05/01/2015 09:38 GMT+7

Cuộc hội ngộ xúc động sau 55 năm

K.XUÂN
K.XUÂN

TT - Biết nhau khi mới 14-15 tuổi, giờ gặp lại đều đã ở độ tuổi thất thập cổ lai hi, chân chậm tay run. Đó là cuộc gặp gỡ của các VĐV, HLV Trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT trung ương nhân 55 năm ngày thành lập tại Hà Nội hôm 4-1.

Cựu danh thủ bóng đá Lê Thế Thọ - trưởng ban liên lạc Trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT trung ương (tiền thân của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Nhổn) - dù sức khỏe không còn như trước sau cuộc phẫu thuật dạ dày vẫn là người tổ chức cuộc gặp mặt đầy xúc động này. Lâu lắm rồi, có những người từ khi chia tay Trường Huấn luyện đã nửa thế kỷ giờ mới có dịp gặp lại đồng đội trong vòng tay ấm áp giữa cái rét mùa đông Hà Nội.

Gặp nhau khi mới 15 tuổi

Bà Trương Triệu Oanh - một trong bốn VĐV giành HCĐ nội dung bơi 4x100m tự do nữ tại Đại hội thể thao các nước mới trỗi dậy (Ganefo) thế giới năm 1963 tại Indonesia - xúc động cầm tay trung vệ đội bóng đá Nguyễn Tiến Cường trong ngày gặp mặt. Đi từ Quảng Ninh về Hà Nội dự lễ gặp mặt thế hệ VĐV đầu tiên của thể thao VN, bà Oanh không khỏi bùi ngùi nhớ về những kỷ niệm của một thời VĐV gian khó đã qua.

Bà Oanh chia sẻ: “Chúng tôi gặp nhau khi 14-15 tuổi, chỉ là những đứa trẻ mới lớn chưa biết gì ngoài ăn với tập thể thao. Sau nửa thế kỷ gặp lại, tất cả đã trở thành những ông già, bà già tóc bạc phơ, chân đi còn không vững. Nhớ biết bao những ngày hết giờ tập cả đám trèo lên cây ngóng Bác Hồ đi bộ qua Cung thể thao Ba Đình để được thấy Bác”.

Bay hàng chục ngàn cây số từ Đức về VN để tham dự buổi gặp mặt, bà Mai Hồng Hà - nhà vô địch giải bơi vượt sông Hồng suốt những năm 1956-1959 - cho biết đã nửa thế kỷ trôi qua, đây mới là lần đầu tiên bà được gặp lại đồng đội. Đã bước sang tuổi 75, bà Hà vẫn còn nhớ như in tháng ngày trẻ thơ vùng vẫy bơi ở hồ Tây - nơi gia đình bà sinh sống. Vì bơi giỏi, sau đó bà được chọn vào Trường Huấn luyện khóa đầu tiên.

Bà Hồng Hà nhớ lại: “Ngày đó tôi bơi giỏi lắm, suốt nhiều năm liền đều về nhất giải bơi 4km vượt sông Hồng. Ngoài ra tôi còn bơi các cự ly ngắn của bơi bướm, bơi ngửa, bơi tự do... Những năm 1950-1960 VĐV bơi đi thi nhưng hầu hết chỉ mặc áo cộc, quần cộc xắn hoặc buộc hai ống lại với nhau chứ ít ai dám mặc đồ bơi vì xấu hổ, kính bơi cũng không có”... Kết thúc sự nghiệp VĐV, bà Hồng Hà về làm nhân viên Tổng cục TDTT, sau đó sang định cư tại Đức cùng con cái và giờ mới lần đầu tiên được gặp lại đồng đội năm xưa.

Trưởng thành nhờ môi trường thể thao

Không thể quên những tháng ngày ăn ngủ cùng đội bóng đá quốc gia dưới khán đài SVĐ Hàng Đẫy, trung vệ Nguyễn Tiến Cường giờ bước đi không còn vững nữa. Trung vệ Cường là một trong những VĐV bóng đá đầu tiên cùng với những cái tên Trần Tương Lai, Trương Tấn Nghĩa, Lê Thế Thọ, Trần Duy Long, Lê Đình Chính... Hầu hết bạn cùng thời với ông Cường sau này đều thành đạt, mỗi người một công việc khác nhau. Riêng ông Cường sau khi chia tay đội tuyển quốc gia ở Trường Huấn luyện, đã gần 30 tuổi, vẫn ôn thi và sau đó đỗ vào khoa chế tạo máy Đại học Bách khoa Hà Nội để trở thành một kỹ sư chế tạo máy về đầu quân cho Viện Thiết kế bưu điện.

Hầu hết VĐV thế hệ đầu tiên của Trường Huấn luyện sau này cũng thành danh trên nhiều cương vị từ nhà quản lý thể thao, HLV hay có một nghề nghiệp bình thường là giáo viên, kỹ sư... VĐV điền kinh Hoàng Vĩnh Giang làm giám đốc Sở TDTT Hà Nội, sau làm phó chủ tịch Ủy ban Olympic VN; VĐV bơi Nguyễn Văn Trọng làm vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, VĐV điền kinh Bùi Tử Liêm làm tổng thư ký Ủy ban Olympic VN... Rất nhiều người được cử đi học nước ngoài hay học đại học trong nước và sau đó đều có công việc cho đến khi về hưu. Một số trở thành HLV nổi tiếng như bà Hoàng An, trưởng bộ môn điền kinh Hà Nội.

Trong cuộc gặp mặt, bà Hoàng An đã nói khá nhiều về những bất cập của thể thao VN hiện nay, nhất là khâu giáo dục VĐV. Bà Hoàng An chia sẻ: “Trường Huấn luyện là cuộc đời tôi, được gặp lại đồng đội hôm nay thật không biết nói gì vì hạnh phúc. Từ nhỏ VĐV chúng tôi đã thấm nhuần tinh thần thể thao, tập luyện để cống hiến cho Tổ quốc, vì tình yêu lớn lao với dân tộc. Ngày xưa khó khăn gian khổ là thế nhưng các VĐV đều trưởng thành, đều nên người vì được giáo dục tốt”.

[box]Nơi sản sinh những VĐV tài năng

Trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT trung ương là tiền thân của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội ngày nay ra đời ngày 19-11-1959. Ngôi trường này là nơi tập hợp cán bộ HLV, VĐV thể thao giỏi nhất của miền Bắc tạo thành các đội tuyển quốc gia ở các môn: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, điền kinh, bơi lội, bắn súng, thể dục dụng cụ để làm nhiệm vụ quốc tế cho đất nước. Các đội tuyển hầu hết khi đó được các chuyên gia Liên Xô (cũ) và Trung Quốc huấn luyện.[/box]

K.XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên