18/04/2020 11:45 GMT+7

Các CLB bóng đá ở Đông Nam Á: Đau đầu chuyện giảm lương cầu thủ

HOÀI DƯ
HOÀI DƯ

TTO - Giảm lương cầu thủ là giải pháp trực tiếp giúp các CLB giảm bớt thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra. Dù vậy, nó nảy sinh không ít vấn đề, thậm chí còn khiến mối quan hệ giữa cầu thủ và CLB xấu đi.

Các CLB bóng đá ở Đông Nam Á: Đau đầu chuyện giảm lương cầu thủ - Ảnh 1.

Các cầu thủ Melaka đồng ý giảm lương sau nhiều tháng bị CLB nợ lương - Ảnh: MFC

Báo Jakarta Post (Indonesia) cho biết các giải bóng đá chuyên nghiệp tại Indonesia sẽ trở lại từ ngày 1-7. Điều này đồng nghĩa các cầu thủ sẽ thất nghiệp ít nhất 3 tháng nữa.

Indonesia: cho phép CLB cắt lương cầu thủ

Theo tờ này, Hiệp hội Bóng đá Indonesia (PSSI) công khai cho phép các CLB được cắt lương của cầu thủ và nhân viên từ tháng 3 đến tháng 6 với điều kiện là "hai bên cùng vui vẻ". Được PSSI bật đèn xanh, một số CLB ở Indonesia nhanh chóng giảm lương cầu thủ.

Cực đoan nhất phải kể đến CLB Persita Tangerang (thi đấu ở Giải vô địch Indonesia), khi ban lãnh đạo CLB thông báo sẽ trả đủ lương tháng 3 và chỉ trả 10% lương các tháng 4, 5, 6 cho cầu thủ. "Việc hoãn Giải vô địch Indonesia ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính của CLB. 

Vì vậy, chúng tôi buộc phải thích nghi để đảm bảo CLB vẫn hoạt động" - đại diện CLB Persita Tangerang, ông Nyoman Suryanthara nói. 

Với quyết định giảm lương như trên, CLB Persita Tangerang không thể đạt được mục tiêu "hai bên cùng vui vẻ".

Cầu thủ "sốc"

Trên báo Bola (Indonesia), thủ môn 26 tuổi Annas Fitrianto cho biết anh bị "sốc" trước quyết định giảm lương của CLB. 

Tuy nhiên, Fitrianto chẳng thể làm gì hơn ngoài việc cầu cho đại dịch sớm trôi qua. Theo thống kê của trang Salary Expert, những cầu thủ bậc trung như thủ môn Fitrianto có thể nhận mức lương khoảng 22 triệu đồng/tháng (tính theo tiền VN). 

Như vậy, trong ba tháng 4, 5 và 6, Fitrianto chỉ có thể nhận 2,2 triệu đồng/tháng, một con số quá thấp.

Khác với Indonesia, ở Malaysia, việc giảm lương gặp phải sự chống đối quyết liệt của Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp (PFAM). Tuy nhiên, PFAM cũng không thể ngăn được các CLB thực hiện việc giảm lương cầu thủ. 

Theo báo chí Malaysia, bất chấp lời khuyên từ PFAM, các cầu thủ hai CLB Johor Darul Ta'zim và Universiti Kebangsaan Malaysia FC (UKM) đã tiên phong đồng ý giảm lương.

Đồng ý giảm lương kiểu "bia hơi kèm mồi"

Là đội bóng nổi tiếng của Malaysia với nhiều ngôi sao trong đội hình, CLB Johor Darul Ta'zim nhanh chóng "thấm đòn" COVID-19 vì quỹ lương khổng lồ. 

Trong khi đó, UKM có kinh phí hoạt động eo hẹp bậc nhất Malaysia nên việc cắt lương cầu thủ (phần nhiều là sinh viên) được xem là cần thiết.

Trong khi đó, báo The Star (Malaysia) cho biết dịch COVID-19 khiến ba CLB Melaka, Kedah và Penang lâm vào cảnh nợ lương cầu thủ. 

Để giải quyết khó khăn cùng CLB, đội trưởng Safiq Rahim tuyên bố anh cùng các đồng đội sẽ giảm lương từ tháng 4 với điều kiện CLB Melaka phải trả đủ tiền lương tháng 2 và 3 còn nợ. Melaka là CLB thứ ba ở Malaysia công khai giảm lương cầu thủ.

Sự "tự nguyện" của thủ lĩnh Safiq và các cầu thủ Melaka được xem là bất ngờ, bởi trước đó PFAM và cựu chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Malaysia (FAM) Tunku Ismail Sultan Ibrahim kêu gọi các cầu thủ không nhượng bộ nếu CLB của họ nợ lương. 

Tuy nhiên, Safiq và các đồng đội bắt buộc phải chấp nhận giải pháp "bia hơi kèm mồi" nói trên để... được CLB trả lương.

Các CLB ở Thái Lan sợ bị kiện

Trong cuộc họp ngày 14-4 vừa qua, Hiệp hội Bóng đá Thái Lan (FAT) cho biết Giải vô địch Thái Lan (Thai-League) sẽ trở lại vào tháng 9 và các cầu thủ sẽ thất nghiệp thêm 4-5 tháng nữa.

FAT cũng đề xuất các CLB có thể cắt giảm tối đa 50% lương cầu thủ trong những tháng nói trên căn cứ trên tình hình doanh thu.

Theo truyền thông Thái Lan, có thể dễ dàng thuyết phục các cầu thủ nội giảm lương trong khi ngoại binh "khó nói chuyện" hơn. Ban tổ chức Thai-League và FAT lo sợ các CLB có thể gặp vấn đề về kiện cáo khi giảm lương các cầu thủ.

Theo SMM Sport (Thái Lan), các CLB ở Thai-League cũng đang đề xuất gói cứu trợ hàng chục triệu baht cho các cầu thủ trong mùa dịch. Nếu điều này được thông qua, các cầu thủ ở Thai-League sẽ bớt khó khăn.

Nhiều CLB nhỏ ở Đông Nam Á sẽ phá sản? Nhiều CLB nhỏ ở Đông Nam Á sẽ phá sản?

TTO - Nếu dịch COVID-19 kéo dài, các CLB nhỏ trên thế giới nói chung và các đội bóng ở Đông Nam Á nói riêng sẽ đối diện với tương lai nghiệt ngã và không loại trừ nguy cơ bị khai tử.

HOÀI DƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên