13/11/2018 14:28 GMT+7

Có nên duy trì 'đặc quyền' mua vé bóng đá bằng công văn?

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO- “Thế giới sắp lên sao Hoả đến nơi, các lãnh đạo thì liên tục nói đến 4.0 nhưng ở VN người ta vẫn bán vé theo kiểu thế kỷ trước: bán cho người hâm mộ xếp hàng bẹp ruột ngoài sân, bán vé công văn theo kiểu xin cho từ các cơ quan nhà nước".

Có nên duy trì đặc quyền mua vé bóng đá bằng công văn? - Ảnh 1.

Người hâm mộ chen lấn mua vé xem trận VN- Malaysia tại SVĐ Mỹ Đình- Ảnh: Nam Khánh

"Trời đất ơi, bao giờ cái cảnh này mới kết thúc ? Bán vé online cho quảng đại quần chúng, tại sao không thể? Và tại sao vẫn còn cơ chế xin cho cả trong việc bán vé này? 

Các cơ quan nhà nước là một dạng ưu tiên để đảm bảo có vé. Và nếu phân phối như thế, liệu có công bằng đối với những người hâm mộ phải xếp hàng khác? Nếu làm việc kiểu này thì xây cái sân 100.000 chỗ ngồi cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì".

Đó là những chia sẻ của nhà báo Trương Anh Ngọc trên facebook cá nhân sau khi chứng kiến dòng người chen chúc mua vé trận VN- Malaysia hôm 11-11. Ý kiến này của Anh Ngọc đã nhận được hàng ngàn like và hàng trăm comment ủng hộ, chia sẻ.

SVĐ Mỹ Đình với sức chứa 40.000 chỗ ngồi, theo thông tin từ VFF,  đơn vị này chỉ bán được 3.700 vé qua trang bán vé trực tuyến: ticketonline.vff.org.vn trong suốt 10 ngày từ ngày 1  đến ngày 10- 11 vừa qua. VFF chỉ bán 9.000 vé cho người hâm mộ tại SVĐ Mỹ Đình sáng 11-11. 

Cứ cho là VFF dành đến 7.000 vé để trả quyền lợi cho Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), nhà tài trợ đội tuyển, vé biếu các VIP… thì số vé bán qua đường công văn cũng lên tới 20.000 vé. Có đến 800 công văn đến từ các Bộ, Ngành, doanh nghiệp, tổ chức đã gửi mua trước đó. 

Hiện nay, người dân không còn xa lạ với việc mua hàng online. Bất kể mặt hàng gì cũng được mua bán, thực hiện online. Thế nhưng vì sao việc mua bán vé bóng đá tại VN năm nào cũng phải xếp hàng, chen lấn gây mệt mỏi cho cả đôi bên ? 

Nguyên nhân chắc chắn đến từ cả người bán và người mua. Về phía VFF, đơn vị này chưa coi online đó là kênh bán vé chính trong mỗi giải đấu. VFF cũng chưa xây dựng được hệ thống phân phối vé online dễ dàng, hiệu quả. Nhưng nếu không có kinh nghiệm bán hàng online, VFF hoàn toàn có thể thuê một công ty công nghệ hỗ trợ việc này nếu thực sự muốn. 

Với người hâm mộ, tâm lý "sát ngày mới mua" là điều dễ thấy. Trong khi VFF đã bán vé online trước khi AFF Cup diễn ra thì người dân không mặn mà, phải chờ xem đội đá thế nào với tuyển Lào thì mới đi mua. Vì thế việc xếp hàng hoặc phải mua vé chợ đen là điều khó tránh khỏi. Còn khi xếp hàng, văn hóa chen lấn, xô đẩy khiến việc mua chiếc vé xem bóng đá trở thành "cực hình".

Mọi thay đổi cần thời gian và sự nỗ lực từ cả hai phía. Nhưng cách mà người ta đang mua bán vé bóng đá hiện nay mới thật đáng buồn. Có dịp ngồi tại phòng một quan chức VFF mới biết được nỗi khổ mà các vị này phải chịu đựng trước mỗi trận đấu. 

Máy điện thoại của vị này luôn "cháy" vì các cuộc điện thoại đến hỏi về vé ở các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, trợ lý của VIP, các hội CĐV… Xem qua danh sách nhận vé qua đường công văn thì thấy có Bộ, Tổng cục có vài đầu mối mua vé, mỗi vụ một công văn. 

Thậm chí có những VIP sát ngày trận đấu diễn ra vẫn yêu cầu "bố trí cho vài chục vé mời". Kinh khủng hơn nhiều vị đòi "biếu" chứ không chịu trả tiền. Ngày 11-11 vừa qua, thậm chí có những người tuyên bố là đại diện cho hội CĐV bóng đá VN cũng đến VFF đòi mua vài chục vé, khi ra về còn dọa nếu không mua được sẽ mang pháo sáng vào sân đốt.

"Chẳng có nước nào mà chỉ 1/4 số vé được bán trực tiếp cho người hâm mộ còn lại là bán qua đường công văn. World Cup FIFA cũng bán hầu hết vé online và không xảy ra tình trạng như ở VN. Tư duy quan hệ kiểu bao cấp khi bán vé qua đường công văn là điều tôi cực lực phản đối", nhà báo Anh Ngọc chia sẻ.

VFF phải thay đổi, phải dám "đương đầu" với những lời đề nghị kiểu "đặc quyền" từ các tổ chức, cá nhân với vé bóng đá. Còn người dân, nếu là người yêu bóng đá hãy tự tự bỏ tiền, tự mua vé vào sân xem đội tuyển thi đấu. Thay vì dùng những "đặc quyền" từ vị trí mình ngồi để có vé, hãy chỉ nên là người hâm mộ khi đến sân bóng.

Báo chí Thái Lan ngạc nhiên với cảnh chen chúc mua vé xem bóng đá ở VN Báo chí Thái Lan ngạc nhiên với cảnh chen chúc mua vé xem bóng đá ở VN

TTO - Cảnh tượng các cổ động viên Việt Nam chen chúc mua vé xem trận Việt Nam gặp Malaysia ở lượt trận thứ ba bảng A AFF Cup 2018 đã xuất hiện trên báo Thái Lan với không ít sự ngạc nhiên.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên