09/06/2012 07:44 GMT+7

Chuyện dân phe vé xem Euro

THẾ ANH (Từ Ukraine)
THẾ ANH (Từ Ukraine)

TT - Giờ G đã điểm nhưng tại phòng bán vé trước cổng sân Olympic ở thủ đô Kiev vẫn còn nhiều người tìm đến gõ cửa một cách may rủi... dù tấm bảng ghi “hết vé” được treo hơn nửa tháng nay.

tMqV4odB.jpgPhóng to
Một sinh viên VN đang “tác nghiệp phe vé” ở ký túc xá bằng cách chào hàng trên mạng - Ảnh: Thế Anh

Theo chân những người săn vé chợ đen, phóng viên Tuổi Trẻ đã khám phá nhiều điều trong giới “phe vé” ở Ukraine.

Học phí 20 euro

Đứng trước tấm bảng “hết vé” của quầy bán vé sân Olympic, sau một hồi thuyết phục cô nhân viên bán vé, anh Khakim đến từ Armenia chỉ nhận được những cái lắc đầu và lời xin lỗi kèm theo... Chung số phận với anh Khakim là nhóm bảy người Việt và một số CĐV Hà Lan.

Thất vọng, họ bèn tụ về những quán bia quanh sân Olympic để giải sầu. Sau vài câu chuyện làm quen, một cô nhân viên xinh xắn ở quán bia bày: “Các anh hãy tìm trên mạng của Ukraine, người ta bán vé nhiều lắm...”. Khakim bèn thực hành rồi ghi vội ra tay mấy số điện thoại. Cuộc gọi thứ nhất bất thành vì giá mỗi tấm vé hạng bét ở vòng loại được “hét” đến 250 euro. Cuộc gọi thứ hai khả quan hơn. Đầu dây bên kia là một giọng nam nói tiếng Nga lơ lớ. Vé được chào với giá 150 euro. Sau một hồi cò cưa, vé được chốt giá 50 euro... Người bán vé hẹn Khakim và chúng tôi đến cổng số 1 của nhà ga Kreschatik.

Sau hơn 15 phút đi bộ, chúng tôi đã có mặt đúng chỗ hẹn. Đối diện với Khakim là hai thanh niên vạm vỡ đến từ vùng Kavkaz. Họ vào chuyện nhanh gọn: “Đưa trước 20 euro cho mỗi vé, đợi ở đây năm phút sau chúng tôi mang vé tới”. Nhóm chúng tôi gồm chín người, mỗi người móc 20 euro rồi lui về một góc chờ đợi. Năm phút trôi qua, rồi 10 phút, 20 phút... nhưng chẳng thấy hai thanh niên kia quay lại. Kiên nhẫn chờ thêm một lúc, Khakim nói với chúng tôi: “Chắc bị lừa rồi, thôi bỏ đi...”. Nói xong, Khakim bắt tay chúng tôi và đi hút vào dòng người ở bến ga điện ngầm...

Hôm sau, nhóm chúng tôi trở lại khu trung tâm với hi vọng kiếm được chiếc vé chợ đen để vào sân. Ngang qua quán bia quen thuộc, chúng tôi lại thấy Khakim đang ngồi chung với một nhóm người đến từ Hàn Quốc và Đức. Gặp mặt, Khakim đưa tay chào rồi cười thân thiện: “Đã kiếm được vé chưa...?”.

Đợi cho Khakim dẫn đám người kia đi khuất, một thanh niên phục vụ người Ukraine đến nói với chúng tôi: “Hãy tránh xa tên đó, đó là một trong những tên chuyên lừa đảo du khách cần mua vé chợ đen đấy. Chiêu của chúng là la cà ở quầy bán vé rồi làm quen. Sau đó giả bộ cùng đi mua vé chung rồi bày trò để đồng bọn lừa du khách”. Lời người phục vụ vừa dứt, nhóm người Việt chúng tôi há hốc miệng rồi nhìn nhau cười... Một người bạn cùng nhóm đến từ Nga ra vẻ lạc quan: “20 euro cho một vở kịch. Cũng đáng lắm chứ...!”.

Chưa được vào sân nhưng nhiều du khách và CĐV đã được xem những vở kịch hoàn hảo của đám lừa đảo ở Kiev.

Lộ diện... đồng hương

Lần này, thử liên hệ qua các số điện thoại được rao trên mạng nhưng chúng tôi thận trọng hơn. Đầu dây bên kia là một người nói tiếng Nga theo âm giọng Ukraine khá chuẩn. Sau một hồi trao đổi cách thanh toán và giá cả, người bán vé làm chúng tôi giật mình: “Nói tiếng Việt đi mấy anh ơi... Cần bao nhiêu vé bọn em cũng có”.

Hơn 11g trưa, chúng tôi hẹn gặp người “phe vé” nói tiếng Việt ở một quán cà phê gần ga điện ngầm. Đó là một thanh niên lịch lãm, trắng trẻo. Anh tự giới thiệu: “Tôi tên Đông, sinh viên đang học ở Kiev. Các anh cần bao nhiêu vé cũng có nhưng chỉ còn vé hạng hai và hạng ba thôi. Chỗ đồng hương, tôi lấy rẻ mỗi vé 100 đôla”. Đem câu chuyện bị lừa hôm qua ra kể với Đông, anh cười: “Một nguyên tắc khi mua vé chợ đen là đừng quá tham rẻ vì có thể dính phải vé giả. Hai là cứ tiền trao cháo múc!”.

Đông kể: “Nghỉ hè nên tụi tôi tranh thủ kiếm thêm bằng việc bán vé chợ đen xem Euro để trang trải việc học. Nhóm tôi gồm năm sinh viên đến từ nhiều quốc gia. Vốn liếng chẳng được là bao nên phải mượn thêm bạn bè và gia đình để đầu cơ. Mỗi passport mua được bốn vé, sau đó chúng tôi nhờ thêm bạn bè người Ukraine đứng tên mua thêm để dành. Tính ra mỗi đứa tụi tôi bỏ hơn 5.000 USD để đầu cơ vé ở Euro 2012...”.

Theo lời Đông, mỗi vé hạng ba mua giá gốc chỉ độ khoảng 300 grivna nhưng hiện giá chợ đen lên đến 100 USD, tức mỗi vé lời hơn 60 USD. Còn vé hạng hai giá gốc 400-500 grivna, giá chợ đen đang được chào bán 150 USD, lời 80-100 USD. Không chỉ sinh viên VN, Mông Cổ, Trung Quốc, Uzbekistan... cả sinh viên gốc Ukraine cũng gia nhập đội quân “phe vé” ở Kiev để kiếm thêm.

Nhưng không phải vận may đều đến với tất cả. Theo lời Đông, do số khách nước ngoài đến Ukraine xem Euro 2012 ít hơn dự kiến nên nhiều sinh viên tập tành đầu cơ đang ngậm đắng nuốt cay do “ôm” quá nhiều vé. Còn sinh viên VN dùng chiến thuật “lời ít nhưng chắc” để bảo toàn đồng vốn ít ỏi. Vì vậy họ chỉ đầu cơ số ít, số còn lại đứng cửa giữa làm “cò” kiếm phần trăm từ các nhóm khác...

Câu chuyện đang giữa chừng, chuông điện thoại của Đông liên tục reo. Nhét xấp vé dày cộm vào lưng quần, Đông vội vã chào từ biệt và không quên dặn chúng tôi: “Nếu có người Việt qua xem bóng đá, các anh cứ giới thiệu, tôi sẽ trích 10% hoa hồng cho các anh...”.

THẾ ANH (Từ Ukraine)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên