04/08/2019 13:33 GMT+7

Cựu thủ môn Nguyễn Hồng Phẩm: Người gieo mầm cho tương lai

SĨ HUYÊN
SĨ HUYÊN

TTO - Dù hội đủ các yếu tố để trở thành HLV các đội chuyên nghiệp, nhưng cựu thủ môn Nguyễn Hồng Phẩm lại chọn nghiệp đào tạo trẻ với quan điểm: "Ai cũng làm chuyên nghiệp thì lấy ai làm công tác đào tạo trẻ"!.

Cựu thủ môn Nguyễn Hồng Phẩm: Người gieo mầm cho tương lai - Ảnh 1.

HLV Nguyễn Hồng Phẩm hướng dẫn học trò kỹ thuật bay người bắt bóng - Ảnh: ANH HÙNG

“Thầy ơi, con ở tận Củ Chi. Nhà nghèo mà con lại ham đá bóng, muốn làm thủ môn. Con không có tiền đóng học phí. Thầy có cách gì giúp con không thầy...?”. Đây là cuộc điện thoại gọi đến cựu tuyển thủ - thủ môn Nguyễn Hồng Phẩm trước ngày ông khai trương trung tâm đào tạo thủ môn...

Nhận được cú điện thoại này vài hôm trước ngày khai trương trung tâm đào tạo thủ môn vào sáng 3-8 (219 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM), ông Phẩm đáp ngay: "Ngày khai trương trung tâm, con đến để thầy kiểm tra. Nếu đạt, thầy sẽ miễn học phí cho con...".

Bài học từ người đi trước

Những năm gần đây, dù nở rộ các trung tâm bóng đá cộng đồng do các cựu tuyển thủ đứng ra thành lập, trực tiếp huấn luyện nhưng lớp học đào tạo chuyên biệt về thủ môn thì chưa từng xuất hiện trên bình diện cả nước.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Phẩm tâm sự: "Chơi bóng đá, ai cũng hiểu rằng thủ môn là vị trí quan trọng, chiếm đến 50% sức mạnh của đội bóng. Chỉ một sơ suất của người giữ thành, đội bóng sẽ ôm hận, người ấy sẽ bị chỉ trích nặng nề dù rằng trước đó anh ấy cứu cho đội nhà nhiều bàn thua trông thấy. Trong một trận đấu, áp lực luôn đè nặng lên thủ môn. Sự căng thẳng thường trực ấy thường dẫn đến sai sót khó tránh khỏi. Nhưng trong quá trình đào tạo, các thủ môn ít khi được các HLV thủ môn trang bị một cách đầy đủ nhất, nếu không muốn nói là hết sức sơ sài...".

Ông Phẩm hồi tưởng: "Chẳng hạn như lúc tôi còn ở trường năng khiếu, làm gì có HLV thủ môn. HLV trưởng của đội chính là người chỉ dẫn nhưng cũng chỉ dừng lại ở các động tác quăng bắt bóng đơn giản. Thuở ấy, muốn được bắt chính, tôi và các đồng nghiệp phải lân la với các đồng nghiệp đàn anh để học hỏi về kinh nghiệm rồi nhìn lại xem mình yếu và thiếu ra sao để tập bổ trợ.

Với chiều cao 1,69m, rõ ràng tôi quá bất lợi khi đứng giữa hai trụ thành. Nhưng, tôi ít khi thua kém các tiền đạo to cao khi tranh chấp bóng bổng. Được vậy là nhờ sự chỉ bảo của các thủ môn đàn anh Dương Ngọc Hùng (Bình Định), Bùi Hữu Nam (Quân khu thủ đô) - sau buổi tập cùng đồng đội, hằng ngày phải tập bật nhảy thêm bên hố cát, ném bóng vào tường dội ra từ thấp lên cao để luyện phản xạ. Sự khổ luyện ấy giúp tôi thành tài.

Hai thập niên trở lại đây, AFC rồi FIFA đã cử chuyên gia đến Việt Nam mở các lớp dành cho HLV thủ môn, trên các trang mạng có thêm nhiều bài huấn luyện sinh động, bổ ích. Đó là cơ sở để "vốn liếng" nghề nghiệp của tôi dày theo năm tháng và đi đến quyết định mở trung tâm đào tạo thủ môn".

Gieo mầm cho tương lai

Ông Nguyễn Hồng Phẩm bộc bạch: "Tôi thật vui khi mình là cựu tuyển thủ đầu tiên thành lập trung tâm đào tạo thủ môn. Tôi không có tham vọng sẽ cho ra lò những tài năng xuất chúng giữa hai trụ thành mà chỉ mong muốn mở ra sân chơi cộng đồng lành mạnh, tạo cơ hội và giúp trẻ em thỏa đam mê chơi bóng. Một khi bị thể thao cuốn hút, các em sẽ tránh xa những thói hư tật xấu, giảm đi việc thừa cân, béo phì, hạn chế thời gian dán mắt vào máy tính để chơi game.

Chơi thể thao, nếu không biết cách rất dễ dẫn tới thương tật. Mục tiêu ban đầu của trung tâm là muốn trang bị cho các em kiến thức cơ bản nhất để phòng tránh việc này. Chẳng hạn ngã người xuống sân như thế nào để vừa bắt dính bóng, vừa tránh được va chạm và không bị chấn thương.

Trẻ em, nhất là những cháu chọn vị trí thủ môn, rất dễ bị tổn thương tinh thần khi bị đồng đội chỉ trích, phê bình, thậm chí buông lời chọc ghẹo khi để thủng lưới. Rơi vào tình cảnh ấy, người HLV cần có mặt đúng lúc để tỉ tê tâm sự, động viên để giúp các em lấy lại niềm tin, hun đúc tinh thần thi đấu ngoan cường hơn nữa. Đó là câu chuyện giáo dục tâm lý, cần phải được lặp đi lăp lại thường xuyên để giúp trẻ em trưởng thành, cứng cáp, tự tin hơn trong vai trò người giữ thành...".

Vô vàn khó khăn

Cựu thủ môn Nguyễn Hồng Phẩm chia sẻ: "Để đào tạo được một thủ môn là vô vàn khó khăn. Trẻ em vốn hiếu động nên khi đến với bóng đá thuở ban đầu thì ai cũng muốn đá bóng chứ ít chịu đứng giữa hai trụ thành. Thêm vào đó, phụ huynh nào cũng muốn con em mình được xưng tụng khi sút tung lưới đối phương, còn thủ môn là vị trí hết sức thầm lặng, hiếm khi được ca ngợi. Vì vậy, tìm được học trò ở vị trí thủ môn là điều không đơn giản. Ngoài chuyên môn, nó còn đòi hỏi ở người thầy khả năng thuyết phục học viên và cả các phụ huynh.

Ngoài ra, các thủ môn luôn đối mặt với chấn thương vì thường xuyên va chạm với đối thủ hay đồng đội. Ít ai biết rằng thủ môn là cầu thủ linh hoạt, uyển chuyển, có ý chí mạnh mẽ, xử lý tình huống dứt khoát. Đa phần thủ môn có phẩm chất đặc biệt là rất thông minh, luôn phán đoán được ý đồ của đối phương để đưa ra phản xạ truy cản trong tích tắc. Đó chính là chốt chặn sau cùng và là người khởi xướng đợt phản công đầu tiên. Nói thủ môn nắm giữ 50% sức mạnh của đội bóng là như vậy".

"Sạch" thẻ

Sinh năm 1964, cựu tuyển thủ Nguyễn Hồng Phẩm xuất thân từ lớp năng khiếu khóa 2 Trường Nghiệp vụ thành phố.

Ra trường, ông đầu quân cho Hải Quan dự Giải vô địch quốc gia 1986 đến 1988. Từ cuối 1988 đến 1995 khoác áo CLB lừng danh Cảng Sài Gòn. Ông có 3 danh hiệu vô địch quốc gia cùng đội Cảng Sài Gòn trong vai trò trợ lý HLV thủ môn.

Khi bóng đá Việt Nam trở lại với SEA Games vào năm 1991 tại Philippines, Nguyễn Hồng Phẩm được chọn bắt chính của đội tuyển Việt Nam. Năm 2014, ông được chỉ định làm HLV thủ môn của đội tuyển U19 Việt Nam tham dự vòng chung kết Giải U19 châu Á tại Myanmar, đó là lúc mà Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn... chính thức trình làng với người hâm mộ cả nước.

Tròn chục năm chơi bóng đỉnh cao, chơi ở vị trí thủ môn luôn có nhiều tranh chấp, va chạm với cầu thủ đối phương nhưng cựu thủ môn Nguyễn Hồng Phẩm lập được "kỷ lục" khó phá: chưa nhận bất kỳ thẻ phạt nào.

Ông là cử nhân Đại học TDTT chuyên ngành bóng đá. Có bằng A HLV do AFC cấp, hiện là giảng viên bóng đá AFC. Từng tham gia nhiều khóa học huấn luyện thủ môn do AFC và FIFA giảng dạy tại Malaysia.

Dù hội đủ các yếu tố để trở thành HLV các đội chuyên nghiệp, nhưng ông lại chọn nghiệp đào tạo trẻ với quan điểm: "Ai cũng làm chuyên nghiệp thì lấy ai làm công tác đào tạo trẻ. Không có gốc thì lấy đâu ra ngọn. Ngoài ra, với tôi, chơi bóng cùng trẻ em luôn vui và thú vị hơn ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp".

Sẽ đào tạo nâng cao cho thủ môn các đội bóng

Trung tâm đào tạo thủ môn Saigon Goalkeeper Center (SGC) có các lớp học vào nhiều khung giờ trong ngày.

huogn dsn hoc tro chao hoi lan nhau truoc buoi tap 2(read-only)

HLV Nguyễn Hồng Phẩm hướng dẫn các em chào hỏi nhau trước buổi tập - Ảnh: ANH HÙNG

Ngoài ra, sau tháng 9, trung tâm sẽ chiêu sinh các lớp huấn luyện dành cho thủ môn từ 18 tuổi trở lên, học vào lúc 17h. Đây là lớp học nâng cao dành cho các thủ môn đang chơi cho các đội bóng phong trào, hạng ba và hạng nhì quốc gia với các bài tập chuyên sâu.

Kết thúc giai đoạn huấn luyện căn bản, các em có năng khiếu sẽ được trung tâm làm cầu nối giới thiệu tham gia vào các trung tâm đào tạo bóng đá chuyên nghiệp như các tuyến trẻ của TP.HCM (Olympic Lyon), Hoàng Anh Gia Lai JMG, NutiFood JMG, Viettel, PVF...

Các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VN còn thiếu điều gì? Các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VN còn thiếu điều gì?

TTO - Theo bạn đọc Hà Phương, bóng đá Việt Nam được thành công như hôm nay có công sức rất lờn từ hai trung tâm đào tạo HA.GL và Hà Nội T&T. Tuy nhiên, hai trung tâm này chỉ mới đóng vai trò... 'nền nhà'. Vì sao?

SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên