17/07/2012 06:29 GMT+7

Công bố 13 luật

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Ngày 16-7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố 13 luật và 2 nghị quyết vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua.

* Xếp hạng trường đại học * Khẳng định chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam

Công bố 13 luật vừa được Quốc hội thông qua

cqiCRYws.jpgPhóng to
Luật biển làm cơ sở cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển đảo - Ảnh: TIẾN THÀNH

13 luật, 2 nghị quyết gồm: Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật phòng chống rửa tiền, Luật giáo dục đại học, Luật phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ luật lao động, Luật công đoàn, Luật giá, Luật giám định tư pháp, Luật phổ biến giáo dục pháp luật, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật quảng cáo, Luật tài nguyên nước, Luật biển VN; nghị quyết về việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

Xếp hạng trường đại học

Giới thiệu Luật giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Bùi Văn Ga nêu có bốn điểm mới: thứ nhất, các trường đại học VN sẽ được xếp hạng, phân tầng. Theo ông Ga, hiện người dân không rõ trường đại học nào chất lượng cao, Nhà nước khi hỗ trợ cũng không rõ trường nào tốt, trường nào chưa, dẫn tới khả năng đầu tư dàn trải. Sắp tới, các trường đại học sẽ được xếp hạng và phân rõ đâu là các đại học nghiên cứu, đâu là đại học ứng dụng và đâu là đại học nghề nghiệp. Điều này cũng sẽ giúp việc quy hoạch các cơ sở đại học phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội.

Đổi mới thứ hai, theo ông Ga, sẽ xã hội hóa giáo dục đại học. Tuy nhiên, để tránh có trường đại học lợi dụng danh nghĩa phi lợi nhuận để mưu cầu lợi nhuận, cơ quan chức năng sẽ phân loại trường phi lợi nhuận và trường vì lợi nhuận. “Trường phi lợi nhuận (không chia lãi, hoặc mức chia không quá mức lãi trái phiếu chính phủ) sẽ được hỗ trợ đất đai, thuế... Còn trường theo lợi nhuận sẽ phải nộp thuế như doanh nghiệp” - ông Ga nói. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng, tại phần đổi mới này, Luật giáo dục đại học quy định rõ: chênh lệch giữa thu và chi của đại học tư thục đến từ việc đào tạo, nghiên cứu sẽ phải dành tối thiểu 25% chi đầu tư phát triển, cho hoạt động giáo dục, cơ sở vật chất, mua thiết bị, bồi dưỡng giáo viên...

Tài sản tích lũy được và tiền tài trợ, hiến tặng sẽ không được chia. Đất đai Nhà nước giao cũng được coi là tài sản hiến tặng, không được chuyển mục đích sử dụng. Ngoài ra, luật còn có hai điểm mới là sẽ trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học cũng như chất lượng đào tạo sẽ bị kiểm soát chặt trong suốt quá trình học. Thay vì chỉ có chương trình khung, bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo sẽ quy định rõ khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu năng lực người học phải đạt khi tốt nghiệp...

Sẽ được nghỉ thai sản 6 tháng

Luật giá nêu quan điểm nổi bật Nhà nước sẽ không “điều hành” giá mà chuyển sang “điều tiết”, sẽ bãi bỏ việc trợ giá nông sản mà chuyển sang hỗ trợ với những biện pháp phù hợp. Thủ tướng cũng chỉ quyết khung giá điện, cơ chế điều chỉnh chứ không nêu sẽ quyết giá bán lẻ như hiện nay... Luật xử lý vi phạm hành chính đột phá ở điểm: người bán dâm sẽ bị xử phạt hành chính khi bị phát hiện, không áp dụng giáo dục tại xã phường, đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Luật cũng nêu rõ mức xử phạt hành chính với cá nhân sẽ rất cao, tối đa 1 tỉ đồng, với tổ chức tối đa 2 tỉ đồng tùy lỗi. Bộ luật lao động thì cho phép bà mẹ khi sinh con sẽ được nghỉ thai sản sáu tháng thay vì 4-5 tháng như hiện nay...

Khẳng định chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa của VN

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Bùi Thanh Sơn - thứ trưởng Bộ Ngoại giao - cho biết VN đã nghiên cứu rất kỹ trước khi soạn thảo cũng như ban hành Luật biển. Cụ thể, việc xây dựng Luật biển VN đã bắt đầu từ năm 1998 trên cơ sở các quy định của Công ước Luật biển 1982 có tham khảo thông lệ quốc tế, trong đó có cả thực tiễn các nước và các yêu cầu phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng của VN.

Với 7 chương và 55 điều, ông Bùi Thanh Sơn cho biết mục đích xây dựng Luật biển của VN là nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phục vụ việc sử dụng, quản lý và cả bảo vệ các vùng biển đảo cũng như phát triển kinh tế biển của VN. Theo luật, ngay điều 1 đã quy định rõ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của VN. Luật cũng nêu nguyên tắc mọi cơ quan, tổ chức và công dân VN phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhà nước VN sẽ phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Theo Luật biển, Nhà nước VN tái khẳng định việc có quyền thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà một số nước đang đòi hỏi vô lý.

Ông Bùi Thanh Sơn nói: “Để triển khai làm đúng được quy định của luật, chúng ta đã quy định rõ các lực lượng tham gia tuần tra, kiểm soát gồm cả quân đội, cảnh sát... Trong phạm vi chủ quyền, quyền tài phán, chúng ta phải bảo vệ được (biển đảo). Việc thực hiện các biện pháp truy đuổi chỉ áp dụng khi tàu nước ngoài không tuân thủ yêu cầu. Biện pháp truy đuổi cụ thể thế nào sẽ có nghị định của Chính phủ hướng dẫn chi tiết.

Theo ông Sơn, phát triển kinh tế biển là ưu tiên rất lớn trong nghị quyết trung ương 4 khóa X. Dự kiến kinh tế biển tới đây sẽ chiếm 50% GDP. Luật biển cũng có chương riêng phát triển kinh tế biển, trong đó có ưu tiên phát triển các ngành kinh tế ta có thế mạnh, gồm cả tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, các tài nguyên biển, đóng tàu, du lịch biển, kinh tế đảo...

Ông Sơn nói VN từng công bố về chủ quyền biển đảo năm 1977. Tuy nhiên, khi đó chỉ là công bố sơ lược vì chưa có Công ước Luật biển 1982. Luật biển này công bố rõ từng vùng biển, xác định rõ đâu là nội thủy, đâu là vùng tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa. Còn đường cơ sở, hiện nay chúng ta đã xác định được từ đảo Cồn Cỏ tới đảo Thổ Chu, còn một số khu vực khác chưa có, như vịnh Bắc bộ, Trường Sa, Hoàng Sa. Luật biển giao Chính phủ nghiên cứu và công bố các đường cơ sở này sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý.

Trước báo giới, ông Sơn khẳng định: lần đầu tiên VN có một luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của VN làm cơ sở cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển đảo. Chúng ta cũng khẳng định sẽ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với công ước quốc tế. Qua đó, Nhà nước VN truyền tải thông điệp quan trọng đến toàn thế giới: VN là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982.

Thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền

Một trong những nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển được nêu trong Luật biển VN là: “Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế”.

Bên cạnh đó, việc ghi nhận nguyên tắc này hoàn toàn không loại trừ quyền phòng vệ chính đáng của nước ta, bởi vì ngay trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng thừa nhận quyền tự vệ chính đáng của cá nhân hay tập thể khi thành viên của Liên Hiệp Quốc bị tấn công vũ trang cho đến khi Hội đồng Bảo an áp dụng những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Luật biển VN dành trọn chương II để quy định về “vùng biển VN”, trong đó có các quy định về: xác định đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa... Cũng trong chương này nêu rõ: “Đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của VN là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ VN”.

Theo Luật biển VN, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật VN nếu các tàu thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải VN. Quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của VN.

Về áp dụng, điều 2 Luật biển VN quy định: trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với quy định của luật khác về chủ quyền, chế độ pháp lý của vùng biển VN thì áp dụng quy định của luật này. Trường hợp quy định của luật này khác với quy định của điều ước quốc tế mà nước CHXHCN VN là thành viên thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Luật biển VN có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên