11/01/2012 06:40 GMT+7

Chẳng bao lâu sẽ không còn di tích?

YÊN TÙNG
YÊN TÙNG

TT - Cuộc hội thảo khoa học “Xây dựng nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích ở Việt Nam” do Viện Bảo tồn di tích phối hợp với Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT&DL) tổ chức ngày 10-1 tại Hà Nội đã thật sự chạm vào chỗ bức xúc nhất trong thực trạng trùng tu, tôn tạo di tích hiện nay.

LXtBYh9W.jpgPhóng to
YLjidl5V.jpg
Trang trí trên đầu đốc di tích Trường Du tạ (Hoàng thành Huế) sau trùng tu là con dơi (trên), trong khi trước trùng tu là mặt rồng (dưới). Mái ngói cũng bị thay đổi từ ngói liệt thành ngói lưu ly - Ảnh: Thái Lộc

Còn nhớ cách đây vài năm, trong một số cuộc họp của những người trong cuộc, nhiều ý kiến đã nói thẳng cần phải xây dựng ngay đề án đào tạo nguồn nhân lực trong công tác thực thi quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích, nếu không thế hệ con cháu mai sau sẽ phải đón nhận những công trình di tích “giả”. Nhưng rồi mọi chuyện rơi vào im lặng. Và nay câu chuyện lại được xới lên, nhận được sự tán thưởng của nhiều nhà nghiên cứu, khoa học dù đã quá muộn.

KTS Lê Thành Vinh, viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tu bổ khiến di tích trở nên “méo mó”, biến dạng, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất chính là năng lực quản lý và thực thi công tác bảo tồn di tích còn hạn chế, không chuyên nghiệp.

Sự thiếu hụt đội ngũ chuyên nghiệp và những thao tác ứng xử thiếu chuyên nghiệp của những người có trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý, giám sát và thực thi công tác bảo tồn di tích đã dẫn đến chất lượng trùng tu không đảm bảo, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Vì thế, việc xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp và chuyên môn hóa lực lượng làm công tác bảo tồn di tích là việc làm hết sức bức thiết.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - PGS.TS Trần Lâm Biền, “các vị ngồi đây hay các trường đào tạo lực lượng làm công tác tu bổ thế nào mà khi xem qua những dự án cũng như đến thăm những di tích sau khi đã được trùng tu, tu bổ, tôi đều phát hiện những điểm sai. Có những chỗ sai hết sức ngớ ngẩn. Tôi khẳng định các di tích sau khi đã được trùng tu đều không đảm bảo 100% tính chân xác, tính nguyên gốc. Lỗi ở đâu? Chính là lực lượng làm việc này còn thiếu kiến thức ở nhiều lĩnh vực”.

Ông đề nghị đào tạo nguồn nhân lực không chỉ chú trọng đến đội ngũ thi công - đối tượng trực tiếp chạm vào cơ thể di tích - mà trước hết đào tạo từ “người thầy” - những người quản lý, thẩm định dự án trùng tu, tôn tạo di tích.

Là người có bề dày thâm niên trong quản lý bảo tồn di tích, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - thẳng thắn thừa nhận nhìn một cách nghiêm túc, có thể thấy nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích của nước ta phần lớn không được đào tạo chuyên sâu về bảo tồn.

Ông cũng chỉ thẳng với đà xã hội hóa bảo tồn di tích không được quản lý, kiểm soát như hiện nay cộng với lực lượng thiếu, yếu thì chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ không còn di sản theo đúng nghĩa của nó. Theo ông, giải pháp đầu tiên và không kém phần quan trọng chính là phải thống nhất nhận thức về quan điểm cũng như nguyên tắc trong trùng tu, tôn tạo di tích.

Bàn về một vấn đề lớn trong hoạt động bảo tồn di tích mà chỉ vỏn vẹn trong khoảng ba giờ chỉ mới xới lên vấn đề. Còn để tình hình được cải thiện, có lẽ cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ VH-TT&DL.

Theo quy định của Luật di sản văn hóa, các công ty, doanh nghiệp có chức năng trùng tu, tôn tạo di tích đều phải được Bộ VH-TT&DL cấp chứng chỉ hành nghề. Thế nhưng TS Từ Mạnh Lương - vụ phó Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ VH-TT&DL) - cho biết đến nay chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào được cấp chứng chỉ hành nghề trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích.

“Cần phải làm ngay việc này, nếu không các đơn vị đang trùng tu di tích đã vi phạm luật”. Tuy nhiên, đơn vị nào sẽ tổ chức đào tạo và cấp có thẩm quyền nào cấp chứng chỉ hành nghề vẫn chưa được làm rõ.

YÊN TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên