11/12/2020 10:37 GMT+7

Các CLB bóng đá ở Đông Nam Á: Sống dựa vào ai?

HOÀI DƯ
HOÀI DƯ

TTO - Câu hỏi này được đặt ra sau khi một số CLB chuyên nghiệp ở Việt Nam đang lâm vào cảnh lao đao, và cả đứng bên bờ vực giải thể vì khó khăn tài chính do dựa dẫm chủ yếu vào nguồn ngân sách nhà nước hoặc các ông bầu.

Các CLB bóng đá ở Đông Nam Á: Sống dựa vào ai? - Ảnh 1.

Sự đầu tư của tỉ phú Newin Chidchob đã biến Buriram thành thế lực của bóng đá Thái Lan

Tháng 11 vừa qua, báo cáo của LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) cho biết dù chỉ có 10 CLB được cấp phép chuyên nghiệp nhưng VN là quốc gia có nhiều CLB chuyên nghiệp thứ 2 ở Đông Nam Á sau Thái Lan (11 CLB), Malaysia và Indonesia lần lượt xếp sau với 8 và 6 CLB.

Malaysia khó khăn chẳng kém VN

Bóng đá Đông Nam Á hiện đối diện cơn khủng hoảng tài chính do đại dịch COVID-19 gây ra. Và những CLB có cấu trúc thiếu vững mạnh sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Giữa tháng 4-2020, HLV Bojan Hodak, người từng nhiều năm gắn bó với bóng đá Malaysia, nhận định các CLB ở Malaysia nói riêng và Đông Nam Á nói chung có thể phải giải thể sau đại dịch COVID-19. Theo ông Hodak, các CLB ở Đông Nam Á, cụ thể ở Malaysia, thường không thể tự chủ về tài chính khi sống "ký sinh" chặt chẽ vào các ông bầu, một số phụ thuộc duy nhất hoặc phần lớn vào ngân sách địa phương. 

Trong bối cảnh dịch bệnh, do ngân sách được dùng để chống COVID-19 nên không thể dành "chăm lo" cho bóng đá. Khi nguồn tài chính này bị cắt hoặc sụt giảm, các CLB không có doanh nghiệp (hoặc các ông bầu) đứng sau lưng sẽ "chết".

Dự đoán của ông Hodak hoàn toàn chính xác. Sau khi mùa bóng 2020 kết thúc, hai CLB của Malaysia là Felda United và UKM FC gặp ngay vấn đề về tài chính và không đủ điều kiện dự Giải vô địch Malaysia (M-League) mùa sau. 

Felda và UKM FC là hai trong số nhiều CLB tại Malaysia liên tục "kêu gào" về tài chính trong suốt giai đoạn M-League phải nghỉ vì dịch. Vấn đề của bóng đá Malaysia cũng tương tự VN, rất ít CLB kiếm được tiền từ bán vé và đồ lưu niệm.

Trong khi đó, ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Malaysia không thể biến M-League thành giải đấu thành công về mặt thương mại. Do M-League không đủ sức hút nhà tài trợ, có vị thế quá yếu nên các đội bóng ở Malaysia không thể dựa dẫm để đương đầu với khó khăn.

Thái Lan: từ chịu ảnh hưởng của những tỉ phú...

Giải vô địch Thái Lan (Thai-League) được xem là giải bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu châu Á. Những năm qua, bóng đá Thái Lan cố gắng hướng theo mô hình của Nhật Bản. Điều đó được thể hiện thông qua cách tổ chức Thai-League, phong cách cổ vũ trên khán đài, sự vận hành ở CLB...

Tuy nhiên, các CLB Thái Lan vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các ông "bầu". CLB Buriram, đội bóng cũ của tiền vệ Lương Xuân Trường, là ví dụ tiêu biểu nhất. Chủ sở hữu CLB này là tỉ phú Newin Chidchob, người đã dùng tiềm lực tài chính hùng mạnh của ông biến Buriram thành một trong những thế lực của bóng đá Thái Lan.

Trong rất nhiều bài viết trên báo Thái Lan, ông Newin Chidchob được ca ngợi như người đã biến tỉnh lẻ buồn ngủ Buriram trở thành trung tâm bóng đá sôi động nhất nhì Thái Lan. Nếu không có Newin Chidchob, Buriram có thể còn rất lâu mới xuất hiện trên bản đồ bóng đá Thái Lan.

... đến mong muốn "lấy bóng đá nuôi bóng đá"

Một CLB khác cũng "thay da đổi thịt" nhờ sự đầu tư cá nhân là Thai Port. Sau năm 2012, Thai Port rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và phải xuống hạng vì sự tranh chấp quyền sở hữu kéo dài. 

Nhưng sau khi được nữ doanh nhân Nualphan Lamsam (hay được gọi với tên thân mật là Madame Pang) tiếp quản, Thai Port đã chuyển mình mạnh mẽ. Đội bóng này giờ là một trong những CLB mạnh ở Thái Lan.

Việc các CLB Thái Lan bám chặt vào "túi tiền" của các doanh nhân chưa thể tạo ra sự vững chắc về tương lai. 

Tuy nhiên, khác với những quốc gia Đông Nam Á khác, các CLB ở Thái Lan đang khát khao bước lên chuyên nghiệp triệt để và cảnh nương nhờ túi tiền các tỉ phú cũng chỉ tạm bợ. Hầu hết các tỉ phú khi đến tiếp quản CLB đều muốn hướng đến mô hình "lấy bóng đá nuôi bóng đá".

Điều này giúp Thai-League có sự thương mại hóa mạnh mẽ, giá trị giải đấu và sự thu hút vượt xa các giải đấu khác trong khu vực.

Học cách làm của Bali United

Tháng 4-2019, CLB Bali United của Indonesia đã trở thành đội bóng đầu tiên của quốc gia này và Đông Nam Á bước lên sàn chứng khoán.

Cách làm của Bali United có thể mở đường cho các CLB Đông Nam Á đi theo. Ngoài việc giúp tài chính được minh bạch hơn, việc mua bán cổ phiếu có thể để CĐV nhà được góp tay xây dựng đội bóng họ yêu thích.

Khi CĐV là chủ đội bóng

Ở châu Âu, mỗi nước khác nhau sẽ có quy định khác nhau về việc sở hữu một đội bóng. Vậy ai là người có quyền quyết định ở các CLB này?

cdv duc ngay 10-12 1(read-only)

Ở Đức, người hâm mộ cũng là ông chủ đội bóng - Ảnh: Bundesliga

"Luật 50+1" gắt gao của Đức

Điều cơ bản nhất của luật này là không cho phép các "nhà đầu tư thương mại" sở hữu quá 49% cổ phần đội bóng. Và 51% hoặc cao hơn phải thuộc về đội bóng hoặc của người hâm mộ.

Nếu CLB nào không đáp ứng được tiêu chí này, họ sẽ không được tham dự các giải đấu, trong đó có Giải vô địch Đức (Bundesliga). Chẳng hạn với Bayern Munich, CLB nắm giữ 75% cổ phần thông qua tên gọi FC Bayern Munchen eV, 3 chủ sở hữu còn lại gồm Adidas, Audi và Allianz chia nhau mỗi bên 8,33%.

Theo ban tổ chức Bundesliga: "Điều này nhằm ngăn chặn những nhà đầu tư tư nhân được nắm toàn quyền đội bóng và đưa ra những quyết định đi ngược với lợi ích mong muốn của CĐV". Nhờ "Luật 50+1", các CĐV có quyền tham gia các quyết định của CLB. Thậm chí tiếng nói của họ có trọng lượng nhất nhờ nắm ít nhất 51% cổ phần.

Tây Ban Nha: hai cách sở hữu

Mô hình sở hữu bởi người hâm mộ (dưới dạng thành viên, còn gọi là socios) từng phổ biến ở các CLB Tây Ban Nha.

Nhưng đến năm 1992, Chính phủ Tây Ban Nha thông qua đạo luật yêu cầu các CLB chuyên nghiệp phải đăng ký dưới dạng "công ty trách nhiệm hữu hạn". Đạo luật này đã biến các CLB thành một doanh nghiệp, từ bỏ cách vận hành bởi socios vốn được đánh giá không đem lại hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên đạo luật này cũng có ngoại lệ đối với trường hợp của Real Madrid, Barcelona, Athletic Bilbao và Osasuna. Theo đó, đạo luật quy định những đội bóng có lợi nhuận trong vòng 5 năm liên tục trước năm 1992 sẽ được giữ nguyên cách vận hành sẵn có.

Nhờ đó, La Liga được chia làm hai về cách thức sở hữu. Việc Real Madrid hay Barcelona vẫn thành công với cách làm cũ được lý giải bởi họ có lượng CĐV khổng lồ và sẵn sàng chi tiền để trở thành các socios.

Theo thống kê từ Medium, hiện Real Madrid đang có lượng socios lên đến hơn 90.000 người. Và ước tính có khoảng 50.000 người khác đang phải "xếp hàng" chờ được xét tư cách thành viên.

Một khi đã trở thành socios, họ sẽ được hưởng những quyền lợi ưu tiên như việc mua vé vào sân, được tham dự cuộc bầu cử chủ tịch CLB thông qua hình thức bỏ phiếu. Với Barcelona, ước tính lượng socios của họ vào khoảng 100.000 người.

Anh: CLB lệ thuộc vào các ông chủ

Chẳng hạn trường hợp của Chelsea khi được sở hữu bởi tỉ phú người Nga Roman Abramovich. Ông nắm phần lớn cổ phần của đội bóng, nghĩa là có quyền quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

Nhìn chung ở Anh, các ông chủ vẫn nắm quyền chính ở CLB. Tuy nhiên, các chủ sở hữu sẽ khó lạm quyền và đưa ra các quyết định "kỳ cục".

Một phần nguyên nhân đến từ giá trị lớn của đội bóng, các hợp đồng thương mại, bản quyền... mang về lợi nhuận khổng lồ, nên những quyết định sai lầm có thể khiến họ thiệt hại nặng về tài chính.

ĐỨC KHUÊ

Sóng gió ở Giải hạng nhất 2021 Sóng gió ở Giải hạng nhất 2021

TTO - Việc Giải hạng nhất 2021 dời ngày khai mạc sang tháng 4 (trước đó là tháng 1-2021) đã giúp ban tổ chức giải có thêm thời gian đối phó với sóng gió khi có nhiều đội hiện còn chưa biết số phận của mình.

HOÀI DƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên