12/03/2024 09:05 GMT+7

Cam kết nói không với thực phẩm bẩn

Sự kiện sáu hệ thống phân phối tự nguyện cùng ký cam kết siết chất lượng hàng tươi sống tại TP.HCM được nhiều chuyên gia đánh giá cao.

Người dân mua thực phẩm tươi sống ở siêu thị - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người dân mua thực phẩm tươi sống ở siêu thị - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tất nhiên, số doanh nghiệp tham gia cam kết phân phối sản phẩm sạch như trên vẫn còn rất nhỏ nhoi. Trên địa bàn TP này hiện có hàng chục nghìn siêu thị, cửa hàng tiện lợi kinh doanh thực phẩm.

Vậy vì sao nhiều đơn vị không mặn mà tham gia thỏa thuận? Họ không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng hay sợ trách nhiệm?

Dù với lý do gì đi nữa thì người dân vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. Bởi chừng nào chưa quyết liệt bắt tay hành động loại trừ thực phẩm bẩn thì chừng ấy người dân vẫn còn sống trong âu lo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, bà Phạm Khánh Phong Lan, giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cũng cho rằng dù công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đã được cải thiện nhưng vẫn còn rất gian nan, đặc biệt tình trạng chợ tự phát bùng nổ khắp nơi.

Nhưng thực tế chuyện thực phẩm bẩn không chỉ ở các chợ. Năm 2022, báo Tuổi Trẻ đã có loạt bài điều tra "Phanh phui rau VietGAP dỏm" - loạt bài cho thấy lỗ hổng rất lớn trong việc kiểm soát, quản lý của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, từ đó tạo điều kiện cho nhà cung cấp làm bậy, đưa sản phẩm thiếu an toàn vào bán. Sự thật trên khiến nhiều người tiêu dùng "chết đứng" khi đặt niềm tin nhầm chỗ trong một thời gian dài.

Do đó, xét về mặt tích cực, việc tham gia thỏa thuận siết chặt chất lượng lần này cũng là cách để siêu thị lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng, cũng là cách thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng.

Lâu nay, chúng tay hay có quan điểm người dân phải là những người tiêu dùng thông minh, nhưng với tình trạng thực phẩm bẩn đang bao vây như thế, để làm người tiêu dùng thông minh liệu có dễ?

Hay nhiều quan điểm cho rằng chất lượng hàng hóa ở siêu thị tốt hơn, người dân trả tiền nhiều hơn nên có quyền đòi hỏi chất lượng. Nói vậy, ở những chợ truyền thống, người dân không có quyền đòi hỏi thực phẩm chất lượng và an toàn?

Rõ ràng, trách nhiệm tìm kiếm "hàng sạch" trước hết phải là cơ quan nhà nước, thông qua quyền hạn của mình, phải có nghĩa vụ làm trong sạch môi trường, dẹp bỏ sản phẩm bẩn. Và hàng sạch, an toàn không chỉ ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mà phải hướng đến, thậm chí bắt buộc phải có ở khắp nơi.

Riêng siêu thị và nhà cung cấp phải làm thật sự nghiêm túc vì đây là cách bảo vệ thương hiệu, bát cơm của chính mình. Bởi trong bối cảnh thông tin mạng xã hội phủ sóng như hiện nay và cam kết "lan tỏa thông tin" từ thỏa thuận, chỉ cần một sự cố là thương hiệu sẽ bị thiệt hại không nhỏ, thậm chí phá sản.

Xét về câu chuyện thỏa thuận, mục tiêu là tích cực. Nhưng đã thỏa thuận, sẽ không thể tránh khỏi tình trạng doanh nghiệp tham gia thiếu đồng bộ hoặc tham gia với tư tưởng nửa vời, thiếu nghiêm túc.

Do đó, chúng ta phải tính toán làm sao để tiến tới việc khẳng định "liên kết loại bỏ sản phẩm bẩn là nghĩa vụ của doanh nghiệp, là thực thi quy định pháp luật".

Dù rất quyết tâm thực hiện chương trình này nhưng lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận vẫn có tâm lý "sợ thất bại" vì khó khăn sẽ rất nhiều, cần sự chung tay đồng hành xuyên suốt của các ngành, lĩnh vực khác.

Đã đến lúc cả xã hội hãy cùng quyết liệt nói không với thực phẩm bẩn, vì sức khỏe và sự an toàn đối với người dân.

2.100 người ngộ độc, 28 người chết mỗi năm, báo động thực phẩm bẩn2.100 người ngộ độc, 28 người chết mỗi năm, báo động thực phẩm bẩn

Năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc, 28 người tử vong.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên