09/09/2020 10:59 GMT+7

Cần những chương trình dài hơi hỗ trợ startup Việt

CÔNG NHẬT - VŨ THỦY
CÔNG NHẬT - VŨ THỦY

TTO - 'Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp như Tuổi Trẻ Golf Tournament for Startup không chỉ khơi gợi cảm hứng khởi nghiệp mà còn là cơ hội để các bạn trẻ có thể tiếp cận với các nhà đầu tư'.

Cần những chương trình dài hơi hỗ trợ startup Việt - Ảnh 1.

Các thành viên hội đồng chuyên môn nhận hoa từ ông Trần Xuân Toàn (bìa phải, ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ) tại sự kiện tổ chức sáng 8-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là chia sẻ của ông Trần Thanh Tú - chủ tịch Tập đoàn Thái Bình, chủ tịch Hội Golf TP.HCM - tại buổi họp hội đồng thẩm định chọn ra các startup tiêu biểu năm 2020. 

Ông Tú cũng nói thêm: "Từ đây, các doanh nghiệp như chúng tôi có thể tham gia đầu tư vào các dự án khởi nghiệp chất lượng".

Lựa chọn startup khả năng tạo cảm hứng, tạo động lực

Thành viên hội đồng thẩm định gồm: ông Phạm Phú Ngọc Trai (chủ tịch GIBC), ông Trần Thanh Tú (chủ tịch Hội Golf TP.HCM), chủ tịch Tập đoàn Thái Bình), ông Don Lam (CEO VinaCapital), bà Lê Diệp Kiều Trang (sáng lập viên quỹ Alabaster), ông Ngô Minh Hải (chủ tịch Hội LHTN VN TP.HCM), nhà báo Trần Xuân Toàn (ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ).

Ông Trần Xuân Toàn cho biết nhiệm vụ chọn 25 gương mặt startup tiêu biểu từ danh sách gồm nhiều gương mặt khởi nghiệp thú vị được gửi về là rất thử thách vì phải làm sao chọn được câu chuyện truyền cảm hứng khởi nghiệp lẫn có tiềm năng, để hướng đến câu chuyện góp phần tạo ra quốc gia khởi nghiệp.

Theo ông Ngọc Trai, tiêu chí tuyển chọn startup tạm chia làm 3 dạng: startup non trẻ nhưng có sự sáng tạo hoặc ý tưởng đột phá; startup đã mang lại kết quả, có tính khả thi cao và có khả năng thuyết phục nhà đầu tư; cuối cùng là những startup mà người thực hiện đã có trải nghiệm, có niềm tin vào ý tưởng của mình, dù có lỗ, có lãi nhưng vẫn tiếp tục theo đuổi hoài bão của mình. 

"Các startup được lựa chọn nên có sự hài hòa và thể hiện rõ ba tiêu chí trên. Các startup vừa phải có tính động lực, truyền cảm hứng khởi nghiệp nhưng cũng mang tính khả thi và thuyết phục nhà đầu tư. Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư lựa chọn đầu tư cho tương lai, những startup có lợi nhuận chưa chắc họ đã đầu tư. Do đó động lực vẫn là cái chính", ông chia sẻ thêm.

Không khí buổi họp đầy sôi nổi nhưng cũng không ít căng thẳng với các câu hỏi được đặt ra từ các thành viên hội đồng chuyên môn: Sản phẩm đã thương mại hóa chưa? Liệu ý tưởng có thực tiễn hay không? Có bền vững hay không? 

Các chuyên gia, khách mời đều tỏ ra quan tâm đặc biệt tới các startup ứng dụng công nghệ vào giải quyết các vấn đề môi trường, nông nghiệp cũng như các vấn đề cộng đồng.

Hỗ trợ startup bằng cách nào?

Ông Ngọc Trai đề xuất báo Tuổi Trẻ cùng các đơn vị liên quan góp phần thực hiện một dự án viết sách để liệt kê các câu chuyện thành công, thất bại, những sóng gió khởi nghiệp. 

"Tại Mỹ có những trung tâm về khởi nghiệp mà mỗi khi có ý tưởng người ta sẽ tìm kiếm xem đã có khởi nghiệp nào trước đó như vậy chưa. 

Ở Việt Nam, các bạn trẻ cứ lụi cụi khởi nghiệp và ý tưởng trùng nhau rất nhiều. Những cuốn sách như vậy không chỉ chia sẻ những thành công, thất bại, những bài học mà còn để tránh trùng lặp, để các bạn trẻ có sự lựa chọn ý tưởng", ông nói thêm.

Ông Don Lam tiếp lời với đề xuất báo Tuổi Trẻ có thể thực hiện một chuỗi gồm 12 chương hoặc chủ đề riêng biệt, để từ đó các startup trẻ phần nào hình dung được các vấn đề thường gặp trong khởi nghiệp, giải pháp gợi ý từ người đi trước...

Dựa vào các yếu tố như tính khả thi - bền vững, có sự khác biệt và tính công nghệ, tầm nhìn... hội đồng chuyên môn đã chọn ra sáu startup được quan tâm nhất và theo đó có khả năng cao sẽ nhận được sự đầu tư. 

Đồng thời từ các startup đã được lựa chọn, hội đồng cũng đã biểu quyết để chọn ra một giải đặc biệt. Startup được trao giải đặc biệt sẽ được trao giải thưởng trị giá 100 triệu đồng cùng cơ hội tiếp cận các quỹ đầu tư.

Tuổi Trẻ tiếp tục hỗ trợ start-up năm 2020

Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các start-up tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng một số đơn vị tổ chức giải Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2020.

Đây cũng là hoạt động nhằm kỉ niệm 75 năm Quốc Khánh nước CHXHCN Việt Nam, 89 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 45 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ.

Hơn 25 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên các ấn phẩm của báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 7 đến tháng 9-2020. Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những ý tưởng này sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng.

Thông qua Hội đồng thẩm định, BTC sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí vào đêm Gala 18-9 tại sân golf Long Thành, với sự đồng hành của các đơn vị, như Golf Long Thành, HD Bank, nhãn Trà Xanh Không độ, Quỹ VinaCapital Ventures, CP ĐT&TM Thái Bình, Hội Gôn TP.HCM (SGGA), IDICO, Tân Thuận... (khoản 20- 25 start-up sẽ được trao bằng khen + giải thưởng 20 triệu đồng, trong đó, có 1 start-up được trao giải đặc biệt với bằng khen + giải thưởng lên tới 100 triệu đồng).

Các startup, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: golfforstartup @tuoitre.com.vn.

Golf for Start-up: Tiếp sức cho các nhà khởi nghiệp trẻ Golf for Start-up: Tiếp sức cho các nhà khởi nghiệp trẻ

TTO - Minh Thông cho rằng hành trình khởi nghiệp luôn cần 3 điều tối quan trọng, gồm vốn, sự khích lệ và kinh nghiệm từ những tiền bối. Bạn nhìn thấy những điều này đều có trong chương trình trên của báo Tuổi Trẻ.

CÔNG NHẬT - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên