26/02/2020 23:41 GMT+7

Bức thư chia tay đượm buồn nhưng đầy động lực của Sharapova

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO – Sau 28 năm gắn bó cùng quần vợt, Maria Sharapova đã nói lời tạm biệt. Đó không phải một dòng tweet ngắn ngủi trên Twitter hay một cuộc họp báo, một trận cầu chia tay, một sự kiện đình đám.

Bức thư chia tay đượm buồn nhưng đầy động lực của Sharapova - Ảnh 1.

Tay vợt người Nga Maria Sharapova - Ảnh: REUTERS

Đó là một bài viết dài chứa đầy cảm xúc, những niềm vui và nỗi buồn. Cả cuộc đời ngôi sao quần vợt người Nga như được tái hiện qua những dòng chữ mộc mạc.

Tuổi Trẻ Online xin dịch lại thông điệp của Sharapova trên Vanity Fair:

"Làm cách nào bạn bỏ lại sau lưng cuộc đời duy nhất mà mình từng biết? Làm thế nào bạn rời khỏi sân đấu mà bạn đã luyện tập từ lúc còn là một cô gái bé bỏng, bỏ lại trò chơi mà bạn yêu thích – vốn mang tới cho bạn những giọt nước mắt chảy ngược và niềm vui không nói nên lời, một môn thể thao nơi bạn tạo ra một gia đình, cùng với người hâm mộ sau lưng mình trong hơn 28 năm qua?

Tôi chưa bao giờ như thế cả nên xin hãy tha thứ. Quần vợt ơi, gửi lời tạm biệt.

Nhưng, trước khi chúng ta đến điểm kết thúc, hãy để tôi bắt đầu. Lần đầu tiên tôi nhớ mình trông thấy một sân bóng quần vợt là lúc cha tôi đang chơi ngay trên sân đó. Tôi 4 tuổi khi ở Sochi, Nga, còn nhỏ xíu nên đôi chân bé bỏng của tôi treo lủng lẳng trên hàng ghế tôi ngồi. Tôi bé tới mức cây vợt tôi nhặt bên cạnh còn lớn gấp đôi cơ thể mình.

Năm lên 6, tôi đi khắp thế giới, tới Florida cùng cha. Thế giới khi ấy gần như khổng lồ vậy. Máy bay, sân bay, rồi không gian rộng lớn của nước Mỹ nữa, mọi thứ đều to lớn như sự hi sinh lớn lao của cha mẹ tôi vậy.

Trong lần đầu tiên bắt đầu chơi, những cô bé ở bên kia tấm lưới luôn lớn tuổi, cao hơn và mạnh hơn tôi. Những tay vợt vĩ đại tôi xem trên TV dường như đều thuộc hàng không thể với tới đối với tôi. Nhưng từng chút một, mỗi một ngày tập luyện trên sân, thế giới huyền thoại này của tôi ngày càng trở nên thực tế hơn.

Những sân bóng đầu tiên tôi chơi là bêtông ghồ ghề và đường biên thì bay màu hết. Theo thời gian, nó thay bằng đất nện và những lớp cỏ được cắt tỉa lộng lẫy nhất mà đôi chân bạn có dịp bước lên. Nhưng chưa bao giờ trong những giấc mơ hoang dại nhất, tôi nghĩ mình sẽ giành chiến thắng trên những sân đấu lớn nhất thế giới như thế - và trên mọi loại mặt sân.

Wimbledon có vẻ là một địa điểm tốt để khởi đầu. Tôi từng là một gái ngây ngô 17 tuổi, vẫn còn sưu tập tem, và không hiểu được tầm quan trọng trong chiến thắng của mình cho tới khi tôi lớn lên thêm, và tôi vui vì mình đã từng không hiểu như thế.

Lợi thế của tôi, tuy vậy chưa bao giờ là về việc cảm thấy vượt trội hơn các tay vợt khác. Nó là cảm xúc như khi tôi trên bờ vực, sắp rơi xuống từ một vách đá – mà vốn dĩ đó là lý do tại sao tôi luôn quay lại sân đấu để tìm ra cách tiếp tục trèo lên.

Giải Mỹ mở rộng cho tôi thấy cách thức vượt qua sự phân tâm và những kỳ vọng. Nếu bạn không thể xử lý tốt không khí sôi sục của New York – vâng, như sân bay kế bên nhà ấy. Hẹn ngày tái ngộ nhé.

Giải Úc mở rộng đưa tôi tới nơi chưa từng là một phần trong tôi trước đây – đưa tôi tới sự tự tin tột cùng mà một số người gọi là "vào phom".

Sân đất nện tại Giải Pháp mở rộng (tức Roland Garros – PV) phơi bày gần như mọi điểm yếu của tôi – đối với những người mới chơi, sự bất lực của tôi khi chạy trên mặt sân ấy và buộc tôi phải vượt qua khó khăn. Hai lần. Rất ổn.

Những sân đấu này tiết lộ bản chất thực sự của tôi. Đằng sau những buổi chụp hình và những bộ váy quần vợt xinh xắn, chúng phơi bày những điểm không hoàn hảo của tôi – từng nếp nhăn, từng giọt mồ hôi. Nó đã thử thách tính cách của tôi, ý chí của tôi, khả năng của tôi trong việc chuyển những xúc cảm thật của mình vào nơi mà chúng giúp ích cho tôi chứ không chống lại tôi. Giữa những đường biên, nhược điểm của tôi được an toàn. Tôi may mắn thế nào khi tìm thấy một loại mặt sân mình cảm nhận được con người bên trong mình đang lộ ra hoàn toàn nhưng lại rất thoải mái?

Một trong những chìa khóa cho thành công của tôi là tôi chưa bao giờ nhìn lại và không bao giờ nhìn về tương lai hết. Tôi tin rằng nếu tôi cứ liên tục mài giũa và mài giũa, tôi sẽ đẩy bản thân tới một nấc khó tin. Nhưng không có cái gọi là thông thạo quần vợt – bạn phải đơn giản lắng nghe đòi hỏi của sân đấu trong khi nỗ lực làm dịu êm những suy nghĩ không ngừng nằm trong tiềm thức.

Bạn có làm đủ chưa, và hơn thế nữa để chuẩn bị cho đối thủ tiếp theo?

Bạn đã nghỉ vài ngày rồi, cơ thể bạn đang mất đi lợi thế.

Một lát pizza thêm à? Nên bù cho nó bằng một bài tập thật hoành tráng buổi sáng.

Lắng nghe âm thanh này thật sâu lắng, tưởng tượng từng thăng trầm của nó, cũng là cách tôi chấp nhận những tín hiệu cuối cùng này khi nó đến.

Một trong số những tín hiệu ấy xuất hiện hồi tháng 8 năm ngoái tại Mỹ mở rộng. Đằng sau cánh cửa đóng kín, 30 phút trước khi ra sân, tôi phải làm tê vai để thi đấu. Chấn thương vai không phải điều chi mới mẻ với tôi, theo thời gian gân của tôi tơi tả như cuộn chỉ vậy. Tôi đã trải qua nhiều ca phẫu thuật – một lần vào năm 2008; một lần nữa vào năm ngoái – và mất không biết bao nhiêu tháng cho vật lý trị liệu. Việc bước ra sân vào hôm đó bản thân nó cũng đã là một chiến thắng chung kết đối với riêng tôi rồi, khi dĩ nhiên đó là bước đi đầu tiên để có được chiến thắng. Tôi chia sẻ điều này không phải để tìm kiếm lòng thương xót, mà nhằm vẽ lên thực tế mới của tôi: cơ thể tôi đã trở thành một trở ngại.

Trong suốt sự nghiệp của tôi, ‘có đáng không’ chưa bao giờ là một câu hỏi cả vì cho tới cuối cùng thì luôn là đáng. Sức mạnh tinh thần luôn là thứ vũ khí mạnh nhất của tôi. Ngay cả khi đối thủ của tôi mạnh hơn về thể chất, về tinh thần, thậm chí đơn giản giỏi hơn mình, tôi vẫn và đã kiên trì với điều đó.

Tôi chưa từng cảm thấy bắt buộc phải nói về công việc hay nỗ lực, hay thử thách – tất cả vận động viên đều hiểu về sự hi sinh thầm lặng họ phải bỏ ra để đạt được thành công. Nhưng khi sang trang mới của cuộc đời mình, tôi muốn bất cứ ai đang mơ được thăng tiến trong bất cứ công việc nào hiểu rằng sự nghi ngờ và phán xét là không thể tránh khỏi: Bạn sẽ thất bại hàng trăm lần, và thế giới sẽ quan sát bạn. Chấp nhận nó. Tin tưởng bản thân. Tôi cam đoan bạn sẽ vươn lên.

Tôi đã trao cuộc đời mình cho bộ môn quần vợt, quần vợt cho tôi một cuộc đời. Tôi sẽ nhớ nó mỗi ngày. Tôi sẽ nhớ việc tập luyện và thói quen cũ: Thức dậy lúc bình minh, buộc dây giày bên trái trước bên phải và đóng cánh cổng sân tập lại trước khi phát trái bóng đầu tiên trong ngày. Tôi sẽ nhớ đội của mình, huấn luyện viên của mình. Tôi sẽ nhớ những lúc ngồi cùng cha trên băng ghế dự bị. Những cái bắt tay, dù thắng hay bại, và những vận động viên, dù họ có nhận ra hay không đã thúc đẩy tôi trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Bây giờ nhìn lại tôi nhận ra rằng quần vợt chính là ngọn núi của mình. Hành trình của tôi đầy những thung lũng và đường vòng, nhưng quang cảnh từ đỉnh cao thật ngoạn mục. Sau 28 năm và 5 danh hiệu Grand Slam, dẫu vậy tôi đã sẵn sàng thử sức với một ngọn núi mới để cạnh tranh trên một địa hình khác.

Đó là không ngừng theo đuổi cho chiến thắng, phải không? Điều đó không bao giờ giảm đi cả. Bất kể phía trước là gì, tôi vẫn sẽ tập trung như cũ, giữ đạo đức công việc và tất cả những gì tôi đã học được trên chặng đường của mình.

Trong khi đó, có một vài điều đơn giản mà tôi thực sự mong chờ: một cảm giác tĩnh lặng cùng gia đình. Nhâm nhi một tách cà phê buổi sáng. Những cuộc dạo chơi cuối tuần tùy hứng. Tập luyện theo lựa chọn của tôi (xin chào, lớp học nhảy!).

Quần vợt cho tôi thấy thế giới và nó cho tôi thấy tôi được nhào nặn như thế nào. Đó là cách tôi kiểm tra bản thân và cách tôi đo lường sự phát triển của mình. Và vì vậy, trong bất cứ điều gì tôi có thể chọn cho chương tiếp theo của mình, ngọn núi tiếp theo của tôi, tôi sẽ vẫn bị thúc đẩy. Tôi vẫn sẽ leo lên. Tôi vẫn sẽ phát triển".

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên