21/09/2014 05:08 GMT+7

Chuyện đi tìm mầm non cho bóng đá nữ VN

SĨ HUYÊN - HOÀI DƯ
SĨ HUYÊN - HOÀI DƯ

TT - Hơn 10 tuổi, các nữ cầu thủ nhí phải chấp nhận xa nhà để khởi đầu cho ước mơ trở thành một cầu thủ với biết bao khó khăn, bỡ ngỡ tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VN trực thuộc LĐBĐVN (VFF) ở Hà Nội.

30 học viên này thuộc dự án đào tạo bóng đá nữ dài hạn của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VN. Họ được tuyển chọn từ nhiều địa phương có phong trào bóng đá nữ phát triển như Hà Nội, TP.HCM, Hà Nam, Quảng Ninh, Sơn La, Quảng Nam, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Thái Bình, Thái Nguyên, Huế... và có mặt tại trung tâm từ đầu mùa hè 2014.

Theo lời quyền giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VN Trương Hải Tùng: “Các học viên vừa học đá bóng vừa học văn hóa chính quy để chuẩn bị làm lực lượng kế thừa cho đội tuyển quốc gia trong tương lai. Do mô hình đào tạo của Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG cho thấy tính hiệu quả nên trung tâm đang học tập và làm việc theo mô hình này”. 

Giọt nước mắt xa nhà

Có mặt trên sân tập ở trung tâm vào một buổi chiều, theo lời kể của ban huấn luyện, những ngày đầu đến trung tâm nhiều học viên đã khóc trong bữa ăn và đòi về nhà vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Ban huấn luyện ai cũng thấy xót cho những học viên nhí của mình.

Khuất trong nhóm học viên đang khởi động, Tăng Thị Diễm (quê Quảng Nam, 14 tuổi) người nhỏ thó và có vẻ hơi rụt rè so với các bạn đồng trang lứa chia sẻ: “Những ngày đầu đến trung tâm, em rất hay khóc vì nhớ gia đình. Tự nhiên nước mắt ứa ra vậy. Em nhớ mẹ cha không cho em đi vì sợ đi đá banh mà thua thì sau này làm cái gì cũng khó”. Kể đến đoạn cha mẹ không cho đi, mắt em lại rơm rớm.

Sự rụt rè khiến lời nói của các em đứt quãng và nghẹn ngào, khuôn mặt cúi gằm xuống. Diễm nhớ lại những ngày đầu: “Khi mới đến trung tâm, thức ăn ở đây khác so với ở quê nhà. Em chưa quen với nhịp sống và sinh hoạt trong một tập thể có nhiều người. Nhưng sau đó nhờ các cô trong ban huấn luyện động viên an ủi rồi cũng qua...”.

Các học viên gia nhập trung tâm khi còn quá nhỏ khiến phụ huynh các em không khỏi lo lắng. Do đó, trung tâm chỉ còn cách gầy dựng cho phụ huynh niềm tin bằng việc đài thọ kinh phí đi lại để cha mẹ học viên đến trung tâm, ở lại, ra sân xem các em sinh hoạt và tập luyện. Nhờ đó, phụ huynh yên tâm phần nào và các em cũng bớt nhớ nhà hơn khi sự liên lạc với gia đình diễn ra khá thường xuyên.

Những cô “bảo mẫu” bất đắc dĩ

Nhớ lại giai đoạn đầu khi các học viên nhí mới gia nhập trung tâm, các cô trong ban huấn luyện không đơn thuần chỉ dạy bóng đá mà còn trở thành những “bảo mẫu” bất đắc dĩ.Và rồi tình cảm đã giúp ba thành viên ban huấn luyện và cũng là ba cựu tuyển thủ quốc gia Minh Nguyệt (Hà Nội), Mai Lan (Than Quảng Ninh) và Hồng Hạnh (TP.HCM) kiên nhẫn tâm sự, chia sẻ, động viên an ủi mỗi khi các em khóc nhớ nhà, nhớ gia đình. Các cô bảo mẫu bất đắc dĩ này luôn phải nhắc nhở từng li từng tí trong sinh hoạt hằng ngày cho học trò vì có nhiều học viên chưa biết tự chăm sóc mình.

HLV Minh Nguyệt nhớ lại: “Chúng tôi phải tạo cho các em sự thân thiện nhất có thể, gần gũi, động viên và trêu đùa để các em quên đi nỗi nhớ gia đình. Chúng tôi thường kể cho các em nghe nhiều chuyện và luôn nhắc nhở rằng các em đến với bóng đá trước hết là vì yêu thích và điều đầu tiên phải làm được là đá quả bóng trúng đích”.

Nói về các HLV, học viên Cầm Thị Hiền (11 tuổi, quê Sơn La) nói: “Các cô luôn an ủi, chăm sóc rất nhiệt tình và thường nói rằng ở đây ai cũng như tụi em cả, mấy ngày đầu như vậy rồi sẽ quen, sẽ chơi với nhau được hết, rất vui cho xem. Lúc đầu em cũng thấy lạ lắm nhưng dần cũng quen và đã bắt đầu có nhiều bạn hơn”.

Sau vài tuần gia nhập trung tâm, các em đã trở nên mạnh dạn hơn và dần thích nghi được với cuộc sống cùng các học viên khác. HLV Minh Nguyệt nhận xét: “Mọi chuyện đã đi dần vào nề nếp, các em tập luyện có cố gắng và cũng đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Tôi tin đây sẽ là tương lai của bóng đá nữ VN”.

[box]Đôi nét về dự án đào tạo bóng đá nữ dài hạn

Ngoài những giờ tập luyện cùng trái bóng, các em còn được học văn hóa theo từng độ tuổi khác nhau, buổi tối các học viên còn được học thêm tiếng Anh. Tổng cục TDTT và VFF trợ cấp tiền ăn 150.000 đồng/ngày và tiền công lao động 150.000 đồng/ngày/người. Theo ông Trương Hải Tùng, tiền công lao động được trung tâm gửi trực tiếp về gia đình, các em chỉ giữ lại một phần nhỏ để tiêu vặt.

Trung tâm đài thọ chi phí cho các em về nhà trong kỳ nghỉ, dịp tết. Phụ huynh đến thăm con em sẽ được trung tâm bố trí chỗ ăn ở miễn phí. Ngoài ra, trung tâm còn lập diễn đàn cho các phụ huynh và sẽ đưa kết quả học tập hằng tháng của các em lên để gia đình tiện theo dõi.

Đầu tháng 10, trung tâm sẽ mời chuyên gia Trung Quốc sang huấn luyện cho các em. Nhiều khả năng đó sẽ là HLV Giả Quảng Thác, người từng nhiều năm gắn bó với đội nữ Hà Nội.

Sau khi kết thúc chương trình huấn luyện kéo dài khoảng 5-6 năm, các em sẽ được trả về thi đấu cho địa phương theo nguyện vọng cá nhân.

[/box]

SĨ HUYÊN - HOÀI DƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên