01/06/2011 19:30 GMT+7

Chữa trị bệnh chàm mạn tính

ThS.BS LÊ THÁI VÂN THANH (giảng viên bộ môn da liễu ĐH Y dược TP.HCM)
ThS.BS LÊ THÁI VÂN THANH (giảng viên bộ môn da liễu ĐH Y dược TP.HCM)

TTO - Em năm nay 18 tuổi, đã bị chàm hơn 10 năm trên mặt bàn chân. Em đã chữa trị bằng nhiều cách nhưng không khỏi nên đã ngừng chữa trị trong 1 thời gian. Chỗ bàn chân giờ bị một mảng khá lớn, dày, cứng.

Gần đây, chỗ bàn chân bị ngứa, chảy nước và sau đó bệnh có triệu chứng lây lan ra nhiều vị trí trên cơ thể như cánh tay, đầu gối, ống chân, bụng, bàn chân và ở vùng âm hộ cũng có một vết sưng đỏ, cứng lên, bị tróc da, em nghĩ cũng là vết chàm.

Em đã đi khám và được bác sĩ kê đơn, cho một thuốc bôi dùng cho tất cả các vết và 4 thuốc uống: vitamin A, zolastyn, toconat và một thuốc viên màu vàng. Bác sĩ dặn em không nên sử dụng tất và kiêng nước nóng, đồ ngọt. Hiện em chưa dám nói với bác sĩ về vết chàm ở âm hộ vì ngại. Em muốn biết hiện nay em có thể dùng những phương pháp nào để chữa trị bệnh chàm mạn tính và một số lời khuyên để chăm sóc cơ thể? Em xin cảm ơn!

Bạn đọc

- Trả lời của phòng mạch online:

Theo mô tả thì đây là bệnh chàm. Chàm còn được gọi là viêm da thể tạng, một bệnh viêm da mạn tính, gây ngứa, do cơ địa, tái phát. Bệnh tác động đến 10 – 30% dân số.

Đặc điểm chủ yếu bao gồm ngứa và một bệnh sử mạn tính hay tái phát, với các thể lâm sàng điển hình theo lứa tuổi. Ở trẻ nhũ nhi và trẻ em, mặt, cổ, mặt duỗi chi là thường gặp, mặt gấp chi có thể có tổn thương nhưng chừa nách và bẹn.

Bệnh thường trong giai đoạn cấp với các mảng hồng ban, mụn nước, rỉ dịch, đóng mày. Ở người lớn, tổn thương chàm thường tại các nếp gấp, mặt duỗi chi. Bệnh thường trong giai đoạn mạn tính với các mảng da đỏ, dầy, tróc vẩy mịn trên bề mặt.

Các đặc điểm khác giúp chẩn đoán bệnh là khô da, khởi phát bệnh sớm, tiền sử gia đình bị dị ứng (thường là bên ngoại). Cơ địa dị ứng được giải thích qua các dấu hiệu như ngứa, dễ bị ngứa với các kích thích nhẹ, dễ sần đỏ da khi tồn tại các yếu tố có khả năng gây kích ứng da như nóng và ra mồ hôi (96%), vải sợi thô ráp (91%), stress cảm xúc (81%), thức ăn gây dãn mạch (49%), rượu (44%), nhiễm trùng hô hấp trên (36%), mạt bụi nhà (35%).

Các biện pháp phòng ngừa đứng ở góc độ bệnh nhân bao gồm:

TRÁNH YẾU TỐ NGUY CƠ

- Drap giường, bao gối, quần áo không được làm bằng len, vải thô

- Hút bụi nhà, vệ sinh đồ chơi và vật dụng trong phòng hằng tuần

- Tránh nóng, lạnh, khô

- Không dùng xà bông

- Giảm stress

- Không nuôi thú, chưng hoa tươi trong nhà

- Tránh thức ăn gây dị ứng như trứng, đồ lên men, đậu, sữa bò

- Ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin C, các acid béo không bão hòa omega-6 và omega-3, Probiotics (Lactobacilli, Bifidobacteria)

GIỮ ẨM DA

- Tắm nước nhiệt độ phòng, có thể với chất làm sạch nhẹ để tránh nhiễm trùng

- Bôi chất giữ ẩm ngay sau tắm hoặc ngay sau bôi các thuốc khác để bắt giữ nước cho da và giúp giảm mất nước qua da

- Các chất giữ ẩm: dầu giữ ẩm (Baby oil), gây bít tắt (petrolium, vaseline), giữ nước trên da (urea, amonium lactate), bổ sung lipids thiếu (ceramid kiềm hóa)

Theo như mô tả, tình trạng của bạn có thể có bội nhiễm vi trùng (vùng cẳng tay, cẳng chân) hoặc vi nấm (vùng âm hộ). Có nhiều phương thức điều trị khác nhau nên được tư vấn và theo dõi cẩn thận bởi bác sĩ chuyên khoa Da Liễu.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

ThS.BS LÊ THÁI VÂN THANH (giảng viên bộ môn da liễu ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên