24/10/2019 15:38 GMT+7

Công nghệ xử lý nước tại Nhà máy nước sông Đà quá cũ

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Cơ quan chức năng xác định khi phát hiện nước nhiễm dầu thải, Nhà máy nước sông Đà tăng gấp đôi lượng phèn, bổ sung thêm than hoạt tính xử lý nước nhiễm dầu, sau đó tiếp tục đưa nước thô vào sản xuất nước sạch.

Công nghệ xử lý nước tại Nhà máy nước sông Đà quá cũ - Ảnh 1.

Người dân địa phương được thuê nạo vét khu vực khe suối nơi dầu thải chảy lan từ đỉnh đồi qua - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết bước đầu cơ quan chức năng đã "dựng lại" quá trình từ khi phát hiện dầu tràn vào nguồn nước đến các bước xử lý của Nhà máy nước sông Đà.

Phát hiện dầu thải, tăng gấp đôi lượng phèn vào nước thô

Vụ việc được tóm tắt như sau: sáng 9-10, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà phát hiện nước có váng dầu tại suối Bằng, sau đó đã kiểm tra ngược theo dòng suối và phát hiện trên đường liên xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh có đổ dầu thải.

Do trời mưa, dầu thải tại điểm đổ đã chảy tràn xuống suối Trầm và khu vực xung quanh. Vì vậy, chiều 9-10, công ty có thông báo tới công an xã Phúc Tiến.

Đến sáng 10-10, Công an tỉnh Hòa Bình đã phối hợp Công an huyện Kỳ Sơn xuống kiểm tra hiện trường và lập biên bản. 

Ngày 14-10, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên - môi trường Hòa Bình và Cục Bảo vệ môi trường Miền Bắc cũng xuống kiểm tra hiện trường.

Lực lượng chức năng đã khảo sát các suối Trầm, suối Cun, suối Bằng, điểm hợp lưu của suối Bằng vào hồ Đầm Bài, điểm lấy nước thô của nhà máy.

Tại đoạn suối Trầm, tính từ nơi tiếp nhận dầu thải từ sườn dốc đường liên xã trên tới khu vực ao nhà ông S.P. dài khoảng 300m, lực lượng chức năng khảo sát qua lội trực tiếp trên suối và ghi nhận: "cây cỏ xung quanh có dính dầu đã được công ty thu dọn và chuyển về kho chất thải nguy hại, nước suối vẫn có mùi dầu. Tại một số vị trí có hiện tượng dầu dính trên đá, khe đá, đặc biệt vẫn có mùi khét".

Sau khi vớt hết váng dầu ngày 10-10, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà đã rải khoảng 1 tấn than hoạt tính suốt chiều dài 200m từ điểm tiếp nhận dầu thải trên suối.

Đến ngày 15-10, công ty cho nạo vét suối, thu gom than hoạt tính đã rải. Tuy nhiên, tại một số vị trí quan sát bên bờ suối vẫn thấy váng dầu nổi lên.

Còn tại Nhà máy nước sông Đà, cơ quan chức năng ghi nhận nước đầu vào được bơm bằng 2 bơm thay nhau, mỗi bơm có công suất 6.670m3/h. Tổng lượng nước thô đầu vào khoảng 320.000m3/ngày đêm. Sau đó nước thô được đưa vào 2 bể trộn thủy lực có công suất 160.000m3/ngày đêm/bể. Tại đây nước được châm phèn từ 20-35mg/lít (tùy theo chất lượng nước đầu vào).

Công nghệ xử lý nước tại Nhà máy nước sông Đà quá cũ - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Dục, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng công nghệ ở nhà máy nước sông Đà đã quá cũ - Ảnh: MAI THƯƠNG

Tuy nhiên, ngày 9-10, khi phát hiện dầu thải tràn vào nguồn nước thô, Nhà máy nước sông Đà đã tăng lượng phèn đưa vào trong nước. Cụ thể đã châm phèn từ 70-80mg/lít và bổ sung thêm than hoạt tính từ 10-15mg/lít nước thô đầu vào.

Sau khi châm thêm phèn, bổ sung thêm than hoạt tính, nước đi vào trong 12 bể phản ứng, mỗi bể có dung tích 585m3 và chia thành 3 ngăn lắng xuống đáy, sau đó đưa nước xuống bể xử lý. Đến khi ra nước trong, nguồn nước này được đưa vào bể lọc nhanh, sau đó được đưa sang bể pha trộn clo để châm clo khử trùng từ 0,9 đến 1,2mg/lít.

Ông Nguyễn Văn Tốn, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà, lý giải khi phát hiện tràn dầu, đã xét nghiệm các chỉ tiêu nhóm A. Còn sau khi người dân phản ảnh nước có mùi lạ, ông Tốn thừa nhận đã nghĩ có thể nước có vấn đề.

"Ngày 10-10, tôi yêu cầu phòng thí nghiệm xét nghiệm ngay chỉ tiêu nhóm A xem có vấn đề gì không, kết quả xét nghiệm không có vấn đề gì nên tôi xin hội ý lãnh đạo vẫn quyết định cấp nước" - ông Tốn lý giải.

Công nghệ nhà máy nước sông Đà quá cũ

Tại buổi thông tin về sự cố nước nhiễm dầu thải ngày 22-10 tại Hà Nội, ông Lê Văn Dục, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết Nhà máy nước sông Đà được đưa vào khai thác từ năm 2008.

Theo ông Dục, sau 11 năm hoạt động, nếu cứ cứng nhắc về việc nhà máy đang vận hành, vẫn đảm bảo 109 chỉ tiêu của Bộ Y tế thì không ổn.

"Chúng tôi cũng đã rà soát và yêu cầu công ty phải bổ sung công nghệ mới vì công nghệ nhà máy đã quá cũ" - ông Dục nói.

Ông Dục cho rằng nếu thay cả nhà máy thì không đủ kinh phí nhưng thay một dây chuyền công nghệ, các thiết bị hoặc bổ sung mới thì hoàn toàn có khả năng.

"Nếu là công nghệ nano thì vấn đề mùi và dầu hay nhiều thành phần khác không xảy ra. Vì thế, trong bổ sung công nghệ, chúng tôi đang kiểm tra để thống nhất khả năng thay được tối đa công nghệ ở nhà máy này" - ông Dục nói.

Khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can đổ dầu thải vào nguồn nước nhà máy Sông Đà Khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can đổ dầu thải vào nguồn nước nhà máy Sông Đà

TTO - Ba người trực tiếp chở dầu thải đổ ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước sông nhà máy Sông Đà đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên