11/01/2024 20:53 GMT+7

Các ban ngành họp khẩn vẫn không gỡ được vụ hàng trăm giảng viên bị nợ lương

UBND tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng để tìm giải pháp giải quyết vụ hàng trăm giảng viên Trường đại học Quảng Bình bị nợ lương.

Trường đại học Quảng Bình - nơi có hàng trăm giảng viên đang bị nợ lương 8 tháng - Ảnh: QUỐC NAM

Trường đại học Quảng Bình - nơi có hàng trăm giảng viên đang bị nợ lương 8 tháng - Ảnh: QUỐC NAM

Liên quan đến vụ hàng trăm cán bộ, giảng viên thuộc Trường đại học Quảng Bình bị nợ lương đến 8 tháng qua, UBND tỉnh này đã triệu tập các ban ngành liên quan để cùng tìm giải pháp tháo gỡ.

Khoanh nợ là cách tạm thời mà trường bắt buộc phải thực hiện để ngăn số nợ tăng thêm mỗi tháng.

Không thể vay mượn ngân sách để gỡ việc nợ lương

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Vượng - hiệu trưởng Trường đại học Quảng Bình - cho biết hiện nhà trường có 99 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, 2 người hưởng lương diện thu hút và 138 viên chức, người lao động hưởng lương do Nhà trường tự chủ chi trả.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, ông Vượng vẫn chưa đưa ra được giải pháp giải quyết việc nợ lương này.

"Hiện nay trường đang nợ lương người lao động theo hợp đồng gần 8 tỉ đồng. Như vậy, mỗi tháng trường này cần thu vào 1,1 tỉ đồng mới có thể chi trả đủ các khoản nhưng do sinh viên quá ít nên không có nguồn thu" - ông Vượng bất lực.

Trường đã từng đề xuất Sở Tài chính phương án vay, mượn hoặc tạm ứng tiền để chi trả số lương đang nợ.

Tuy nhiên, ông Phạm Quang Long - giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Bình - khẳng định việc này là trái quy định nên không thể thực hiện. "Trong năm 2024, trường giảm được bao nhiêu biên chế để tiết kiệm quỹ lương. Dự toán lương 2024 đã được giao về cho trường, nhà trường có thể lấy số tiền chênh lệch để trả lương cho số nợ lương của năm trước", ông Long đưa ra gợi ý.

Khuôn viên của Trường đại học Quảng Bình những năm gần đây sinh viên vô cùng thưa thớt - Ảnh: QUỐC NAM

Khuôn viên của Trường đại học Quảng Bình những năm gần đây sinh viên vô cùng thưa thớt - Ảnh: QUỐC NAM

Cũng tại cuộc họp, phương án cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng đã được đưa ra. Tuy nhiên hiện trường đang nợ luôn tiền bảo hiểm của người lao động, nên ông Nguyễn Minh Tuấn - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh - cũng lắc đầu.

"Trong tháng 1 này nếu nhà trường có các quyết định thôi việc và đóng bảo hiểm xã hội thêm 1 tháng - khoảng 500 triệu đồng cho người lao động thì có thể giải quyết", ông Tuấn cho hay.

Không thể để giảng viên không có Tết

Chủ tịch Công đoàn Trường đại học Quảng Bình cũng có mặt tại cuộc họp. Theo người này, nợ lương 2 - 3 tháng người lao động còn gắng được, chứ nợ đến 7 - 8 tháng thì người ta bức xúc cũng là điều bình thường.

Người này cho biết công đoàn đã phải động viên cán bộ, giảng viên chia sẻ khó khăn với nhà trường thì họ mới chấp nhận nợ đến 7 tháng. "Ít nhất trước Tết người lao động cần một tháng lương để người ta giải quyết những vấn đề tối thiểu nhất của cuộc sống của họ", người này đề xuất.

Ông Hồ An Phong - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - nói hiện chưa có giải pháp để gỡ việc nợ lương ngoài việc khoanh nợ. "Nhưng có hàng trăm người Tết này là không có gì. Cả cơm gạo áo tiền, lo cho con ở đâu? Có chính sách xã hội gì để hỗ trợ không?", ông Phong hỏi.

Cũng theo ông Phong, tỉnh Quảng Bình những năm qua đều hỗ trợ hộ nghèo mỗi hộ 1 triệu đồng để ăn Tết.

Những giảng viên này không phải hộ nghèo nhưng vấn đề là người ta không có thu nhập. Nên phải có một nguồn nào đó ngoài ngân sách để động viên khi Tết sắp đến.

Về việc này, đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình cho biết đã có kế hoạch phân bổ cho ĐH Quảng Bình 70 suất quà hỗ trợ trong dịp Tết.

"Trong phiên chợ 0 đồng thì chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm khoảng 100 suất quà khác, mỗi suất 300.000 đồng để hỗ trợ một phần khó khăn cho người lao động ở đây", lãnh đạo này nói.

99 người hưởng lương ngân sách cũng bị nợ

Tại cuộc họp, ông Vượng xác nhận không chỉ 138 cán bộ, giảng viên theo diện tự chi trả của trường bị nợ lương 8 tháng mà 99 người trong diện hưởng lương từ ngân sách cũng bị nợ lương tháng 12.

Nguyên nhân của việc này là vì kế toán của trường đã tắc trách, không chủ động trước đề xuất bổ sung sớm khi thực hiện đợt tăng lương giữa năm vừa qua.

Về việc này, ông Phong chỉ đạo các ngành liên quan cho trường ứng trước khoảng 2,5 ti đồng kinh phí bồi dưỡng giáo viên phổ thông năm 2024 để tạm chi trả cho người lao động trước dịp Tết Nguyên đán năm 2024.

Hàng trăm giảng viên bị nợ lương 8 tháng, gần Tết bị báo nợ thêm 3 thángHàng trăm giảng viên bị nợ lương 8 tháng, gần Tết bị báo nợ thêm 3 tháng

Hàng trăm cán bộ, giảng viên tại Trường đại học Quảng Bình đang quay quắt vì bị nợ lương suốt 8 tháng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên