10/05/2021 11:54 GMT+7

Bóng rổ và những điều cần biết

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TTO - Bóng rổ tuy là một trong những môn thể thao được các bạn trẻ Việt Nam ưa chuộng nhưng không phải ai cũng nắm vững luật chơi. Tuổi Trẻ xin giới thiệu trích lược luật bóng rổ cơ bản của FIBA.

Bóng rổ và những điều cần biết - Ảnh 1.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam yêu thích bóng rổ - Ảnh: M.P.

Theo Liên đoàn Bóng rổ quốc tế (FIBA), một trận đấu bóng rổ 5x5 sẽ có hai đội thi đấu với nhau với số lượng thành viên của mỗi đội tối đa 12 người. Nhưng mỗi bên chỉ được phép cho 5 cầu thủ thi đấu trên sân, số còn lại gọi là thành viên dự bị.

Ngoài 10 cầu thủ, trên sân còn có 3 trọng tài. Các trọng tài sẽ di chuyển ở sát các biên dọc và ngang để điều khiển trận đấu.

Bóng rổ và những điều cần biết - Ảnh 2.

Mỗi đợt tấn công, VĐV chỉ có 24 giây để ném rổ - Ảnh: M.P.

Trận đấu có tổng thời gian là 40 phút được chia đều ra thành 4 hiệp chính (mỗi hiệp 10 phút). Thời gian nghỉ giữa các hiệp là 2 phút, riêng khoảng nghỉ giữa hiệp 2 và hiệp 3 là 15 phút.

Khác với nhiều môn thể thao đồng đội, FIBA quy định trong một đợt tấn công, mỗi đội bóng chỉ có 24 giây để ném rổ. Bóng rổ không có khái niệm hòa, nếu bất phân thắng bại sau 4 hiệp chính thì hai đội sẽ bước vào hiệp phụ (thời gian mỗi hiệp là 5 phút).

Không như bóng đá, bóng rổ không có giới hạn cho việc thay người trong suốt trận đấu. Mỗi đội sẽ có một quyền hội ý kéo dài 60 giây trong mỗi hiệp, ngoại trừ hiệp 4 sẽ có hai quyền hội ý.

Đội bóng có quyền thay người hoặc gọi hội ý khi đồng hồ trận đấu đang dừng (bóng ra ngoài biên hoặc có tình huống lỗi trên sân). Hai đội sẽ tiến hành đổi sân khi bước vào hiệp 3.

Bóng rổ và những điều cần biết - Ảnh 3.

Ở mỗi hiệp, mỗi đội được quyền xin hội ý trong 60 giây - Ảnh: M.P

Sân bóng rổ có kích thước dài 28m và rộng 15m với 2 cột rổ có chiều cao khoảng 3,05m đặt hai bên.

Khu vực bàn trọng tài được đặt bên ngoài biên và nằm chính giữa, với bên trái là khu vực ngồi của đội chủ nhà - nơi mà huấn luyện viên và các trợ lý cùng các cầu thủ dự bị ngồi, tương tự bên phải là khu vực của đội khách.

Bàn y tế sẽ được đặt gần sân để kịp thời can thiệp khi cần thiết. Khu vực khán đài sẽ cách đường biên khoảng hơn 2m để khán giả không gây ảnh hưởng đến trận đấu.

Bóng rổ và những điều cần biết - Ảnh 4.

Sơ đồ một sân bóng rổ chuẩn quốc tế - Ảnh: VBA

Các cú ném được tính là 3 điểm nếu được thực hiện ngoài vòng cung lớn (khu vực 3 điểm), còn bên trong chỉ được tính 2 điểm.

Hình chữ nhật nằm trong vòng cung gọi là khu vực 3 giây, còn vòng bán nguyệt màu đỏ là khu vực thực hiện ném phạt (một quả ném phạt được tính 1 điểm).

Bóng rổ là môn thể thao đồng đội, mỗi vị trí trên sân đều có một vai trò nhất định và đều có liên kết chặt chẽ đến các vị trí còn lại. Có 5 vị trí thi đấu cơ bản như sau:

Bóng rổ và những điều cần biết - Ảnh 5.

Các vị trí cầu thủ trên sân - Ảnh: VBA

● Vị trí số 1 (Point Guard - PG): Hậu vệ dẫn bóng được xem là "trái tim" trong các pha triển khai tấn công, điều nhịp tốc độ trận đấu và là tay phối bóng chính trong đội hình.

Vị trí PG đòi hỏi kỹ năng xử lý bóng rất cao, tầm quan sát rộng cùng khả năng chuyền bóng chắc chắn, và hơn hết là cần có IQ bóng rổ cao để đưa ra các chiến thuật phù hợp. Christian Juzang, Nguyễn Phú Hoàng hay Trần Đăng Khoa là những cầu thủ tiêu biểu chơi ở vị trí này.

● Vị trí số 2 (Shooting Guard - SG): Hậu vệ ghi điểm được xem là vị trí ghi điểm chủ chốt của đội bóng ở vòng ngoài.

Ngoài nhiệm vụ phòng ngự của một hậu vệ ra thì vị trí này còn đòi hỏi cầu thủ phải có kỹ thuật ném rổ cực kỳ tốt, đặc biệt là 3 điểm và có khả năng thi đấu độc lập cùng việc chạy chỗ thông minh để tự tạo cơ hội cho mình.

Một vài cái tên tiêu biểu ở vị trí SG như Triệu Hán Minh, Đinh Thanh Tâm hoặc Võ Kim Bản.

● Vị trí số 3 (Small Forward - SF): Tiền phong phụ có lối chơi tương tự SG nhưng đánh ở vị trí gần rổ hơn. Đây là vị trí linh hoạt nhất trong đội hình khi đòi hỏi người chơi vừa phải ném tốt, vừa phải dẫn bóng chắc chắn, vừa phải đột phá và lên rổ hiệu quả.

Thông thường các SF sẽ có chiều cao tương đối tốt cùng khả năng xử lý bóng và ghi 2 điểm ổn định. Có thể nhắc đến vài cái tên như Đinh Thanh Sang, Đinh Tiến Công hay Lê Ngọc Tú ở vị trí này.

Bóng rổ và những điều cần biết - Ảnh 6.

Lê Ngọc Tú là một tiên phong phụ điển hình ở VBA - Ảnh: VBA

● Vị trí số 4 (Power Forward - PF): Tiền phong chính thường là người ghi điểm chủ lực ở khu vực cận rổ, với vẻ ngoài cao lớn và có lối chơi thiên về sức mạnh thì PF là tay hỗ trợ đắc lực cho vị trí trung phong.

Ngoài khả năng phòng thủ chắc chắn ra thì vị trí này còn đòi hỏi cầu thủ phải có kỹ năng xử lý bóng chắc chắn trong không gian hẹp và dứt điểm cận rổ tốt. Justin Young, Đặng Thái Hưng hoặc Chris Dierker là những cầu thủ chơi tốt ở vị trí PF.

● Vị trí số 5 (Center - C): Được xem là cầu thủ cao lớn nhất đội nên vị trí trung phong chính là bức tường phòng thủ kiên cố nhất của đội bóng. Với nhiệm vụ chính là tranh chấp bóng bật bảng, yểm trợ đồng đội và phòng thủ dưới bảng rổ.

Vị trí C đòi hỏi cầu thủ phải có tinh thần tốt, thể hình cứng cáp, có khả năng ghi điểm dưới rổ ổn định và di chuyển linh hoạt. Một vài gương mặt tiêu biểu cho vị trí C như Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Huỳnh Phú Vinh hay Mike Bell.

Hiện nay, để các chiến thuật trở nên đa dạng, hiệu quả và phù hợp với tình hình lực lượng của đội bóng, các huấn luyện viên sẽ cho các cầu thủ thi đấu đa năng hơn.

Vì vậy sẽ có nhiều cầu thủ có khả năng chơi ở nhiều hơn một vị trí như SG/PG, SF/SG, SF/PF hoặc PF/C. Có thể thấy một vài điển hình như: PFC Nguyễn Huỳnh Phú Vinh, SG/PG: Christian Juzang, SF/SG: Đinh Thanh Sang.

TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên