20/08/2018 10:32 GMT+7

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần hướng đến doanh nghiệp nhiều hơn

NGOC AN
NGOC AN

TTO - Cuộc chạy đua về cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh dù bảo đảm về thời gian nhưng vẫn cần hướng đến việc đơn giản hóa về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần hướng đến doanh nghiệp nhiều hơn - Ảnh 1.

Đóng gói gạo xuất khẩu tại một công ty ở Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà NGUYỄN MINH THẢO, trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho biết như trên.

Cá biệt, vẫn có điều kiện kinh doanh (ĐKKD) sửa đổi theo kiểu đối phó và các bộ, ngành vẫn còn cài cắm lợi ích dưới danh nghĩa quản lý nhà nước.

Hiệu quả thực chất vẫn cần phải bàn

* Các bộ, ngành đều có phương án sửa đổi ĐKKD nhưng tỉ lệ cắt giảm mới được 15,2%. Theo bà, điều này có thực chất hay không?

- Nhìn chung, các bộ, ngành đã rà soát, lên phương án cắt giảm, sửa đổi các ĐKKD và hầu hết đã xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, trong đó đa số dự thảo đã trình Bộ Tư pháp thẩm định.

Riêng Bộ Công an đề xuất sửa riêng từng văn bản nhưng thời hạn thực hiện trong năm 2019, chứ không phải năm 2018.

Có thể thấy trong hai tháng gần đây, các bộ đã tích cực để đảm bảo thời hạn hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ.

Theo báo cáo của các bộ, hầu hết đạt chỉ tiêu cắt giảm 50%, song hiệu quả thực chất cần phải bàn vì các ĐKKD chung như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN), PCCC, lao động, môi trường... trong phần sửa đổi vẫn không cụ thể, thay vào đó là "quy định thực hiện theo pháp luật".

Các bộ, ngành cũng đã cắt bỏ các ĐKKD không rõ ràng như các điều kiện về phương tiện, trang thiết bị, nhân lực "phù hợp", nhưng cái bãi bỏ chủ yếu là các quy định chung, chỉ được cắt bỏ một phần nội dung hoặc cắt bỏ do trùng lắp.

Đa số ĐKKD được sửa có thể chỉ là sửa câu chữ hoặc sửa nội dung, nhưng chưa thực sự tạo sự đơn giản hóa về thủ tục hành chính cho DN.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần hướng đến doanh nghiệp nhiều hơn - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM - Ảnh: LÊ THANH

* Có nghĩa là các ĐKKD sửa đổi vẫn là chưa thực chất?

- Mặc dù theo báo cáo và phương án sửa đổi của các bộ thì đạt chỉ tiêu cắt giảm 50% ĐKKD, nhưng nhiều điều kiện nằm trong các văn bản luật và kế hoạch sửa luật chưa rõ ràng.

Trên thực tế vẫn còn nhiều ĐKKD không phù hợp, không cần thiết chưa được cắt giảm như các quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ bởi các cơ quan quản lý nhà nước...

Nhiều ĐKKD của các bộ quản lý vẫn chưa được cắt bỏ. Cá biệt có bộ thực hiện mang tính đối phó hơn là mục tiêu vì cải cách, vì DN, do đó chưa thể hiện được thực chất tinh thần "cắt giảm".

Các bộ vẫn muốn níu kéo lợi ích

* Có ý kiến cho rằng có những quy định được sửa đổi nhưng bị biến tướng, cài cắm lợi ích. Qua theo dõi việc sửa đổi các ĐKKD, bà nhìn nhận thế nào?

- Qua tìm hiểu sơ bộ các dự thảo nghị định sửa đổi nhiều nghị định về ĐKKD, chưa thấy rõ có các ĐKKD biến tướng đưa vào. Tuy nhiên, với các dự thảo nghị định sửa đổi riêng từng nghị định thì đúng là có tình trạng đó.

* Thủ tướng đã thúc giục rất nhiều và ra thời hạn yêu cầu các bộ sửa đổi, nhưng việc này diễn ra rất chậm chạp. Theo bà, đâu là nguyên nhân?

- Những bộ chậm thực hiện sửa đổi các ĐKKD là do một số nguyên nhân như người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức.

Đặc biệt, do có sự níu kéo về lợi ích, giữ lại một ĐKKD là giữ lại quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước, nên có tư tưởng bỏ ĐKKD này thì phải thay thế bằng ĐKKD khác. Sự níu kéo này chủ yếu ở cấp vụ, cục.

* Vậy theo bà, cần làm gì để thúc đẩy nhanh việc sửa đổi các ĐKKD?

- Thời gian qua, những chỉ đạo kiên quyết, mạnh mẽ, liên tục của Thủ tướng, tổ công tác của Thủ tướng đã tạo sức ép buộc các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các ĐKKD.

Đây là một giải pháp phù hợp trong bối cảnh các bộ chần chừ cải cách. Bên cạnh đó, cần phải đề cao đến chất lượng cải cách các quy định về ĐKKD.

Do đó, nên kết hợp nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, trong đó tiếp tục triển khai các việc như chỉ đạo mà tổ công tác của Thủ tướng đã làm.

Cụ thể, cần có bộ phận chuyên gia, cơ quan nghiên cứu độc lập bình luận, nhận xét, phản biện cũng như đưa ra các giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực.

Bộ phận này rất có ý nghĩa và quan trọng để phản biện vì các bộ, ngành thường lập luận rằng họ đưa ra ĐKKD là do yêu cầu về quản lý nhà nước mang tính kỹ thuật đối với các lĩnh vực chuyên ngành.

Khánh Hòa xử lý 16 khách sạn không đủ điều kiện kinh doanh Khánh Hòa xử lý 16 khách sạn không đủ điều kiện kinh doanh

TTO - 16 khách sạn tại Khánh Hòa chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự vẫn đón khách với công suất phòng trung bình hơn 50%, chủ yếu là khách quốc tế đang bị xử lý.

NGOC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên