06/08/2020 12:15 GMT+7

Công nhân khổ vì bị công ty nợ lương

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Sau khi mất việc làm vì dịch COVID-19 vào cuối tháng 4, hai vợ chồng anh Bùi Tiến Dương (33 tuổi) may mắn tìm được việc làm mới từ đầu tháng 6.

Công nhân khổ vì bị công ty nợ lương - Ảnh 1.

Công nhân công ty Aaru đến công ty chờ nhận lương chiều 3-8. Phần lớn họ là công nhân mất việc làm do công ty cũ không có đơn hàng và sau đó xin vào làm ở Aaru - Ảnh: VŨ THỦY

Nhưng suốt hai tháng qua, cả hai đều bị công ty mới nợ lương.

Sau thất nghiệp là nợ lương

"Công ty cũ đóng cửa, cho nghỉ cách đây ba tháng, vợ chồng không kiếm được việc làm nên về quê ở tạm. Nghe bạn nói có công ty đang tuyển làm hàng khẩu trang, bảo hộ y tế tăng ca nhiều lắm, vợ chồng tôi bắt xe lên để nộp hồ sơ ngay. Vậy mà làm mòn mỏi hai tháng đợi mãi cũng chẳng nhận được đồng lương nào", anh Dương (quê Tiền Giang) thở dài kể.

Vợ chồng anh cùng mất việc ở Công ty T.N (Q.12, TP.HCM), nay lại cùng bị nợ lương nhiều tháng ở công ty mới. "Không gồng nổi nữa rồi", anh Dương chán nản khi ngồi chầu chực cùng rất nhiều công nhân của Công ty Aaru (P.Hiệp Thành, Q.12) chờ nhận lương tháng 6 vào chiều tối 3-8.

Vợ chồng anh Dương có hai đứa con nhỏ, đứa lớp 5, đứa mới lớp 1, đang gửi ông bà nội ở quê, mỗi tháng dành dụm tiền gửi về nhà nuôi con. Nhưng một tháng thất nghiệp sau khi mất việc ở công ty cũ, không những chẳng gửi được đồng bạc nào về quê, vợ chồng anh lại còn phải về quê ở tạm, "ăn bám ông bà". Quê anh chỉ có ruộng, nên cả hai đều mòn mỏi chờ việc.

"Vào công ty mới làm lụng cực khổ lắm. Nhưng được hứa hẹn lương 8 triệu một tháng nên vợ chồng tôi đều ráng làm để bù lại cho tháng trước thất nghiệp, rồi còn tiền nhà trọ, tiền ăn. Có ngày công ty nhiều hàng, làm liên tục 12 tiếng. Vậy mà đến ngày nhận lương công ty lại hẹn hết lần này đến lần khác", anh kể.

Phần lớn công nhân ở đây cùng chung cảnh ngộ với vợ chồng anh: mất việc ở công ty cũ, sang công ty mới lại bị nợ lương. Chị Nguyễn Thị Lil (43 tuổi, quê Cà Mau) cùng với hơn 20 công nhân khác đã rủ nhau vào công ty mới sau khi công ty may của họ ngưng hoạt động hồi cuối tháng 5.

"Công ty mới sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, đơn hàng nhiều lắm. Làm ngày làm đêm, ai cũng nghĩ công ty làm ăn được, hàng này đang cần, đâu có ế được, nên khi công ty hoãn lương, mọi người ai cũng ráng làm cho hết tháng. Ai dè họ hẹn lần hẹn lữa năm lần bảy lượt", chị Lil bức xúc.

Bữa ăn chỉ có quả trứng, bó rau

Làm ở công ty mới, tăng ca nhiều, làm ngày làm đêm đối với những công nhân mới thất nghiệp như chị Lil là cái may, cái "được" giữa mùa dịch khốn khó: "được" tăng ca, "được" làm nhiều để gỡ gạc cho những ngày thất nghiệp.

"Tiền nhà, tiền ăn đều trông chờ vào khoản lương này. Nhà trọ phải đóng tiền ngày 15, theo lịch thì công ty cũng trả lương vào cùng ngày nên tưởng là yên tâm rồi. Nhưng đến ngày trả lương, công ty hẹn đến cuối tháng. Chủ trọ đến đòi tiền, tôi cũng hẹn lại chủ trọ đến cuối tháng. Cuối tháng công ty lại khất lần, chủ nhà đến đòi, công ty ứng trả mỗi người được 2 triệu trong khi tiền trọ đã 2,1 triệu. Trả xong lại trắng tay", chị Hiên (47 tuổi) nói.

Cách đây năm năm, một mình chị Hiên bồng bế hai con từ Quảng Ninh vào Nam làm công nhân nuôi con ăn học. "Nhà họ có đôi có cặp, một người thất nghiệp thì còn có người kia làm chỗ dựa. Tôi một thân một mình nên một tháng lương bảo bỏ đâu bỏ được. Mà hai tháng rồi, ngày nào cũng làm ngày làm đêm, làm trối chết. Công sức của mình nên phải đeo theo để lấy", chị bảo.

Ngày hẹn trả lương, chị và các công nhân chầu chực từ lúc 7h-8h sáng. "Họ hẹn chiều, mà sáng mọi người đã tới đây canh, đề phòng họ dọn xưởng đi. Quận, phường cũng cử người tới đây hai lần rồi và công ty cũng đã làm cam kết trả lương. Nhưng mà họ thất hẹn không ít lần, nên chúng tôi phải đề phòng", một công nhân khác cho biết. Nhiều tháng không có việc làm, hầu hết công nhân cho biết họ phải vay mượn gia đình đắp đổi, chi tiêu tằn tiện.

"Hai tháng qua, đi làm vất vả, nhưng về nhà cũng chỉ dám mua vài quả trứng, bó rau hay vài miếng đậu hủ. Thịt cá đắt đỏ nên ngày nào cũng có bấy nhiêu, ăn tới ăn lui. Tiền nhà còn chưa có trả thì đâu dám ăn. Dịch đã khó khăn, thất nghiệp kiếm được việc làm rồi lại gặp cảnh này, không biết phải xoay xở thế nào", chị Lil chia sẻ.

Công ty nhiều lần hẹn tới hẹn lui

Trong nhiều ngày liên tiếp, đại diện Phòng LĐ-TB&XH Q.12 đã có mặt tại Công ty Aaru để giám sát cam kết trả nợ lương của công ty. Trước đó, các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần làm việc với đại diện công ty và người lao động khi xảy ra tình trạng nợ lương.

Công ty TNHH Aaru (chi nhánh tại Q.12) do bà Trần Thị Hải Yến làm giám đốc mới chỉ bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 5-2020, chuyên may khẩu trang, đồ bảo hộ y tế với khoảng 120 công nhân. Lý do chậm chi trả lương được đưa ra là công ty mới thành lập đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Công nhân cho biết ngày 15-7 là ngày trả lương theo thỏa thuận nhưng công ty hẹn lại thêm hai lần khác và kéo dài đến tận ngày 3-8. Chiều 3-8, công nhân đã nhận được thanh toán lương tháng 6, tuy nhiên nhiều công nhân lo lắng sẽ không nhận được lương tháng 7 vào ngày 15-8 như cam kết và lại phải ngày đêm chầu chực.

Hơn 30 triệu lao động ảnh hưởng dịch COVID-19, thất nghiệp tăng Hơn 30 triệu lao động ảnh hưởng dịch COVID-19, thất nghiệp tăng

TTO - Trong 51,8 triệu lao động có việc làm trong quý 2 năm nay, có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước gia tăng.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên