Thể thao cười

'Bóng đã về nhà' và cái... áo lót thể thao

HỮU THIỆN

Đăng lúc 19:09 | 25/08/2022

Sau khi vào sân từ băng ghế dự bị, Chloe Kelly đã ghi bàn thắng quyết định, rồi... cởi áo để dùng làm 'lá cờ' mà vừa chạy vừa hò reo tưng bừng trên khắp sân Wembley.

Đó không phải là cách bày tỏ niềm vui hoang dã theo kiểu "Sư tử cái" của riêng Kelly, vì nó cũng đã từng xuất hiện trên khá nhiều sân cỏ trên thế giới bấy nay...

Thêm một cái áo lót thể thao... đi vào lịch sử

Đêm 31-7-2022, trận chung kết Giải vô địch bóng đá nữ Euro 2022 đã diễn ra trên sân vận động Wembley ở London, Vương quốc Anh.

Hiệp 2, phút 62, vào sân từ băng ghế dự bị, tiền đạo Ella Toone đã vượt qua hai trung vệ đối phương và ghi bàn mở tỉ số bằng cú đá bổng rất đẳng cấp bay qua đầu thủ môn đội Đức.

Tới phút 79, tiền vệ Lina Magull của Đức đã ghi bàn gỡ hòa rất bài bản, buộc hai đội phải đá hiệp phụ, kể cả khả năng có thể sẽ phải tranh giải bằng loạt sút luân lưu.

Khi đó, kịch bản về trận chung kết Euro 2020 giữa "Tam Sư" (đội tuyển bóng đá nam của nước Anh) với đội tuyển Ý dường như bắt đầu ám ảnh tâm trí cả nước Anh. Bởi hồi một năm trước, cũng trên sân Wembley này, "Anh vẫn cứ thua thằng Ý" ở cái trận chung kết thắt lòng ấy...

Hiệp phụ thứ hai, phút 110. Pha tranh chấp từ cú phạt góc bên phải đã đưa bóng tới chân của Chloe Kelly ngay trước khung thành của Đức. Kelly dứt điểm, song bị thủ môn Merle Frohms đẩy ra. Bóng đi "lập bập", và Kelly lại đá tiếp...

Vàoo!!! Một bàn thắng xấu xí, song lại là bàn thắng quốc tế đầu tiên của Chloe Kelly, cô gái 24 tuổi, tạo ra... khoảnh khắc đẹp nhất, khiến cả sân Wembley "bùng nổ" khi hiệp phụ vẫn còn mười phút nữa mới kết thúc.

Bóng đã về nhà và cái... áo lót thể thao - Ảnh 1.

Chloe Kelly cởi áo đấu, vừa chạy vừa vẫy áo trên khắp sân Wembley để mừng bàn thắng quyết định trong trận chung kết bóng đá nữ Euro 2022. Phía sau Chloe là các đồng đội Lauren Hemp và Jill Scott. Hình của Michael Regan (nguồn: Getty Images)

Kelly đã đợi xác nhận bàn thắng trước khi cao hứng cởi phăng áo đấu, để lộ ra cái áo lót thể thao màu trắng của mình trước mắt 87.192 người hâm mộ trên sân Wembley cùng hàng triệu người khác ở Anh và thế giới đang theo dõi trận đấu qua truyền hình trực tiếp. Cô vừa chạy khắp sân cỏ, vừa nhảy vừa la hét và vẫy loạn cái áo đấu quanh đầu mình, rồi phóng tới đường biên...

Cuối cùng, khi Kelly dừng lại và đứng khoanh tay ngó chằm chằm lên khán đài, trọng tài đã rút ra một thẻ vàng để phạt cô vì cái màn ăn mừng thái quá đó. Không sao, vì rốt cuộc các Nàng Sư tử (Lionnesses) của Anh giờ đã đánh bại đội tuyển nữ của Đức từng tám lần vô địch châu Âu.

Chloe Kelly kể rằng, hồi nhỏ, cô đã từng chơi thứ "bóng đá đường phố không có luật lệ" với các anh trai của mình, nhiều khi chơi cho tới khi màn đêm buông xuống. "Nếu đá banh là chuyện dễ dàng, tôi đã không góp mặt ở đây", cô nói vậy. 

Việc Kelly được chọn dự Euro 2022 từng bị... nghi ngờ, do cô đã bỏ lỡ Thế vận hội Mùa hè 2021 (Tokyo 2020) ở Nhật vì bị rách dây chằng đầu gối. Cũng không sao, bởi điều quan trọng nhất là Chloe Kelly đã góp mặt, và đã ghi được bàn thắng quyết định.

Cái áo thi đấu màu trắng mà Chloe Kelly vẫy cuồng nhiệt trên đầu cô sẽ mãi mãi đi vào lịch sử bóng đá nước Anh, với 87.192 người, một đám đông kỷ lục, trên sân Wembley đã cùng cả nước reo hò cuồng nhiệt: "It's Coming Home!" - "Đã về nhà! Bóng đá đã về nhà!"...

"Bức hình cô gái cởi áo, mặc cái áo lót thể thao ấy vô cùng ý nghĩa. Đây là cơ thể của một người phụ nữ - không dành cho tình dục hay phô diễn - chỉ vì niềm vui tuyệt đối về những gì cô ấy có thể làm, cùng sức mạnh và kỹ năng mà cô ấy có. Tuyệt vời. #Lionesses", nhà báo tự do Lucy Ward viết trên mạng xã hội Twitter vào rạng sáng hôm sau, lúc 1h55 ngày 1-8-2022.

Bóng đã về nhà và cái... áo lót thể thao - Ảnh 2.

Cô Brandi Chastain cởi áo mừng bàn thắng quyết định, mang lại chức vô địch World Cup bóng đá nữ cho Hoa Kỳ năm 1999 (nguồn: The Washington Post)

Dòng trạng thái (tweet) của Lucy Ward đã nhanh chóng đạt tới 155.000 lượt thích, 13.300 lượt tương tác và 1.125 lượt chia sẻ lại trên Twitter.

"Tôi không đơn độc. Chỉ trong chốc lát, rất nhiều phụ nữ trẻ trên Twitter cũng đã bắt đầu cổ vũ Chloe Kelly và cái áo ngực của cô ấy. "Cái áo lót thể thao của Chloe sẽ đi vào lịch sử mãi mãi", một người hâm mộ viết, trong khi một người khác nhận xét: "Chloe Kelly ăn mừng bàn thắng trong cái áo lót thể thao là hình ảnh nữ quyền của thập niên"...", cô Lucy Ward kể trên báo The Guardian (1-8-2022).

Tại sao các cầu thủ cứ... mặc kệ FIFA?

Vào ngày 10-7-1999, trên sân vận động Rose Bowl, thành phố Pasadena, bang California, cầu thủ bóng đá nữ người Mỹ Brandi Chastain đã ghi bàn thắng quyết định trong loạt sút luân lưu vào lưới của đội tuyển nữ Trung Quốc, giúp đội tuyển nữ Hoa Kỳ giành chức vô địch World Cup bóng đá nữ năm 1999.

Chastain đã mừng bàn thắng bằng cách lột ngay áo đấu (để lộ áo lót thể thao màu đen), và khuỵu gối, giơ cao cánh tay cầm áo đấu vẫy quanh đầu mình. Về sau, cô nói rằng đó là "khoảnh khắc tuyệt vời nhất trên sân bóng suốt một đời", dù nó chỉ là... "sự điên rồ nhất thời, không hơn không kém".

Một năm sau cái "sự kiện Chastain" ấy, Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) đã quy định lỗi phạt thẻ vàng cảnh cáo, kể từ năm 2000 trở đi, đối với cầu thủ nam hoặc nữ nếu cởi bỏ áo đấu của họ để mừng bàn thắng.

Sau đó, bản thông báo ngày 22-6-2004 của FIFA về Luật 12 đã nêu chi tiết hơn nữa: "Cầu thủ cởi áo sau khi ghi bàn sẽ bị cảnh cáo là hành vi phi thể thao", áp dụng cả với trường hợp cầu thủ có mặc áo lót bên trong, để tránh truyền đi một thông điệp phi thể thao được viết hay in bên trong, có thể là về tôn giáo, chính trị hoặc quảng cáo thương hiệu, chưa kể cảnh lột áo có thể được coi là không phù hợp về mặt văn hóa ở một số nước.

Tuy vậy, trên thực tế vẫn xảy ra lắm trường hợp bùng nổ cảm xúc theo kiểu "nguyên sơ", nếu người ta có một khoảnh khắc quên béng cả luật sau khi ghi được bàn thắng có ý nghĩa ở một giải đấu lớn.

Bóng đã về nhà và cái... áo lót thể thao - Ảnh 3.

Từ phải sang trái: Các cựu đồng đội bóng đá nữ của Hoa Kỳ, gồm: Brandi Chastain, Lorrie Fair và Saskia Webber, tạo dáng trong lễ ra mắt bức tượng kỷ niệm "Khoảnh khắc Brandi Chastain" ở World Cup 1999, được trưng bày hôm 10-7-2019 ở bên ngoài sân vận động Rose Bowl ở Pasadena, California. Hình của Sarah Reingewirtz (nguồn: Orange County Register)

Chẳng hạn, sau ghi bàn thắng vào lưới đội Thái Lan ở phút 90+4 tại AFF Cup 2019, giúp đội tuyển nữ Việt Nam đánh bại nhà đương kim vô địch kiêm chủ nhà Thái Lan với tỉ số 1-0 ở trận chung kết chiều 27-8-2019, đội trưởng Huỳnh Như đã cởi phăng áo đấu và vẫy trên đầu ăn mừng khi chạy về góc sân...

Huỳnh Như đã bị phạt thẻ vàng, mà lại là... thẻ vàng thứ hai, khiến cô phải nhận thẻ đỏ mà rời sân. Lúc đó, tuyển nữ Việt Nam chỉ còn mười người trên sân trong gần 15 phút cuối trận...

Sau đó, vào đêm 19-5-2022 trên sân vận động Việt Trì (Phú Thọ), tới lượt đội phó Tiến Linh của tuyển U23 Việt Nam cũng đã lột áo ăn mừng sau khi bật cao đánh đầu từ cú đá phạt góc của đồng đội, ghi bàn thắng duy nhất của trận bán kết SEA Games 31 với tuyển U23 Malaysia.

Từ đó, "Áo crop top Tiến Linh", "áo lót cầu thủ"... đã trở thành những từ khóa được nhiều người tìm kiếm trên các trang mạng. Thậm chí, gần ba tháng sau, lúc 18h chiều 9-8-2022, chỉ trong 0,47 giây Google vẫn báo có khoảng 663.000 kết quả với từ khóa "Áo crop top Tiến Linh", và khoảng 7.140.000 kết quả cho "Áo lót cầu thủ".

Thiệt ra, đó không phải là "áo ngực", mà là áo lót thể thao có gắn gia tốc kế, con quay hồi chuyển, từ kế và chip định vị GPS, sử dụng hệ thống theo dõi và hiệu suất điện tử (EPTS) để thu thập và thống kê các dữ liệu trong thời gian thực về tốc độ chạy nước rút, tổng quãng đường di chuyển, vị trí của cầu thủ trên sân, độ tiêu hao năng lượng và nhịp tim của cầu thủ đang mặc áo.

Các dữ liệu đó được truyền không dây từ (các) áo lót thể thao tới máy tính của huấn luyện viên thể lực, và được báo cáo liên tục với huấn luyện viên trưởng, giúp ban huấn luyện đội bóng nắm bắt và đưa ra chiến lược cụ thể.

Trong rất nhiều bình luận về "sự kiện Tiến Linh", có khá nhiều ý bênh vực chàng ta, chẳng hạn: "Cởi áo được rồi. Ức chế quá mà. Tui coi mà còn bị ức chế, huống chi Tiến Linh", "Căng thẳng tột độ thì rất cần sự giải tỏa về tâm lý. Sai thì cứ phạt, có sao đâu khi chiến thắng là điều vinh quang nhất?"...

Ngược lại, cũng có nhiều ý phê phán Tiến Linh, rằng: "Cởi áo ăn mừng thì đúng là... nghiệp dư. Không kiểm soát được cảm xúc thì khó trở thành cầu thủ lớn"...

Tuy vậy, hành vi cởi áo mừng bàn thắng ngay trên sân cỏ vẫn cứ là kiểu "ăn mừng kinh điển", thậm chí có thể xảy ra với cả những... cầu thủ lớn - lớn tuổi, hay lớn về tầm cỡ, như mấy vị "siêu sao".

Đó cũng là trường hợp Cristiano Ronaldo bị phạt thẻ vàng vì cũng lột phăng áo đấu (và ném vô đám đông), sau khi mang về chiến thắng kịch tính 2-1 cho đội Manchester United trước đội Villarreal ở bảng F của Giải Champions League năm 2021.

Chuyện xảy ra vào đêm 29-9-2021, khi "siêu sao bóng đá" người Bồ Đào Nha này đã 36 tuổi thêm 236 ngày tuổi, và trở thành cầu thủ Manchester United... lớn tuổi thứ hai đã ghi bàn thắng ở giải đấu châu Âu trên sân Old Trafford của nhà họ.

Khi các nàng sư tử trở thành... "những người thay đổi cuộc chơi"

Cúp vô địch Euro bóng đá nữ năm nay của các nàng sư tử Anh không chỉ là "di sản thể thao của phụ nữ", vì nó cũng là danh hiệu bóng đá quốc tế lớn đầu tiên của Anh, không kể nữ hay nam, sau 56 năm và một ngày - kể từ khi đội Tam Sư giành cúp vô địch World Cup hồi cuối tháng 7-1966.

Ngay hôm sau, hôm thứ hai 1-8-2022, "Những cô nàng làm nên lịch sử" ấy đã cùng ký tên vào một bức thư gửi tới bà Mary Elizabeth Truss (bộ trưởng Bộ Ngoại giao) và ông Rishi Sunak (nguyên bộ trưởng Bộ Tài chính). Một trong hai ứng viên tiềm năng này sẽ được Đảng Bảo thủ lựa chọn cho vị trí thủ tướng kế nhiệm ông Boris Johnson.

Trong thư, tất cả 23 cầu thủ của đội sư tử cái nước Anh "yêu cầu quý vị, nếu quý vị trở thành thủ tướng Anh vào ngày 5-9 sắp tới, phải cam kết cho phép tất cả nữ sinh được tiếp cận bóng đá trong giờ thể dục dưới mái trường".

"Xuyên suốt Euro 2022, với tư cách là một đội, chúng tôi đã nói về di sản và mục tiêu truyền cảm hứng cho một quốc gia. Nhiều người sẽ nghĩ rằng điều này đã đạt được, nhưng chúng tôi xem đây mới chỉ là bước khởi đầu - họ viết - Chúng tôi đang hướng tới tương lai. Chúng tôi muốn tạo ra sự thay đổi thật sự ở đất nước này, quý vị hãy giúp chúng tôi đạt được sự thay đổi đó".

Thậm chí, cô Lotte Wubben-Moy, trung vệ của đội tuyển nữ quốc gia, còn khẳng định: "Tôi không muốn có con, nếu chúng ta không thay đổi nhiều thứ trong xã hội. Tôi lo lắng cho những người có con nhỏ, bởi vì chúng ta cần biến thế giới thành một nơi mà chúng ta cảm thấy tự hào. Thể thao là một khía cạnh rất, rất, rất nhỏ của sự việc nhưng nó có tác động lớn, lớn vượt ra ngoài thế giới thể thao".

Như vậy, "Những cô nàng làm nên lịch sử" muốn trở thành... "Những người thay đổi cuộc chơi". Trước hết, vì nhiều người trong số họ đã từng trải qua việc... bị ngừng chơi bóng ở tuổi thiếu niên, như họ chia sẻ trong bức thư ấy. Trên thực tế, báo cáo của England Football, thuộc Hiệp hội Bóng đá Anh (FA), cũng xác nhận rằng chỉ có 44% trường trung học ở Anh cung cấp các bài học bóng đá bình đẳng trong thể dục cho cả nam và nữ, theo báo The Guardian (3-8-2022).

Sao thể thao vẫn lái ‘xe cỏ’ dù sở hữu bộ sưu tập xe hàng triệu USD Sao thể thao vẫn lái ‘xe cỏ’ dù sở hữu bộ sưu tập xe hàng triệu USD Lê Bống được gì, mất gì sau thi Lê Bống được gì, mất gì sau thi 'Hoa hậu Thể thao Việt Nam'? Top 30 Hoa hậu Thể thao VN Top 30 Hoa hậu Thể thao VN 'trả hết cho thầy' chỉ sau 3 ngày đăng quang
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới Thể Thao Cười