13/07/2023 17:02 GMT+7

Cúp các CLB bóng chày toàn quốc 'loại' ngoại binh, tạo sân chơi cho riêng người Việt Nam

So với năm ngoái, Giải Cúp các CLB bóng chày toàn quốc 2023 có nhiều sự thay đổi. Trong đó có sự vắng mặt của các vận động viên nước ngoài.

Ông Trần Đức Phấn, chủ tịch Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam, phát biểu tại họp báo hôm 13-7 - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Ông Trần Đức Phấn, chủ tịch Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam, phát biểu tại họp báo hôm 13-7 - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Chiều 13-7, Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam (VBSF) đã tổ chức họp báo và bốc thăm Giải Cúp các CLB bóng chày toàn quốc 2023. Đây là giải nằm trong hệ thống các giải thi đấu bóng chày quốc gia, được tổ chức thường niên theo quy mô chuyên nghiệp. Giải năm nay diễn ra từ ngày 26 đến 30-7 tại khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).

Ngoài việc tổ chức sân chơi cho các đội, Giải Cúp các CLB bóng chày toàn quốc còn nhằm mục đích thúc đẩy, khuyến khích, mở rộng quy mô về số lượng người chơi, nâng cao phong trào trên cả nước, qua đó tìm kiếm các tài năng phục vụ cho các đội tuyển trẻ lẫn đội tuyển bóng chày quốc gia.

Đây là lần thứ 2 Giải Cúp các CLB bóng chày toàn quốc được tổ chức. Giải năm nay có nhiều sự thay đổi so với năm ngoái. Trong đó, số lượng CLB tham dự tăng từ 8 lên thành 11 đội. Ngoài ra, điều lệ cũng có sự thay đổi lớn khi giải năm nay không cho các vận động viên nước ngoài tham dự.

Trao đổi tại buổi họp báo chiều 13-7, Chủ tịch Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam - ông Trần Đức Phấn chia sẻ: "Đây là môn thể thao còn mới, phong trào chưa thể gọi là mạnh. Năm ngoái có 8 đội, ban tổ chức cho phép các đội sử dụng vận động viên nước ngoài. Còn năm nay thì giải chỉ dành riêng cho người Việt Nam thôi.

Tất nhiên thay đổi này có thể khiến cho giải phần nào không hấp dẫn bằng năm ngoái. Chất lượng chuyên môn cũng có sự thay đổi. Tuy nhiên, chúng tôi xem đây là cơ hội để các vận động viên Việt Nam được tạo điều kiện thi đấu và từ đó họ mới phát triển được.

Các vận động viên nước ngoài thường có trình độ cao hơn, do đó họ được cho thi đấu nhiều hơn. Điều đó khiến vận động viên Việt Nam ít được trau dồi. Hiện nay trình độ bóng chày của chúng ta chưa cao, nên tạm thời giải sẽ chỉ dành cho người Việt Nam. Còn với vận động viên nước ngoài, chúng tôi có kế hoạch làm một giải chỉ dành riêng cho họ. Trong tương lai khi trình độ đã được nâng cao, chúng tôi sẽ có những tính toán để các đội có cả vận động viên Việt Nam lẫn vận động viên nước ngoài thi đấu cùng nhau".

Bóng chày Việt Nam tiếp tục đi theo con đường xã hội hóa

Ông Trần Đức Phấn cũng cho biết thêm Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn để phát triển phong trào. Trong đó, điều kiện sân bãi là một trong những yếu tố chính vì sân bóng chày cần diện tích lớn hơn so với sân bóng đá. Lực lượng HLV và trọng tài cũng chưa đông đảo và đang trong quá trình đào tạo.

Để tổ chức các giải như Giải Cúp các CLB bóng chày toàn quốc, ban tổ chức cũng đã phải nhờ tới các tổ trọng tài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển của môn thể thao này là rất lớn.

Phía Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam đang nhận được nhiều hỗ trợ từ các cường quốc bóng chày như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, từ khi thành lập đến nay, dù kinh phí tổ chức giải là rất lớn nhưng liên đoàn vẫn duy trì được hoạt động nhờ các nguồn xã hội hóa. 

Giới trẻ thích thú với mô hình lồng bóng chày tự động ở TP.HCMGiới trẻ thích thú với mô hình lồng bóng chày tự động ở TP.HCM

TTO - Hơn 10 năm ấp ủ ý tưởng về sân chơi bóng chày tự động, anh Lê Văn Tùng (quận Bình Tân) đã hoàn thiện lồng bóng chày tự động ở quận 7, TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên