11/01/2019 09:32 GMT+7

Cần phát triển bóng đá cộng đồng

SĨ HUYÊN ghi
SĨ HUYÊN ghi

TTO - Gần đây, nhiều trung tâm bóng đá cộng đồng do các cựu danh thủ thành lập hoạt động trên khắp mọi miền đất nước. Có thể gọi đây là nguồn bổ sung sinh lực khá tốt cho bóng đá VN.

Cần phát triển bóng đá cộng đồng - Ảnh 1.

Cựu tuyển thủ Vũ Như Thành hướng dẫn học viên nhí làm quen với động tác vượt chướng ngại vật - Ảnh: ANH HOÀNG

Nhưng đâu là sự khác biệt giữa bóng đá cộng đồng với các lò đào tạo cầu thủ chính quy? Và đây là giải thích của các cựu danh thủ:

* Cựu danh thủ PHAN THANH BÌNH:

Bóng đá cộng đồng vui là chính

Lý giải về điều này, cựu tuyển thủ Phan Thanh Bình và cũng là người thành lập Trung tâm bóng đá Kis’d Ball Đồng Tháp cho rằng: "Bóng đá cộng đồng là sân chơi giúp các em được vui đùa thỏa thích với trái bóng, tăng cường sức khỏe và giao lưu với nhau sau những giờ học văn hóa. Đó là khác biệt cơ bản nhất với các lò đào tạo bài bản nhằm hướng cầu thủ trở thành chuyên nghiệp sau tuổi 18...".

Ngoài ra, hầu hết các bậc phụ huynh đều cho biết: "Chúng tôi đưa con em đến với bóng đá cộng đồng nhằm mục đích chính tạo cơ hội cho con mình có sân chơi hữu ích. Nhưng điều chúng tôi hài lòng nhất là những trò chơi vận động như thế giúp con em mình giảm thiểu rất nhiều thời gian cầm máy tính, điện thoại di động để chơi game...".

* Cựu tuyển thủ VŨ NHƯ THÀNH:

Mong muốn kết nối với trường học

"Trung tâm bóng đá cộng đồng mang tên Star Football của chúng tôi từ 10 em ban đầu đã tăng chóng mặt với 500 học viên vào thời điểm hiện tại. Đây là hiệu ứng từ việc bóng đá VN thành công tại VCK U-23 châu Á, Asiad 2018 và mới nhất là vô địch AFF Cup 2018. Do đó, bóng đá VN cần phải duy trì "bệ phóng" này để tình yêu bóng đá của các em và phụ huynh ngày càng nảy nở hơn. Đây chính là chân đế cho bóng đá VN trong tương lai.

Kế đến, chúng tôi luôn mong muốn đưa bóng đá cộng đồng đến với trường học, đó là đối tượng mà chúng tôi đang nhắm tới vì số lượng học sinh yêu bóng đá rất hùng hậu. Nhưng vấn đề là sự kết hợp như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất. Nói vậy bởi làm việc với trung tâm, chúng tôi có toàn quyền tự quyết. Nhưng khi liên kết phát triển phong trào với trường học sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh như cơ sở vật chất, học phí, thời gian huấn luyện...

Hiện chúng tôi đang mày mò tìm cách liên kết với các trường học. Vì vậy, chúng tôi cũng rất cần sự mở lòng và nhiệt thành từ ban giám hiệu hay ngành giáo dục để học sinh có thêm sân chơi bổ ích. Hi vọng mọi khó khăn sẽ được khai thông trong một ngày không xa, để bóng đá học đường phát triển rộng và mạnh hơn".

Hai nhà vô địch AFF Cup 2008 Vũ Như Thành cùng Phan Thanh Bình cũng "khoe" đã giới thiệu gần chục em có đầu quân cho các lớp năng khiếu chính quy của: PVF (Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN), Than Quảng Ninh, Thanh Hóa, Juventus Vũng Tàu, Đồng Tháp. Từ đây, cả hai cùng ao ước sẽ tạo được liên kết với các học viện bóng đá trên cả nước, với mục tiêu giúp nhau phát triển nhằm tìm kiếm những tài năng cho bóng đá nước nhà.

Để bóng đá VN vươn tầm châu lục

Diễn đàn "Để bóng đá là môn thể thao quốc gia" do báo Tuổi Trẻ tổ chức từ ngày 17 đến 22-12-2018, sau khi đội tuyển VN vô địch AFF Cup 2018, đã nhận được nhiều ý kiến, hiến kế từ bạn đọc, chuyên gia, HLV, cầu thủ.

Tiếp nối câu chuyện này cùng với ý tưởng từ bạn đọc Lê Long Sơn - tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai, người đã đề xuất ý tưởng với báo Tuổi Trẻ về việc tổ chức diễn đàn nói trên, hôm nay (11-1) tại Hà Nội, báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc tọa đàm "Để bóng đá là môn thể thao quốc gia" với sự tham gia của các lãnh đạo ban ngành (Bộ Văn hóa, thể thao & du lịch, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & đào tạo, LĐBĐ VN), các chuyên gia, HLV, cầu thủ, cựu cầu thủ, cựu HLV… tâm huyết với bóng đá VN.

Nhiều câu hỏi liên quan của bạn đọc cũng sẽ được các chuyên gia, khách mời giải đáp trong tọa đàm này.

(MINH HUỲNH)

Điểm khởi nguồn: bóng đá phong trào

Đóng góp ý kiến cho diễn đàn, bạn đọc Nguyễn Sinh (TP.HCM) viết: "Một nền bóng đá chuyên nghiệp chỉ có thể phát triển khi nó có một chân đế thực sự bền vững. Trong trường hợp này, bóng đá phong trào được xem là điểm khởi nguồn bởi đây cũng là nơi cung cấp đầu vào cho các lò đào tạo, đồng thời tạo sức lan tỏa đến quần chúng.

Do đó, nhất thiết phải đặt ra những mục tiêu cụ thể cho bóng đá phong trào trong những năm sắp tới. Ví dụ, cần phát triển mạnh bóng đá học đường; đưa môn bóng đá (và cả futsal) vào trường học dưới hình thức sinh hoạt ngoại khóa, phát triển số lượng các CLB bóng đá trường học, tổ chức các giải thi đấu dành cho bóng đá học đường trên phạm vi khu vực và toàn quốc, hỗ trợ về chuyên môn cho các giải bóng đá phong trào trong cả nước; đào tạo phát triển đội ngũ HLV, trọng tài, vận động viên bóng đá phong trào.

Nếu chúng ta làm tốt công tác đào tạo trẻ, phát triển tốt các mô hình học viện bóng đá, tổ chức tốt hoạt động bóng đá phong trào... tôi cho rằng đây sẽ là sức bật giúp bóng đá VN vươn lên trong tương lai".

SĨ HUYÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên