12/08/2020 08:29 GMT+7

Đà Nẵng bắt đầu giải pháp '3 ngày đi chợ 1 lần' từ hôm nay 12-8

TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC
TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC

TTO - Cùng với việc gia hạn thực hiện lệnh cách ly xã hội, từ hôm nay (12-8) TP Đà Nẵng chính thức phân chia tần suất đi chợ của người dân.

Đà Nẵng bắt đầu giải pháp 3 ngày đi chợ 1 lần từ hôm nay 12-8 - Ảnh 1.

Trong những ngày qua, chợ Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) đã tiến hành kiểm soát đo thân nhiệt người ra vào chợ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Dân Đà Nẵng thực hiện chỉ thị 16 mới chỉ tàm tạm thôi. Hôm cuối tuần rồi tôi đi xem thì thấy có lúc vắng, có lúc đông, đặc biệt ở chợ. Bài toán giãn cách ở chợ là tương đối phức tạp nên tôi đã yêu cầu Sở Công thương nghĩ ra phương pháp đi chợ chẵn lẻ, phát phiếu để hạn chế đến chợ.

Ông HUỲNH ĐỨC THƠ (chủ tịch UBND TP Đà Nẵng)

Đây được xem là một trong số các giải pháp mạnh để kiểm soát tình hình dịch bệnh đang vào giai đoạn quyết định.

Hi vọng giảm 50% người đi chợ

Đi chợ sớm ở Cẩm Lệ, nữ công nhân Nguyễn Thị Minh (đang làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Cầm) chọn mua một số mặt hàng củ quả. Ngoài hai con cá tươi và một ít thịt heo, chị Minh chọn thêm ít đồ khô dự phòng.

Từ tối 10-8, chị Minh nghe thông tin Đà Nẵng sắp hạn chế việc đi chợ của người dân nên chị tranh thủ mua thêm ít đồ ăn, đặc biệt là các loại thực phẩm để được lâu trong điều kiện thời tiết nắng nóng ở Đà Nẵng.

"Phòng trọ của tôi không có tủ lạnh nên hầu như ngày nào cũng đi chợ. Bọn tôi chung nhau nấu ăn bữa tối và bữa sáng vì làm ca khá nặng, ăn đồ tươi sống để có sức làm việc nhưng nghe TP hạn chế đi chợ nên tôi mua cá về kho mặn để ăn được nhiều ngày" - chị Minh nói.

Cách nhà trọ của chị Minh mấy dãy, chị Đinh Thị Khánh Ly - nhân viên một ngân hàng trên đường Điện Biên Phủ - vừa "tậu" một chiếc tủ lạnh mới trong tối 10-8. Dù ở một mình nhưng chị Ly chỉn chu trong việc phân chia cơ cấu bữa ăn.

Ngoài thực phẩm đông lạnh, chị Ly cũng mua thêm đồ chế biến sẵn như gà muối và chả lụa để làm món chính cho các bữa ăn. Nghe tin chị Ly mua tủ lạnh, cả xóm trọ người gửi một ít thịt, người ít cá để chuẩn bị cho những ngày sắp tới.

"Cũng không có chi to tát trong chuyện không được đi chợ thường xuyên. Khi không có dịch, tôi cũng chỉ đi chợ hai ngày một lần. Đợt này chỗ tôi cho làm việc ở nhà nên tôi chọn mua tủ lạnh để vừa ăn ở nhà vừa có nước mát uống" - chị Ly nói.

Những ngày vừa qua, tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng liên tục ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 mới, do đó những người trong dãy trọ của chị Ly cũng hạn chế ra chợ. Đồng thời chọn mua thêm đồ khô, thịt nguội tại các siêu thị mini để làm món chính trong trường hợp chợ khan hàng.

Ông Nguyễn Văn Hà, phó Ban quản lý các chợ quận Liên Chiểu, cho biết những ngày qua lượng người vào chợ Hòa Khánh và các chợ tại quận giảm khoảng 20-30%. Tuy nhiên, người mua vẫn còn nhiều, khó đáp ứng yêu cầu giãn cách tối thiểu 2m.

Ban quản lý các chợ quận Liên Chiểu cũng đã triển khai các biện pháp giám sát người vào các chợ như căng dây, lập hàng rào quanh chợ, bố trí chốt đo thân nhiệt tại các cổng vào, yêu cầu người đi chợ rửa tay bằng nước sát khuẩn.

"Khi triển khai phân chia tần suất người đi chợ, ban sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng xuống các chợ kiểm tra, giám sát và phối hợp tuyên truyền cho người dân nắm, thực hiện chủ trương của TP" - ông Hà cho hay.

Ông Hà kỳ vọng việc triển khai phân chia tần suất đi chợ có thể giúp kéo giảm lượng người vào chợ xuống 50% để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Đà Nẵng bắt đầu giải pháp 3 ngày đi chợ 1 lần từ hôm nay 12-8 - Ảnh 3.

Tổ dân phố ở phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu, Đà Nẵng) phát thẻ vào chợ cho người dân chiều 11-8 - Ảnh: Đ.C.

"Chịu khó vì việc chung"

Chiều 11-8, Sở Công thương Đà Nẵng chính thức có công văn đề nghị áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân bắt đầu từ ngày 12-8. Theo đó, quy định mỗi hộ gia đình cứ 3 ngày được cử một người đi chợ.

Mỗi hộ sẽ được phát 5 thẻ vào chợ trong khoảng thời gian 15 ngày, mỗi thẻ vào chợ có giá trị sử dụng một lần tại bất kỳ chợ nào trên địa bàn TP. Các thẻ màu hồng cho ngày chẵn và màu xanh da trời cho ngày lẻ sẽ được gửi cho các hộ gia đình thông qua tổ dân phố.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hà Bắc - giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng - cho biết trong giai đoạn quyết định thành bại của cuộc chiến chống COVID-19, TP đã tiếp tục gia hạn cách ly xã hội.

Người dân nên có ý thức tự giác chấp hành, hạn chế ra đường khi không cần thiết. Việc thực hiện quy định giới hạn số lần đi chợ cũng là một trong các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả phòng chống dịch.

"Khi các biện pháp giãn cách hiện nay chưa thật sự hiệu quả thì TP mới áp dụng tới biện pháp này. Theo tôi, hiện các chợ vẫn tập trung đông người, không đảm bảo quy định giãn cách. Một nhà có chồng chở vợ đi chợ, chị dẫn em đi chợ, nhất là những ngày gần đây người ta nghỉ việc, ở nhà không biết làm gì lại xách xe đi chợ.

Có khi không cần thiết cũng đi, một người trong ngày đi nhiều lần. Đối với người có ý thức thì không nói làm gì nhưng nhiều người hiện chưa có ý thức, không biết giữ gìn cho bản thân và cộng đồng" - ông Bắc chia sẻ.

Trên thực tế, tại Đà Nẵng đã ghi nhận lịch trình phức tạp của nhiều ca nhiễm. Trong đó hầu như ca nào cũng "dính" đến các chợ bởi ai cũng có các nhu cầu thiết yếu. Trong khi đó, giai đoạn chống dịch hiện rất quyết liệt, cứ mỗi ca nhiễm đi lang thang bên ngoài sẽ lây nhiễm thêm cho nhiều người, gây thêm gánh nặng cho hệ thống y tế.

"Do đó, trong bối cảnh này người dân nên cố gắng, chịu khó đồng lòng hưởng ứng các biện pháp chống dịch của TP. Vì việc chung, tôi nghĩ một gia đình 3 ngày đi chợ 1 lần cũng bình thường. Nếu chúng ta không kiểm soát, mỗi gia đình hết người này đến người khác ra chợ, trong một nhà 2-3 người đi chợ cùng lúc thì đó mới là vấn đề" - ông Bắc nói.

Theo ông Bắc, "phiếu đi chợ" này sẽ được thu lại bởi ban quản lý chợ các quận huyện. Trong trường hợp có ca nhiễm liên quan thì số phiếu thu được và lưu giữ theo ngày sẽ phục vụ điều tra dịch tễ khi cần thiết.

Đối với nhóm đối tượng công nhân các khu công nghiệp, sinh viên, người không có điều kiện mua sắm tủ lạnh tích trữ thực phẩm dài ngày, lãnh đạo Sở Công thương khuyến cáo nên thay đổi thực đơn cho phù hợp, khoa học.

Thay vì chỉ mua các loại rau quả tươi ăn trong ngày, người dân có thể chọn mua thêm các loại rau củ có thời gian bảo quản lâu hơn như cà chua, bí đao, su hào. Tương tự, có thể mua thêm các loại đồ khô, đồ hộp bên cạnh thịt cá tươi...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đàm Văn Tẩu - giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng (đơn vị quản lý các chợ lớn nhất TP như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa và chợ đầu mối Hòa Cường) - cho biết nguồn hàng về các chợ hiện rất phong phú, không hề khan hiếm.

Riêng lượng rau củ quả về chợ đầu mối Hòa Cường mỗi đêm 200-300 tấn, thịt gia súc, gia cầm các loại cũng không khan hàng vì lâu nay các trung tâm giết mổ gia súc ở Đà Nẵng vận hành rất ổn định.

"Công ty đã chủ động thông báo cho các hộ kinh doanh, nếu nhu cầu người dân tăng đột biến khi áp dụng tần suất đi chợ thì hộ kinh doanh có chuẩn bị và chủ động điều phối hàng hóa. Về thời gian đóng cửa các chợ, công ty cho phép linh hoạt kéo dài thêm nếu nhu cầu mua sắm của người dân còn lớn" - ông Tẩu nói.

Đã phát phiếu từ hôm qua 11-8

Sau khi có công văn của Sở Công thương, ngày 11-8 UBND các quận huyện tại Đà Nẵng đã nhanh chóng ra văn bản triển khai cho các phường, xã. Ông Lê Minh Hòa, trưởng Phòng kinh tế quận Ngũ Hành Sơn, cho biết UBND quận đã có công văn giao các phường in phiếu đi chợ để phát cho người dân theo mẫu.

Cùng ngày, UBND các phường đã thực hiện in phiếu để kịp bàn giao cho các tổ dân phố trực tiếp phân phát tới tay người dân.

Giãn cách đi chợ không quên giãn cách người mua

Theo ông Nguyễn Hà Bắc, ngoài việc thực hiện "đi chợ theo phiếu", các quận huyện cần chỉ đạo địa phương tích cực tuyên truyền cho người dân tổ chức cơ cấu bữa ăn hợp lý, nắm rõ và nghiêm túc thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ để hợp tác.

Riêng tại các chợ, cần tăng cường lực lượng bố trí chốt kiểm soát, trang bị nước rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt tại các lối đi vào chợ.

"Yêu cầu tiểu thương hướng dẫn người mua giữ khoảng cách tối thiểu 2m, đeo khẩu trang suốt thời gian họp chợ. Không cho vào chợ các tiểu thương, người dân không đeo khẩu trang, không rửa tay bằng nước sát khuẩn" - ông Bắc nhấn mạnh.

Dân Vũ Hán lấy thức ăn từ đâu?

vu hang do an 1(read-only)

Một nhân viên cộng đồng chuẩn bị giao thức ăn và nhu yếu phẩm cho người dân ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 18-2-2020 - Ảnh: AFP

Vũ Hán, thành phố đầu tiên trên thế giới bị phong tỏa vì dịch COVID-19, đã trải qua các biện pháp chống dịch khắt khe trong khoảng 2 tháng rưỡi tính từ ngày 23-1-2020.

Trong giai đoạn đầu, chính quyền chỉ cho phép một thành viên của mỗi hộ gia đình đi ra ngoài mua thức ăn, buộc dân địa phương phải trữ thức ăn hoặc dựa vào các tình nguyện viên cộng đồng phân phát thức ăn. Đến giai đoạn sau đó, người dân không được phép rời khỏi khu phố của họ.

Theo Hãng tin AFP, bị cấm rời khỏi khu phố của mình, một số người dân ở Vũ Hán chỉ có thể mua được thức ăn bằng cách đặt hàng theo nhóm cùng các láng giềng thông qua những ứng dụng nhắn tin phổ biến của Trung Quốc như WeChat, để thức ăn được giao tới tận nơi ở.

Các siêu thị và cửa hàng cũng lập ra các dịch vụ mua theo nhóm để mua thịt, rau củ, sữa... Một số quận thậm chí quản lý các dịch vụ giao hàng theo nhóm, cấm các siêu thị bán hàng cho từng cá nhân riêng lẻ. (BẢO ANH)

Thêm 3 ca COVID-19, chưa ghi nhận thêm bệnh nhân ở Đà Nẵng Thêm 3 ca COVID-19, chưa ghi nhận thêm bệnh nhân ở Đà Nẵng

TTO - Sáng nay 12-8, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 3 ca COVID-19, cả 3 đều mới từ nước ngoài về và được cách ly khi nhập cảnh Việt Nam, chưa ghi nhận thêm bệnh nhân ở Đà Nẵng.

TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên