04/05/2016 13:53 GMT+7

"Cầu thủ nên hạn chế phản ứng thái quá"

NGUYÊN KHÔI thực hiện
NGUYÊN KHÔI thực hiện

TTO - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) Cao Văn Chóng đã bình luận như vậy về chuyện các đội phản ứng trọng tài trong 8 trận đấu vừa qua ở V-League lẫn Giải hạng Nhất quốc gia 2016.

Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng (trái) theo dõi một trận đấu ở V-League 2016. Ảnh: N.K

Mới nhất, ở vòng 8, tiền đạo Nguyễn Văn Toàn (Hoàng Anh Gia Lai) dùng hai tay đẩy vào ngực trọng tài chính Nguyễn Đức Vũ để phản ứng sau trận thua 1-2 trên sân FLC Thanh Hoá. Trước đó, HLV Lê Huỳnh Đức (SHB Đà Nẵng) cũng công khai chỉ trích trọng tài sau trận hoà B.Bình Dương 1-1 trên sân nhà ở vòng 7. Còn ở Giải hạng Nhất quốc gia 2016, CLB Đồng Nai tố bị trọng tài thổi ép hai trận liên tiếp trên sân  Huế (thua 1-2 ở vòng 2) và Phú Yên (hoà 1-1 vòng 3). Trong đó, đội trưởng Bật Hiếu và HLV Trần Bình Sự đã phản ứng trọng tài chính Đặng Quốc Dũng dữ dội ở trận đấu với Phú Yên.

Tuy nhiên, ông Chóng nhận xét: "Không riêng gì ba tình huống này mà nhiều tình huống tranh cãi khác đều được VPF xem xét thấu đáo và có phương án xử lý hợp tình hợp lý.

Có đến 90% các tình huống phản ứng trọng tài từ cầu thủ, HLV là không đúng. Số liệu này có thông kê hẳn hoi từ Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) qua nhiều mùa bóng chứ không phải con số cảm tính. Nhân đây tôi kêu gọi các CLB hãy tập trung vào chuyên môn để cống hiến tốt nhất cho khán giả của mình, hạn chế phản ứng thái quá”

* Có thông tin cho rằng VPF yêu cầu các HLV không phát biểu gì về trọng tài?

Tôi khẳng định hoàn toàn không có chuyện VPF cấm các HLV phát biểu về trọng tài và đến giờ này chưa có HLV nào phải nhận án phạt do phát biểu về trọng tài cả. Nhân đây cũng xin nói thêm là nhằm nâng cao chất lượng trao đổi thông tin, vừa qua VPF có nhắc nhở cán bộ truyền thông của CLB thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ của mình trong việc điều hành họp báo sau trận đấu. Tất cả nghiệp vụ của cán bộ truyền thông các CLB đều được chúng tôi tập huấn từ đầu mùa bóng nhưng một vài vòng đấu đầu tiên, việc họp báo sau trận có nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm túc, ví dụ như có HLV trưởng không tham gia họp báo... Sau khi chấn chỉnh thì chất lượng trao đổi thông tin đã tốt hơn rất nhiều.

* Bạo lực sân cỏ có vẻ đang trở lại khi số lượng thẻ vàng, thẻ đỏ tăng đột biến ở V-League lẫn Giải hạng nhất quốc gia 2016?

Số lượng thẻ vài vòng đấu vừa qua có gia tăng nhưng điều này không có nghĩa là có vấn đề bạo lực sân cỏ. Hầu hết các thẻ đều xuất phát từ những lỗi sơ đẳng như, kéo, xô đẩy hoặc ngăn cản cơ hội tấn công rõ ràng của đối phương. Rất nhiều thẻ đỏ do nhận hai thẻ vàng với những lỗi sơ đẳng như trên, chứ không phải thẻ đỏ trực tiếp do hành vi bạo lực. Chúng ta nên phân biệt đâu là hành vi bạo lực dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp và đâu là thẻ đỏ do hai thẻ vàng vì những lỗi sơ đẳng.

* Ông nói số lượng thẻ vài vòng đấu vừa qua có gia tăng nhưng điều này không có nghĩa là có vấn đề bạo lực sân cỏ. Vậy những trường hợp Văn Quyết (Hà Nội T&T) nhận thẻ đỏ vì đẩy ngã trọng tài Công Khanh trong trận đấu trên sân Sanna Khánh Hoà ở vòng 4, Minh Vương (HAGL) nhận thẻ đỏ sau khi trả đũa trung vệ Chí Công (Cần Thơ) ở vòng 6, Tấn Tài (Long An) nhận thẻ đỏ trực tiếp vì đánh nguội trong trận gặp Sài Gòn ở vòng 7, Ngọc Hải nhận thẻ Vàng thứ hai vì vào bóng thô bạo với Văn Toàn ở vòng 7,.... thì sao? Nó không phải là hành vi bạo lực?

Các pha phạm lỗi trên đều không phải là bạo lực. Đặc biệt trong một vài tình huống nêu trên đã nhận án phạt của ban kỷ luật VFF. Bóng đá phải có va chạm và phải có thẻ vàng thẻ đỏ, giải nào cũng như thế. Tôi xin nhắc lại là đến giờ này tôi không ghi nhận tình huống nào gọi là bạo lực cả.

* Khán giả đến sân trận trồi trận sụt. Nó có phải là điều lo lắng khác cho VPF trong việc đứng ra tổ chức giải? Ngoài ra, thống kê của VPF về số lượng khán giả đến sân có vẻ như luôn được tô hồng chứ không đúng với thực tế?

Khán giả là một trong những yếu tố quan trọng VPF nhắm tới, đó là một trong những thước đo rõ ràng nhất về chất lượng giải đấu. Mỗi trận đấu đều được các bộ phận chuyên môn thống kê nhưng tôi thừa nhận các số liệu này có sai số, điều này không quá khó hiểu khi còn nhiều sân phát hành vé mời không kiểm soát hoặc mở cửa tự do ở một vài khán đài nên việc thu thập số liệu còn khó khăn. Tuy nhiên, VPF không có chủ trương tô hồng số liệu để làm đẹp báo cáo, hơn ai hết chúng tôi cần số liệu trung thực nhất để phục vụ cho công tác thống kê, qua đó đưa ra những quyết sách chính xác để xây dựng giải đấu ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Xin cám ơn ông!

CLB Sài Gòn đã có hai trận đấu trên sân Thống Nhất kể từ khi đổi tên. Trong đó, trận thứ hai ít khán giả hơn trận ra mắt. Ông thấy sao về chuyện này?

Vấn đề chinh phục khán giả, tôi đã trao đổi nhiều với lãnh đạo CLB Sài Gòn từ trước khi họ chuyển vào TP.HCM, đây cũng là điều trăn trở lớn của CLB. Không thể đòi hỏi một sớm một chiều có thể nhận được sự tin yêu của khán giả nơi đây ngay lập tức, do đó lượng khán giả vòng vừa qua có ít đi cũng hết sức bình thường. CLB Hải Phòng hiện nay cũng được chuyển đến từ Khánh Hoà nhưng trận Hải Phòng gặp B.Bình Dương vừa qua đã đón nhận lượng khán giả cao kỷ lục: 28,000 người, chưa kể sân Lạch Tray các trận gần đây đều ổn định ở mức trên 15,000 đến 20,000 người mỗi trận. Làm được điều này, Hải Phòng đã mất khá nhiều thời gian để xây dựng và tôi tin CLB Sài Gòn cũng sẽ làm được và làm tốt hơn thế vì tình yêu bóng đá của người dân TP.HCM không thua kém bất cứ nơi nào. 

 

NGUYÊN KHÔI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên