02/04/2014 19:31 GMT+7

Cải thiện mối quan hệ nhà nước - công dân

MINH QUANG - C.V.KÌNH thực hiện
MINH QUANG - C.V.KÌNH thực hiện

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Đinh Văn Minh, phó viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ - TTCP), đã nêu ra những nhận định trên khi đánh giá về dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, mới được TTCP đưa ra lấy ý kiến góp ý của nhân dân.

kQbpZHQt.jpg
Ông Đinh Văn Minh - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Minh cho biết:

- Trách nhiệm giải trình là vấn đề rất quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Bởi vì khi đã nói đến Nhà nước của dân, do dân và vì dân thì dĩ nhiên mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân phải rất cởi mở và thân thiện, Nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết công việc của người dân và người dân có quyền yêu cầu Nhà nước thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của mình để đảm bảo quyền và lợi ích của họ. Trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ như vậy, Nhà nước phải đưa ra các trình tự thủ tục rõ ràng minh bạch, làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên cũng không thể tránh khỏi trong quá trình thực hiện các công việc nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, khúc mắc. Trong những trường hợp như thế thì Nhà nước và đặc biệt là đội ngũ cán bộ công chức phải nhanh chóng giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân. Khi người dân có thắc mắc thì cán bộ, công chức có trách nhiệm phải giải trình cho họ biết, hiểu về những vấn đề nảy sinh.

* Đây là lần đầu tiên một quy định cụ thể yêu cầu cơ quan nhà nước phải giải trình với người dân. Việc đặt ra trách nhiệm này ở thời điểm hiện tại có mục đích như thế nào?

- Chúng tôi quan niệm việc tăng cường đối thoại là một bước đi ban đầu để ngăn chặn khiếu nại, tố cáo không cần thiết. Đôi khi người dân không hiểu thì họ sẽ đi khiếu nại trong khi nếu ngồi bàn thảo với nhau thì họ được cơ quan nhà nước hướng dẫn và sẽ hạn chế được tình trạng khiếu nại, tố cáo. Trên thực tế, chúng tôi giải quyết khiếu nại tố cáo thấy có nhiều trường hợp người dân thiếu thông tin hoặc không hiểu về các vấn đề nên dẫn đến khiếu nại. Trong khi nếu có giai đoạn để người dân và cơ quan nhà nước đối thoại thì sẽ giải quyết được vấn đề. Nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành sẽ nhằm vào các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập là những cơ quan đứng ra giải quyết những việc liên quan trực tiếp đến người dân, đến các tổ chức, doanh nghiệp.

* Người dân có quyền yêu cầu những cơ quan nào giải trình và phạm vi yêu cầu là những vấn đề nào, thưa ông?

- Theo quy định, người dân, tổ chức có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan hành chính nhà nước giải trình và cao nhất là đến các bộ ngành, cơ quan ngang bộ. Nội dung yêu cầu giải trình phải liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải trình. Ở đây chỉ khuôn lại nội dung yêu cầu giải trình là liên quan đến lợi ích, quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình thì cơ quan nhà nước mới đủ khả năng trả lời được. Tất cả đều nhằm vào giải quyết những việc liên quan đến đời sống dân sinh, ví dụ như các vấn đề về đất đai, điện nước, thủ tục đăng ký, thuế, hải quan...

* Theo dự thảo thông tư, người dân chỉ có quyền yêu cầu giải trình những việc liên quan trực tiếp đến họ. Như vậy là bó hẹp vì nếu người dân phát hiện một quan chức lương thấp nhưng tài sản khủng, họ không thể yêu cầu cơ quan chức năng giải trình?

- Đúng. Thông tư này chỉ nhằm giải quyết những việc liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân. Những vấn đề liên quan đến quy định chung cũng không liên quan đến thông tư này. Ví dụ dân thấy quy định này không tốt, liên quan đến vấn đề nọ, vấn đề kia thì họ sẽ phải sử dụng quyền khác đã được quy định, như quyền phản ánh, khiếu nại, kiến nghị… Trong mối quan hệ người dân - Nhà nước có rất nhiều cấp độ khác nhau, và mỗi kênh, mỗi quy định sẽ giải quyết theo những phương thức riêng cho phù hơp. Nếu không yêu cầu giải trình được, người dân có quyền tố cáo hay thực hiện nhiều quyền khác...

* Để góp phần chống tiêu cực, theo ông, có nên bổ sung dự thảo cho phép người dân có quyền yêu cầu giải trình những nội dung liên quan trực tiếp tới họ, hoặc liên quan đến lợi ích cộng đồng? Như thế sẽ bớt “bó”?

- Đó cũng là một ý kiến, chúng tôi sẽ cân nhắc xem như thế nào. Nhưng có thể điều này liên quan đến phản ánh nhiều hơn. Sửa quy định này có thể liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật khác. Thông tư về trách nhiệm giải trình này chỉ là một phần để góp vào việc cải thiện mối quan hệ Nhà nước - công dân.

* Theo quy định, trong thời gian bao lâu cơ quan bị yêu cầu giải trình phải trả lời hoặc giải trình với người yêu cầu, thưa ông?

- Trước hết trong 5 ngày khi nhận được yêu cầu giải trình, cơ quan đó phải trả lời có nhận hay không nhận yêu cầu này. Có thể cơ quan đó thấy rằng yêu cầu này thuộc thẩm quyền của mình thì sẽ thụ lý, trả lời sẽ giải trình theo trình tự, thủ tục. Nhưng cũng có thể trả lời việc này thuộc những nội dung không giải trình, ví dụ như việc anh đến thắc mắc với tôi thì trước đó anh đã kiện ra tòa hoặc khiếu nại tố cáo rồi; hoặc ngay việc đó có bản án, có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền rồi. Hoặc những trường hợp thuộc về bí mật nhà nước theo quy định thì không phải giải trình.

Sau khi thụ lý yêu cầu giải trình, các cơ quan hoặc người có thẩm quyền (thủ trưởng đơn vị hoặc người được ủy quyền) có 15 ngày để trả lời, giải trình với người đưa ra yêu cầu. Nếu vấn đề phức tạp thì cũng không được kéo dài quá 15 ngày nữa. Quan điểm giải trình ở đây là tạo sự đối thoại cởi mở, hiểu biết lẫn nhau. Còn sau khi đối thoại anh không hài lòng thì anh có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị... vì còn rất nhiều quyền khác. Nhưng bước đầu việc giải trình nhằm mục đích trao đổi thông tin vì nó tăng cường quan hệ giữa dân và Nhà nước.

* Như vậy sau khi có yêu cầu giải trình, người dân sẽ được đối thoại như thế nào?

- Có hai cách để nhận được giải trình. Thứ nhất là cơ quan nhận được yêu cầu sẽ giải trình trực tiếp, cụ thể là trao đổi để tăng cường đối thoại, giải thích nhưng vẫn phải có biên bản để hai bên ký vào. Thứ hai là cơ quan nhà nước sẽ có văn bản trả lời trong thời gian quy định. Trong trường hợp sử dụng văn bản thì công khai bằng nhiều hình thức như niêm yết tại trụ sở cơ quan giải trình hoặc đăng tải trên báo giấy, báo nói, báo hình, báo điện tử... Chúng ta đang trong xu hướng công khai minh bạch nên việc đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng là việc làm công khai để nhiều người dân biết. Điều này còn mang lại hiệu quả có khi cùng một vấn đề nhưng sẽ trả lời được cho nhiều người. Ngoài ra, điều này cũng nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan phải giải trình vì khi công khai thì nhiều người biết, người ta sẽ thấy anh giải trình có thấu đáo không, có đầy đủ trách nhiệm hay không.

* Dự thảo thông tư được đưa ra lấy ý kiến nhân dân chưa cụ thể hóa các nội dung về chế tài. Điều này liệu có làm cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước sẽ không đạt mục tiêu như kỳ vọng?

- Tất cả mọi vấn đề đã có quy định đều có chế tài và không nhất thiết phải nêu trong thông tư. Ở đây, chế tài nằm trong chế độ kỷ luật công vụ, công chức. Khi đã quy định trở thành một trách nhiệm trong cơ quan nhà nước thì khi anh vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định về cán bộ, công chức. Để làm được điều này thì trong thông tư có quy định về công tác thanh kiểm tra. Theo đó, các cơ quan quản lý cấp trên định kỳ hoặc đột xuất có thể thực hiện các cuộc thanh kiểm tra ở cơ quan đó, kiểm tra xem năm nay anh đã nhận được bao nhiêu yêu cầu giải trình, trả lời được bao nhiêu, làm theo yêu cầu thủ tục nào... có biên bản không, có công khai minh bạch không... Qua những việc thanh kiểm tra sẽ đánh giá được ý thức trách nhiệm của anh trong yêu cầu giải trình, từ đó có thể xem xét về kỷ luật công chức.

MINH QUANG - C.V.KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên