14/04/2013 05:44 GMT+7

Con nhỏ chết trôi

MINH NGUYỆT (TP.HCM)
MINH NGUYỆT (TP.HCM)

AT - Ở xóm nghèo này, từ đứa trẻ lên tám lên chín cho đến mấy ông lão bà cụ tóc bạc trắng đều thuộc lòng "sáu câu vọng cổ" về chuyện bà Tư và con nhỏ chết trôi.

ohBiyGcX.jpgPhóng to
Minh họa: La Nguyễn Quốc Vinh

Bà Tư trước kia bán chè gánh. Nào là chè đậu xanh ăn vào mát rượi, chè chuối thơm lừng, chè đậu đỏ ngọt lịm... Cứ canh tầm chiều chiều giờ học sinh tan học, bà Tư lại quẩy đôi quang gánh ra ngồi trước cổng trường mà bán. Những chiếc áo trắng mê quà vặt, thấy gánh chè của bà là sà vào ngay.

Cứ thế bà Tư lui cui sống một mình, chẳng chồng con chi cả.

Rồi một ngày xóm nhỏ lao xao: có người chết đuối trôi dạt về khúc sông sau nhà ông Hải. Cả xóm túa ra, bu kín bờ sông xem mấy anh thanh niên lội ra giữa sông kéo cái xác vào. Một đứa con gái chừng chín mười tuổi, tay vẫn còn bấu chặt vào miếng ván gỗ. Chợt ai đó hét lên:

- A! Nó còn sống.

Đúng là nếu chăm chú quan sát kỹ thì thấy ngực đứa bé vẫn còn chút phập phồng. Có người biết cách bèn nhanh chóng vừa hô hấp nhân tạo vừa xoa bóp lồng ngực con bé. Được một lúc thì nó ọc được chút nước ra, hơi thở cũng đều hơn dù hai mắt vẫn nhắm nghiền.

- Kiếm chỗ cho nó nằm đi.

- Thay quần áo khô nữa.

Người nào đó lên tiếng, nhưng không có bàn chân nào bước ra.

- Ông đem về nhà ông đi. Ai biết nó là ai đâu, không chừng có bệnh gì thì sao?

Lại có tiếng phản bác:

- Tui đâu có điên. Đem người chết trôi về nhà xui lắm.

- Ai bảo, nó đã chết đâu.

- Thì sém chết, cũng xui vậy!

Mọi người cứ đùn đẩy nhau. Lúc đó bà Tư gánh chè đi bán ngang qua. Nghe chuyện xong, bà bỏ luôn gánh chè, nhanh chóng xốc con bé đi phăm phăm về nhà, bỏ lại sau lưng một hàng người nhìn theo ái ngại.

Từ đó “con bé chết trôi” ở với bà Tư. Dù đã tỉnh táo, nhưng nó lại không nói được và cũng chẳng nhớ gì về thân thế trước kia của mình. Ai hỏi gì nó cũng chỉ biết ú ớ vài tiếng rồi khóc. Nhìn nước mắt nước mũi ngắn dài trên mặt con bé, bà Tư thấy trong lòng mình như có một điều gì đó dâng lên nghèn nghẹn.

- Không nhớ cũng không sao. Từ nay con cứ ở đây với bà nha Gái của bà.

Con bé mũi vẫn còn hơi sụt sịt, gật đầu lia lịa. Có lẽ nó sợ bà Tư sẽ đổi ý.

Từ đó hai bà cháu nương tựa vào nhau mà sống. Hằng ngày bà Tư vẫn gánh chè đi bán. Con Gái ở nhà nấu cơm, đãi đậu, dọn dẹp nhà cửa xong chiều chiều lại ra ngõ ngóng chờ bà về.

Có hôm nó đang thơ thẩn đợi thì có mấy đứa trẻ gần đó thi nhau ném đá vào nó, còn hét lớn:

- Con bé chết trôi. Lôi thôi lếch thếch.

Gái câm không thể nào cãi lại, nó chỉ còn biết ôm đầu bỏ chạy. Bà Tư vừa về kịp thấy ngay cảnh đó, bà rút luôn cái đòn gánh hướng đến mấy đứa trẻ mà mắng, dọa đánh đòn bọn chúng. Thế là cả xóm huyên náo cả lên: tiếng trẻ con khóc, tiếng người cự cãi, rồi tiếng chó sủa hóng theo:

- Bà dám đánh con tui hả?

- Tụi nó ném đá vào cháu tui trước.

- Cháu gì cái thứ trôi sông lạc chợ!

Nghe đến đó bà Tư quắc mắt lên, ôm con Gái trở về nhà sau khi buông một câu:

- Mấy người thật không có lương tâm.

Lần đầu tiên mọi người thấy bà Tư móm mém hay cười hằng ngày giận dữ đến vậy. Vài tiếng chửi đổng theo bóng dáng hai bà cháu, rồi đám người tụ tập cũng tan dần, trả lại phút tĩnh lặng ít ỏi cho xóm nghèo.

Từ hôm đó, nhìn thấy lũ trẻ hung hãn là con Gái nhanh chân lủi trốn. Nó sợ lại bị trêu chọc, còn bị ném đá rất đau. Nhưng cũng có vài lần nó chạy không kịp. Đi bán về nhìn thấy tay chân Gái bị mấy vết bầm thâm tím, lòng bà Tư đau như cắt. Xót đứa cháu không thân không thích, đem đi mắng vốn ba mẹ bọn trẻ thì cũng chỉ nhận được lời thành kiến cay độc, bà Tư chỉ còn biết ôm Gái vào lòng, tìm dầu xoa cho nó. Con bé khi đó rất đau nhưng chỉ cắn răng chịu đựng…

Năm con Gái lên mười hai tuổi, chuyện không may bất ngờ đổ ập xuống hai bà cháu. Trong một lần đi bán chè, bà Tư bị trượt chân vấp té, đầu đập mạnh xuống lề đường. May có người quen giúp đưa bà về nhà. Bà Tư bị đau, sốt mấy ngày mới bớt nhưng từ đó mắt bà cứ yếu dần dần. Con Gái núp sau chái bếp nhìn mấy người hàng xóm sang thăm, mà bà Tư chỉ có thể nhận người quen qua giọng nói. Nước mắt nó cứ chảy mãi. Và đó cũng là lần cuối cùng người ta thấy Gái khóc. Sau này dù bị bọn trẻ khác trêu chọc thế nào, bị ném đá đau đến đâu, thậm chí có hôm Gái bị mảnh sành vỡ cứa đứt gan bàn chân sâu hoắm, nó cũng không để rơi một giọt nước mắt.

Bà Tư ngày càng yếu, bệnh của tuổi già cứ ùn ùn kéo đến. Trời mưa xuống là bà lại bị ho, tay chân thì vừa sưng phù vừa đau nhức. Mọi việc trong nhà bây giờ đều do con Gái gồng gánh hết cả. Ông Bảy nhà gần đó cám cảnh hai bà cháu cút côi, bảo Gái mỗi sáng ráng dậy sớm qua nhà ông quét tước sân vườn, đổ đầy mấy cái lu nước, rồi ông trả công cho mớ gạo, mớ khoai. Cũng nhờ vậy mà bà Tư và con Gái có thể sống tạm bợ qua ngày.

oOo

- Này rình mò cái gì đó?

Nghe tiếng la, con Gái giật mình rồi ù té chạy, bỏ quên cả cái giỏ đựng mấy con cua đồng mà nó vừa bắt được hồi nãy.

Cô Hoa nghe thấy cũng đi ra khỏi phòng giáo viên, thấy chú Thành bảo vệ đang đứng đó bèn hỏi:

- Có chuyện gì vậy chú Thành?

- À, không có gì đâu cô giáo. “Con nhỏ chết trôi” đó mà. Thấy nó cứ đứng lấp ló, sợ nó tính ăn cắp gì nên la thôi.

- “Con nhỏ chết trôi?" - Cô Hoa ngạc nhiên hỏi lại.

Chú gác trường vỗ vỗ tay vào trán.

- À, tui đãng trí quá. Cô Hoa mới về đây công tác nên chưa nghe qua chuyện này. Là như vầy…

Rồi chậm rãi, chú Thành kể cho cô giáo trẻ nghe về chuyện con Gái với bà Tư.

Cô Hoa nghe xong, đôi mày hơi khẽ cau lại, gương mặt hiện lên vẻ đăm chiêu. Cô chỉ cái giỏ để sát ngay hàng rào hỏi:

- Của Gái để quên hả chú?

- Dạ, của nó đó cô. Chắc chút nó quay lại tìm à.

- Thôi để tôi đem về trả cho em nó. Chú chỉ giúp nhà bà Tư cho tôi với.

Mặt trời đã đứng bóng, cô Hoa mang giỏ cua đi tìm nhà bà Tư. Vừa vòng qua ao rau muống, cô nhìn thấy một con bé gầy nhom lấp ló sau bụi tre nhìn cô. À, mà hình như là nhìn chiếc giỏ trên tay cô thì đúng hơn. Bằng trực giác của mình, cô Hoa hướng về đó gọi khẽ:

- Gái đó hả em?

Con bé vừa nghe thế là ù té chạy. Cô Hoa bèn gọi với theo:

- Khoan khoan, đừng chạy Gái ơi.

Gái dừng lại. Quay mặt nghiêng nghiêng về phía cô. Nó đã nhận ra cô Hoa ngay từ đầu. Vì nó vẫn thường nấp trộm xem cô giảng bài mà. Khi vừa thấy cô, nghĩ là cô đến để mắng nó tội đó nên Gái mới bỏ chạy. Nhưng rồi cô lại kêu nó nữa, giọng mới ngọt ngào làm sao, không giống đến để la nó. Gái thấy yên tâm hơn mới không chạy nữa.

- Nào dắt cô về nhà em đi Gái.

Gái vẫn chưa hiểu chuyện gì, đôi chân cứ tự động bước về phía trước. Cô Hoa đi bên cạnh, vươn tay nắm bàn tay gầy gò của nó. Bàn tay cô thật mềm - Gái nghĩ thầm.

Nghe tiếng mở cổng rào, bà Tư biết là Gái về, nhưng vẫn không ngồi dậy được. Mấy đêm rồi trời trở gió, lưng bà càng thêm đau nhức. Bà đành nằm yên, cố nén mấy tiếng ho rồi cất giọng hỏi:

- Gái đó hả con?

Bà nghe những âm thanh ú ớ quen thuộc của Gái trả lời. Nhưng hình như còn tiếng bước chân một người khác nữa.

Giọng một cô gái có lẽ còn khá trẻ vừa thanh vừa trong vang lên:

- Dạ. Con chào bà Tư.

Bà Tư cố nhỏm người dậy:

- Ai vậy ạ?

- Dạ, con tên Hoa. Con là giáo viên vừa đến xóm ta nhận công tác ạ.

- Trời ơi! Ra là cô giáo. Gái ơi mau mời cô giáo ngồi đi con.

Rồi một già một trẻ cứ trò chuyện râm ran. Con Gái ra sau nhà tranh thủ bắc nồi cơm, sẵn rót luôn cho cô giáo ly nước. Đón chiếc ly từ tay Gái, cô Hoa khẽ kéo cho nó ngồi xuống rồi hỏi:

- Gái à, em thích đi học lắm phải không?

Con Gái nghe cô hỏi mà đầu cứ cúi gằm xuống, mãi mới thấy nó hơi khẽ gật đầu:

- Nó thích học lắm cô giáo à. Trước kia tui còn khỏe cũng tính cho nó đến trường. Nhưng mà nó lại không nói được nên nghĩ cũng khó. Tui cũng sợ nó đi học rồi lại bị mấy đứa trẻ khác trêu chọc.

Nói đến đó từng dòng từng dòng nước mắt lại chảy dài trên khuôn mặt già nua của bà Tư. Con Gái vẫn cúi đầu, hơi cắn chặt môi, có lẽ nó cũng đang cảm thấy tủi thân và muốn khóc. Cô giáo nắm tay bà Tư an ủi:

- Bà Tư cứ yên tâm. Nếu em nó thích học, con sẽ dạy em nó.

- Thật hả cô giáo? Cô chịu dạy con Gái ạ? Ôi, tui không phải nằm mơ chứ!

Con Gái nhảy cẫng lên vui sướng, rồi cứ nắm tay cô Hoa mà lắc lắc như tỏ ý cảm ơn.

Cô Hoa mỉm cười nhìn hai bà cháu mà mắt cũng thấy rưng rưng.

Sau ngày hôm đó, cứ chủ nhật là cô Hoa đều đặn ghé nhà bà Tư dạy con gái học. Cô cố gắng chỉ cho con gái nhận biết mặt chữ và tập viết. Dù không nói được, con Gái lại rất sáng dạ và nhớ rất nhanh bảng chữ cái.

Thi thoảng không phải là chủ nhật, cô Hoa cũng ghé thăm hai bà cháu. Có lúc mang theo quyển tập, cái bút cho con Gái, khi thì cô gửi biếu bà Tư ít thịt cá… Lúc đầu, bà Tư cương quyết không nhận, bà đoán chừng cô giáo trẻ cũng có dư dả gì đâu. Nhưng cô Hoa thuyết phục mãi, ý thưởng cho Gái vì nó chăm học, rồi hai bà cháu cũng cần được bồi dưỡng sức khỏe… bà Tư mới xiêu lòng, nhận cho cô giáo vui và thế nào cũng nhất định mời cô Hoa ở lại ăn cơm. Bữa cơm đạm bạc, con Gái ngồi giữa bà và cô giáo, đón lấy miếng thịt cô gắp cho, nhìn bà nó ăn được thêm ít cơm, bất giác nó cảm thấy mình thật hạnh phúc!

oOo

- Bà Tư ơi, chết rồi!

Có tiếng hớt hải gọi, bà Tư vội nhỏm người dậy, nghe tiếng cổng rào mở, rồi bước chân vội vã tiến vào.

- Ai vậy?

- Con. Thông nè bà Tư.

Bà Tư lúc này mới nhận ra giọng đó là con trai lớn của ông Hải.

- À Thông, có chuyện gì vậy con?

- Gái có chuyện rồi bà ơi. Có mấy đứa nhỏ đi học về rủ nhau ra bờ sông chơi rồi có một đứa bị hụt chân té xuống sông - không đứa nào biết bơi hết. Em Gái ở gần đó thấy mới nhảy xuống cứu. Rồi…

Không để Thông kể hết, bà Tư hấp tấp đứng dậy:

- Mau, mau dắt bà ra đó đi Thông.

- Dạ, bà lên con cõng cho nhanh.

Nói rồi, Thông xốc bà Tư lên lưng, chạy thật nhanh ra phía bờ sông. Bà Tư liên tục niệm Phật, cầu khẩn cho con Gái không có chuyện gì. Ra đến nơi, bà cảm thấy đủ loại âm thanh, có lẽ đông người tụ tập lắm.

Ai đó rụt rè:

- Bà Tư đến rồi kìa.

- Bà Tư ơi…

Và có cả tiếng khóc.

- Gái đâu? Cháu tui đâu?

Bà hỏi ngay… có thêm nhiều tiếng nói nữa, nhưng vẫn không ai trả lời bà. Hoang mang bà gọi lớn:

- Gái ơi! Gái ơi!

Một bàn tay khẽ nắm tay bà, giọng người đó run run như chực vỡ òa - là cô Hoa:

- Em ấy đi rồi… bà ơi!

Bà Tư cảm giác như mặt đất dưới chân mình đang chao đảo làm bà loạng choạng không đứng vững. Tiếng ai đó hoảng hốt gọi tên bà, cánh tay nào đang đỡ bà, bà không còn nhận ra được nữa, chỉ cần Gái trở về thôi. Bà Tư lịm dần...

Ở xóm nghèo này, từ đứa trẻ lên tám lên chín cho đến mấy ông lão bà cụ tóc bạc trắng đều thuộc lòng "sáu câu vọng cổ" về chuyện bà Tư và con Gái.

Bà Tư trước kia bán chè gánh ngon ơi là ngon. Con Gái là một đứa trẻ lưu lạc được dòng sông gửi đến tặng cho bà. Rồi có lần, Gái bơi ra cứu một đứa nhỏ sắp chết đuối, đưa được đứa bé vào bờ thì con Gái đuối sức, rồi không ai nhìn thấy nó nữa. Người ta bảo dòng sông đưa Gái đến và đã đón nó trở về…

0yZpbECI.jpgPhóng to

Áo Trắng số 6 ra ngày 1/04/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

MINH NGUYỆT (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên