10/08/2018 14:38 GMT+7

Bỗng dưng bị dọa bắt bớ

ĐOÀN CƯỜNG - TRẦN MAI
ĐOÀN CƯỜNG - TRẦN MAI

TTO - Giả danh công an, tòa án gọi điện cho người dân hù dọa liên quan đến tội phạm có tổ chức, dính đến kiện tụng rồi đề nghị nạn nhân cung cấp mail, Zalo... sau đó gửi lệnh bắt khẩn cấp để tăng sự uy hiếp.

Bỗng dưng bị dọa bắt bớ - Ảnh 1.

Một nạn nhân trình báo cơ quan công an sau khi bị đối tượng giả danh điều tra viên hù dọa, lừa 4,3 tỉ đồng năm 2017 - Ảnh: CACC

Trong cơn hoảng loạn, nạn nhân được yêu cầu gửi tiền vào một tài khoản để chứng minh tài sản phục vụ công tác điều tra. Vụ việc không mới nhưng vẫn có người "dính bẫy". 

Mới đây, cơ quan chức năng đã gửi nhiều thông báo đề nghị địa phương thông tin cho người dân cảnh giác trước loại tội phạm này.

Gửi lệnh bắt khẩn cấp để hù dọa

Gần đây, tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi lại rộ lên tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn giả danh công an, tòa án gọi điện thoại cho người dân để hù dọa bắt bớ.

Bà V.T.L. (TP Quảng Ngãi) cho biết sáng 2-8, bà nhận được điện thoại từ số máy để bàn xưng là cán bộ tòa án Quảng Ngãi, dọa bà đang dính vào một vụ án. 

Uy hiếp tinh thần xong, đối tượng yêu cầu bà gửi tiền vào một tài khoản để phục vụ công tác điều tra. Bà L. lo lắng và thẫn thờ một lúc thì hoàn hồn nghi lừa đảo nên trình báo với công an.

Không may mắn như bà L., bà T.B.T. (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã bị lừa lấy gần 290 triệu đồng. Bà T. trình báo tháng 5-2018, một số máy lạ gọi đến cho bà tự xưng là điều tra viên hù dọa đang điều tra về một vụ án ma túy có liên quan đến bà chuẩn bị khởi tố vụ án và yêu cầu phải chuyển tiền vào một số tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra. 

Hoảng sợ, bà T. đã chuyển 290 triệu đồng cho đối tượng. Tương tự, bà L.T.T.M. (Q.Hải Châu) cũng bị hù dọa dính đến vụ án ma túy và bị lừa 190 triệu đồng.

Trong khi đó, chị L.H.Y. (Q.Hải Châu) thì bị chúng giả danh tòa án dọa về việc bị khởi tố hình sự để lừa chiếm đoạt 1 tỉ đồng. 

Các đối tượng này kết nối Zalo với chị Y. và gửi lệnh bắt khẩn cấp chị vì liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, bắt cóc tống tiền, rửa tiền trốn thuế khiến chị lo sợ mà chuyển tiền.

Trường hợp ông T.V.L. (xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) được ghi nhận là nạn nhân bị lừa số tiền nhiều nhất lên đến 4,3 tỉ đồng. 

Ông L. kể: Ngày 27-9 đến 29-9-2017, rất nhiều người liên tục gọi cho ông xưng là điều tra viên Bộ Công an, viện KSND... thông báo ông đang dính đến chuyên án bán ma túy lớn và rửa tiền. 

Sau đó, hàng loạt lệnh bắt, hồ sơ vụ án... được gửi đến ông để uy hiếp tinh thần và yêu cầu chuyển tiền để chứng minh tài sản, phục vụ công tác điều tra. Hoảng sợ, ông L. "sập bẫy" và đã chuyển cho chúng 4,3 tỉ đồng. 

"Bọn chúng nói chuyển tiền chỉ để xác minh tài sản, sau 24 giờ sẽ trả lại nếu không liên quan. Chúng nói rất ăn ý khiến tôi hoảng sợ, lại có giấy tờ, lệnh bắt nên tôi tin" - ông L. kể.

Bỗng dưng bị dọa bắt bớ - Ảnh 2.

Lệnh bắt khẩn cấp “đểu” mà các đối tượng dùng để lừa đảo - Ảnh: A.N.

Cơ quan tố tụng không làm việc qua điện thoại

Trung tá Nguyễn Hưng Lợi - phó trưởng Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA83) Công an TP Đà Nẵng - cho biết thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, chuyên nghiệp. 

Chúng thường gọi điện thoại đến một số cố định bất kỳ, khi người dân bắt máy chúng hù dọa người dân đang liên quan đến một vụ án hoặc bị khởi tố về tội danh gì đó và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để xác minh. 

Để tạo thêm sự tin tưởng, các đối tượng này sẽ gửi văn bản giả của cơ quan điều tra, tòa án qua Zalo, Facebook...

Đại tá Võ Văn Dương, phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định cơ quan công an không làm việc qua điện thoại. 

Theo trình tự pháp luật khi khởi tố một vụ án thì phải có phê chuẩn của viện KSND, lúc đó mới áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trừ trường hợp phạm tội quả tang hay bắt giữ người trong tình trạng khẩn cấp. 

"Cơ quan công an chỉ làm việc trực tiếp với đương sự, gửi thông báo thì qua đường bưu điện. Không có chuyện thông báo qua điện thoại hay thư điện tử" - đại tá Dương cảnh báo.

Còn bà Trần Thị Bé, chánh tòa hình sự TAND tỉnh Quảng Ngãi, thì nói: "Đối với tòa án, khi muốn làm việc với đương sự phải có giấy triệu tập, mời đến tận trụ sở cơ quan để làm việc, nếu đi làm việc ngoài trụ sở phải có văn bản cho đương sự và chính quyền địa phương mời về trụ sở địa phương làm việc chứ không có chuyện làm việc bên ngoài".

Tương tự, ông Lê Sơn Phong - phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Đà Nẵng - khuyến cáo: "Khi người dân nhận được điện thoại xưng danh là công an, tòa án... cần từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu có giấy mời hợp lệ ghi rõ thông tin cơ quan mời làm việc. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân".

Lệnh bắt khẩn cấp "đểu"

Trung tá Nguyễn Hưng Lợi ví dụ về một lệnh bắt khẩn cấp giả mà các đối tượng đã dùng để lừa đảo một người dân ở Đà Nẵng: Trên tờ lệnh bắt khẩn cấp, các đối tượng in là TAND TP.HCM nhưng lại ghi là thủ trưởng cơ quan CSĐT ra lệnh và bên dưới lại đóng dấu là... TAND TP Hà Nội.

Đối tượng lừa đảo ở nước ngoài

Đại tá Võ Văn Dương cho biết Công an Quảng Ngãi đã phối hợp với nhiều đơn vị tiến hành điều tra các vụ lừa đảo theo kiểu này, trong đó có vụ ông T.V.L. bị lừa 4,3 tỉ đồng.

Lần theo dấu vết thì tìm được những số tài khoản ông L. chuyển tiền là của ba sinh viên ở Đồng Nai và Bình Dương.

Ba sinh viên này khai có quen qua Zalo với nhóm người và được nhờ nhận số tiền chuyển vào tài khoản, sau đó chuyển lại cho các đối tượng này mà không hề biết đó là hành vi lừa đảo.

Nhóm lừa đảo chính ở nước ngoài, ba sinh viên chỉ là trung gian nhận tiền để được hưởng 10%. Hiện đã thu hồi số tiền 10% này, còn điều tra xác minh nhóm lừa đảo ở nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đà Nẵng cảnh báo tình trạng lừa đảo, tống tiền qua điện thoại Đà Nẵng cảnh báo tình trạng lừa đảo, tống tiền qua điện thoại

TTO - Ngày 27-4, Sở Thông tin và truyền thông (TT-TT) TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi các sở, ngành, UBND các quận, huyện cảnh báo tình trạng lừa đảo, tống tiền qua điện thoại.

ĐOÀN CƯỜNG - TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên