12/06/2011 06:03 GMT+7

Bóng đá Anh "hụt hơi" trong đào tạo trẻ

P.TẤN
P.TẤN

TT - Các đại gia của Giải ngoại hạng Anh đang đổ tiền chiêu mộ nhiều cầu thủ trẻ nhằm tái thiết lực lượng hướng đến lâu dài. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, bởi bóng đá Anh vẫn đang loay hoay tìm đường nâng chất khâu đào tạo trẻ.

TT - Các đại gia của Giải ngoại hạng Anh đang đổ tiền chiêu mộ nhiều cầu thủ trẻ nhằm tái thiết lực lượng hướng đến lâu dài. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, bởi bóng đá Anh vẫn đang loay hoay tìm đường nâng chất khâu đào tạo trẻ.

Manchester United (M.U) chi mạnh tay trong kỳ chuyển nhượng này để thay thế nhiều trụ cột đã lớn tuổi như Paul Scholes, Ryan Giggs. Tuy đã đạt thỏa thuận với Ashley Young (Aston Villa - 20 triệu bảng) và Phil Jones (Blackburn - 16,5 triệu bảng) nhưng M.U vẫn tiếp tục chèo kéo Samir Nasri (Arsenal), Wesley Sneijder (Inter Milan)...

Arsenal cũng nhắm đến những cầu thủ trẻ như Eden Hazard (20 tuổi - Lille), Charles N’Zogbia (25 tuổi - Wigan), Jesus Navas (25 tuổi - Sevilla). Trong khi đó, Liverpool đã mua tiền vệ 20 tuổi Jordan Henderson từ Sunderland với giá 20 triệu bảng.

Mua cầu thủ trẻ để xây dựng đội hình lâu dài là giải pháp tốt cho các CLB. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế của bóng đá Anh trong bối cảnh họ đang “hụt hơi” trong khâu đào tạo trẻ. Theo thống kê, hiện chỉ có 35% cầu thủ ra sân ở mỗi vòng đấu là người Anh. Trong khi đó, số cầu thủ Tây Ban Nha chơi bóng tại Giải VĐQG Tây Ban Nha mỗi vòng đến 76%. Sự chênh lệch này rất đáng để người Anh phải suy ngẫm.

Thật ra tình trạng “nhập siêu” của bóng đá Anh đã bắt đầu từ lâu bởi các lò đào tạo hoạt động thiếu hiệu quả. Sau khi trình làng “thế hệ vàng” gồm những David Beckham, Paul Scholes, Nicky Butt... M.U gần như không đào tạo được ngôi sao đáng kể nào cho bóng đá Anh. Liverpool cũng vậy. Học viện của Arsenal tuy hoạt động khá hiệu quả nhưng chỉ đóng góp được hai gương mặt nổi bật là Ashley Cole và Jack Wilshere.

Để cải thiện tình hình này, giám đốc phát triển Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) Trevor Brooking đặt chỉ tiêu: “Trước năm 2018, chúng ta phải có hơn 70% cầu thủ Anh chơi bóng tại giải ngoại hạng ở mỗi vòng đấu. Để làm được điều đó, các CLB cần phải đào tạo nhiều cầu thủ có chất lượng”. Người Anh quyết tâm cải thiện khâu đào tạo trẻ sau khi phải chứng kiến thất bại cay đắng của M.U trước Barca trên sân nhà Wembley ở chung kết Champions League - trận đấu mà các cầu thủ M.U bất lực nhìn Xavi - Messi - Iniesta của Barca nhảy múa.

FA và ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh sẽ sớm thông qua chính sách mới cho công tác đào tạo trẻ mang tên Elite Player Performance Plan, với mục tiêu phát triển về chất lượng lẫn số lượng cầu thủ Anh ở các CLB đang chơi tại giải ngoại hạng thông qua cải tổ hệ thống đào tạo trẻ. Ông Brooking hi vọng chính sách này sẽ được thực hiện từ năm 2012-2013. Và từ đó nước Anh sẽ có nhiều lò đào tạo như La Masia của Barca.

Ông Brooking nói: “Chúng tôi đã bàn nhiều về Barca, về cách họ chơi bóng, kỹ năng cơ bản của các cầu thủ và những cú bật bóng một chạm đầy tinh tế. Nhưng thử thách lớn nhất của chúng tôi là tài chính, bởi nhiều CLB không đủ khả năng duy trì lò đào tạo trong thời gian dài. Charlton là điển hình. Họ có một học viện tương đối hoàn chỉnh nhưng khi rớt hạng, tài chính trở nên eo hẹp thì chất lượng đào tạo cũng đi xuống”. West Ham từng rất thành công với những Bobby Moore, Michael Carrick, Rio Ferdinand, Frank Lampard, Joe Cole và Glen Johnson. Nhưng khó khăn tài chính khiến họ không còn trình làng được gương mặt nào nổi bật.

Cũng theo chính sách này, những nhà tuyển mộ sẽ được trả tiền “theo đóng góp” để khuyến khích họ làm việc nhiều hơn nhằm tìm ra nhiều tài năng trẻ. Trước đây CLB ở giải hạng 5 nước Anh Luton Town đã phát hiện Wilshere (Arsenal) nhưng chỉ được Arsenal trả 3.000 bảng. Theo chính sách mới, Luton Town không được trả tiền một lần mà sẽ hưởng lâu dài tùy theo số lần ra sân và sự đóng góp của Wilshere cho CLB anh khoác áo.

P.TẤN

P.TẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên