18/07/2021 18:10 GMT+7

Các tỉnh miền Tây trước giờ G đồng bộ giãn cách theo chỉ thị 16

S.LÂM - K.TÂM - K.NAM - K.ANH
S.LÂM - K.TÂM - K.NAM - K.ANH

TTO - Các tỉnh vốn đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 từ trước như Long An, Đồng Tháp thì không xảy ra nhiều biến động. Tuy nhiên, các tỉnh bắt đầu giãn cách xã hội thì việc mua sắm đang diễn ra tấp nập.

Các tỉnh miền Tây trước giờ G đồng bộ giãn cách theo chỉ thị 16 - Ảnh 1.

Các chốt kiểm soát trên địa bàn tỉnh Long An tiếp tục được yêu cầu siết chặt việc kiểm tra đi lại - Ảnh: AN LONG

Người dân Sóc Trăng, Kiên Giang tranh thủ mua hàng tích trữ

Tại Sóc Trăng, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, đến chiều 18-7, cảnh buôn bán tại chợ trung tâm vẫn nhộn nhịp không thua không khí mua sắm dịp tết. Các mặt hàng bán chạy nhất vẫn là trứng vịt, mì gói, khô các loại, cam, chanh, gừng, sả, khoai lang…

Dù chưa thấy xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhưng giá các mặt hàng cũng bắt đầu "nhảy" lên, tăng từ 10 - 30%, trong đó trứng vịt tăng hơn gấp đôi, khoảng 49.000 đồng/chục.

Trong khi đó tại Kiên Giang đến chiều cùng ngày các tuyến đường cửa ngõ ra vào vẫn thông thoáng, không xảy ra tình trạng ùn tắc vì vướng thủ tục. Tuy nhiên tại các khu vực trên toàn tỉnh từ 3 ngày nay đã diễn ra tình trạng người dân ùn ùn kéo nhau đi mua gom hàng hóa.

Các tỉnh miền Tây trước giờ G đồng bộ giãn cách theo chỉ thị 16 - Ảnh 2.

Người dân đang đi mua sắm khá đông tại các chợ truyền thống ở Kiên Giang vào chiều 18-7 - Ảnh: KHOA NAM

Mặt hàng được mua gom nhiều nhất vẫn là mì ăn liền, tuy nhiên mặt hàng này giá chỉ tăng nhẹ, thậm chí không tăng so với ngày thường do nguồn cung dồi dào. Riêng mặt hàng rau củ quả tươi giá tăng gấp 2, 3 lần so với ngày thường do lượng người mua để dự trữ quá đông.

Việc mua gom rau củ chủ yếu diễn ra vào buổi sáng, tới buổi chiều thì nhiều quầy bán rau vẫn còn khá nhiều bắp cải, rau lá xanh đổ chất đống chờ người mua, cho thấy vẫn chưa có sự thiếu hụt về loại lương thực này.

Chỉ có tại các cửa hàng bán sữa, tã phục vụ nhu cầu trẻ em, lượng người mua khá đông đã dẫn đến việc giá tăng nhẹ từ 5-10% tùy nơi bán.

Tương tự tại tỉnh Bạc Liêu, chiều cùng ngày người dân vẫn lưu thông khá nhiều trên các tuyến đường sau khi tỉnh này áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 từ 0h ngày 19-7.

Theo quy định, Bạc Liêu chỉ dừng các chợ tự phát, còn các chợ truyền thống vẫn hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội. Và hiện tại, các chợ truyền thống tại tỉnh này đang có số lượng người đi mua hàng nhiều hơn ngày bình thường.

Tuy nhiên, chưa ghi nhận cảnh chen chúc nhau mua hàng và các mặt hàng trong chợ đều khá dồi dào, không có tình trạng khan hiếm thực phẩm.

Trước tình hình người dân có xu hướng mua hàng tích trữ, chính quyền các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang... liên tục có thông điệp chỉ đạo khuyến cáo người dân không nên đổ xô mua hàng vì nguồn cung dồi dào không thiếu hàng hóa.

Các tỉnh miền Tây trước giờ G đồng bộ giãn cách theo chỉ thị 16 - Ảnh 3.

Chợ tại TP Bạc Liêu tấp nập người mua vào chiều 18-7 nhưng lượng hàng hóa vẫn khá dồi dào - Ảnh: KIM ANH

Tiếp tục siết chặt chỉ thị 16 tại các tỉnh đang áp dụng

Chiều 18-7, UBND tỉnh Long An ra văn bản thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo chỉ thị 16 trong vòng 14 ngày kể từ 0h ngày 19-7. Theo đó, ngoài việc thực hiện các nguyên tắc cách ly từ gia đình với gia đình trở lên, tỉnh này cũng yêu cầu tạm dừng tất cả các hoạt động, dịch vụ trên địa bàn, kể cả các chợ truyền thống.

Long An cũng yêu cầu hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân, tạm dừng vận chuyển hành khách công cộng, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất… và các hoạt động khác theo kế hoạch phối hợp hoặc thông báo của UBND các tỉnh, thành phố.

Tỉnh này cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn người dân có thể đến mua thực phẩm chế biến sẵn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đang hoạt động hoặc đặt hàng thông qua các ứng dụng công nghệ, hỗ trợ cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày bằng các hình thức phù hợp như tổ chức lực lượng tình nguyện viên của Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên hỗ trợ "đi chợ thay", trực tiếp đặt hàng qua điện thoại tình nguyện viên và giao trực tiếp đến các đối tượng nêu trên, hoặc chủ động cung cấp các suất ăn miễn phí cho người già neo đơn, người bệnh và các đối tượng khác.

Ngoài ra, các yêu cầu khác chủ yếu được Long An yêu cầu thực hiện theo như các yêu cầu trong quá trình áp dụng chỉ thị 16 tại TP Tân An và 4 huyện này từ trước.

Còn tại Đồng Tháp, tỉnh có số lượng người mắc COVID-19 chỉ sau TP.HCM (đến trưa 18-7 đã phát hiện 1.257 trường hợp dương tính) vốn đã thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 từ 0h ngày 14-7.

Trong cùng ngày, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các chợ và doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh này.

Tính đến nay, Đồng Tháp đã có 42 chợ trên tổng số 182 chợ toàn tỉnh ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Còn đối với các doanh nghiệp, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu phải phối hợp với ngành y tế test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho tất cả công nhân đã đăng ký thực hiện "3 tại chỗ" trước khi triển khai phương án, đồng thời yêu cầu tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch khác đã được hướng dẫn.

Tây Ninh áp dụng chỉ thị 16 từ 0h 18-7, sớm nhất trong 16 tỉnh phía Nam Tây Ninh áp dụng chỉ thị 16 từ 0h 18-7, sớm nhất trong 16 tỉnh phía Nam

TTO - Xác định là địa phương có nguy cơ cao bùng phát dịch COVID-19, chiều 17-7, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đã quyết định cho tỉnh thực hiện giãn cách xã hội 14 ngày theo chỉ thị 16 kể từ 0h đêm nay.

S.LÂM - K.TÂM - K.NAM - K.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên