thầu sẽ được Ngân hàng Nhà nước công bố trước giờ mở thầu. Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định lượng vàng dự kiến cho đấu thầu đã có sẵn ở trong kho, công tác cho phiên đấu thầu đã chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng tăng cung cho thị trường.

"Ngay sau khi đấu thầu thành công và đơn vị tham gia hoàn tất thủ tục thanh toán, chúng tôi sẽ giao vàng luôn để đảm bảo tăng cung cho thị trường", đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Theo ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay giá vàng quốc tế biến động theo xu hướng tăng và lên rất cao, có ngày lên 2.400 USD/ounce.

Nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại tình hình xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng tại Trung Đông...

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm 2024 khiến chỉ số đồng đô la Mỹ giảm điểm, nhu cầu về vàng tăng, rồi ngân hàng trung ương một số nước tăng mua vàng.

Giá vàng thế giới tăng đã tác động đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Thực tế, giá vàng trong nước biến động tăng theo giá vàng quốc tế nên Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu bán vàng miếng SJC ra thị trường.

Về chính sách quản lý thị trường vàng, ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến các bộ ngành tổng kết, đánh giá toàn bộ nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Nghị định này đã áp dụng được 12 năm rồi và có những quy định đến nay không còn phù hợp.

Vì thế, NHNN đã trình Chính phủ, Thủ tướng dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 24. Trong đó, NHNN đưa ra quan điểm quản lý thị trường vàng phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế.

Từng "ế" 24.000 lượng trong phiên đấu thầu đầu tiên năm 2013

Trên thực tế đây không phải lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng để tăng cung cho thị trường. Năm 2013, 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng đã được tổ chức với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900/1.932.000 lượng chào thầu.

Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28-3-2013 có 21 ngân hàng và doanh nghiệp đăng ký nhưng chỉ 17 đơn vị chính thức tham gia phiên đấu thầu. Tuy nhiên có đến 15 đơn vị bỏ phiếu trắng.

Kết quả chỉ có hai đơn vị trúng thầu với khối lượng 2.000 lượng, giá trúng thầu bằng mức giá sàn. Ở phiên đấu thầu đầu tiên này, Ngân hàng Nhà nước "ế" 24.000 lượng vàng.

Nhiều công ty vàng thời điểm đó giải thích việc không tham gia đấu thầu là vì mức giá sàn quá cao, chưa hợp lý, trái hẳn với dự đoán của họ là "Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra giá mềm hơn để kéo giá vàng trên thị trường đi xuống".

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước giải thích là mức giá sàn được tính toán từ thực tế của thị trường và có cái nhìn dài hạn.

Nếu Ngân hàng Nhà nước tung vàng ra giá thấp thị trường sẽ hấp thụ hết nhưng sau đó họ lại găm hàng để đầu cơ làm giá hoặc dùng vào mục đích khác. Như vậy, mục tiêu can thiệp của Ngân hàng Nhà nước không đạt được.

Theo ý kiến từ các chuyên gia, trong việc sử dụng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, nguyên tắc an toàn phải được đặt lên đầu tiên. Do vậy khi sử dụng vàng dự trữ để can thiệp thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng một cách hợp lý.

Can thiệp thị trường phải có quá trình, một phiên đấu thầu không thể đánh giá hết được. NHNN sẽ làm nhiều bước để đi đến mục tiêu đưa giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới.

Vàng miếng SJC được bán ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vàng miếng SJC được bán ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giá vàng miếng SJC khó về dưới 80 triệu đồng/lượng

Theo chuyên gia Trần Duy Phương, khi nguồn cung vàng miếng SJC được đưa ra thị trường thì khả năng giá vàng sẽ hạ nhiệt nhưng câu hỏi được đặt ra là sẽ giảm đến mức độ nào?

Hiện nay, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá bán vàng miếng SJC đang cao hơn 10,53 triệu đồng/lượng. Nếu mức chênh lệch này sẽ co lại thêm từ 2-3 triệu đồng/lượng nữa, về mức 7 triệu đồng/lượng, là xem như Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường thành công.

Trừ trường hợp giá vàng thế giới giảm mạnh nữa thì mức chênh có thể giảm về 5 triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu giá vàng thế giới tăng thì giá vàng trong nước sẽ khó giảm thêm.

Ông Phương cũng nhận định giá bán 76 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn 9999 hiện nay là không cao vì nếu quy đổi theo tỉ giá USD tự do thì giá vàng thế giới đã vào khoảng 74 triệu đồng/lượng, cộng thêm chi phí vận chuyển, thuế, sản xuất nữa.

"Thông thường vàng miếng SJC sẽ duy trì chênh lệch khoảng 4-5 triệu đồng/lượng so với vàng nhẫn 9999. Nếu mức chênh rút còn 2 triệu đồng/lượng thì chắc chắn người dân sẽ đổ qua mua vàng miếng SJC chứ không ai mua vàng nhẫn vì tính thanh khoản của vàng miếng SJC cao hơn.

Chính vì thế, nếu giá vàng thế giới không giảm mạnh thì vàng miếng SJC khó có giá dưới 80 triệu đồng/lượng", ông Phương dự báo.

Vàng miếng SJC tăng 700.000 đồng/lượng trước ngày đấu thầu

Sau thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, giá vàng miếng SJC trong hai ngày cuối tuần đã tăng lên ngưỡng 84 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, giá vàng thế giới kết thúc tuần giao dịch ở mức 2.392,2 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá tương đương 73,47 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới chỉ tăng khoảng 11 USD/ounce so với hôm thứ sáu 19-4, tương đương 338.000 đồng/lượng nhưng giá vàng miếng SJC lại tăng gấp đôi khoảng tăng của thế giới.

Cụ thể, Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 84 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng, mua vào ở mức 82 triệu đồng/lượng. Các tiệm vàng niêm yết giá bán vàng miếng SJC thấp hơn 1 triệu đồng/lượng, còn 83 triệu đồng/lượng, mua vào ở mức 81,5 triệu đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá bán vàng miếng SJC đang cao hơn 10,53 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn 9999 có nơi giữ nguyên, nơi giảm. Giá bán vàng nhẫn 9999 tại Công ty DOJI giữ nguyên ở mức 77,35 triệu đồng/lượng, mua vào 75,55 triệu đồng/lượng.

Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu giá mua bán vàng nhẫn 9999 giảm 150.000 đồng/lượng, ở mức 76,7 triệu đồng/lượng, mua vào 74,5 triệu đồng/lượng.

Giá bán vàng nhẫn 9999 chiều nay ở mức 76,7 triệu đồng/lượng, mua vào 74,8 triệu đồng/lượng tại Công ty SJC.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng nhẫn đang cao hơn 3,23 - 3,88 triệu đồng/lượng.

Thứ hai tới sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJCThứ hai tới sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC

Sáng thứ hai tới sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC từ nguồn đã có sẵn trong kho của Ngân hàng Nhà nước. Giá tham chiếu đặt cọc là 81,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC hôm nay diễn biến ngược với giá vàng thế giới khi quay đầu giảm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên