18/05/2021 10:26 GMT+7

Bộ Y tế lập Bộ phận thường trực chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh

LAN  ANH - HÀ THANH
LAN ANH - HÀ THANH

TTO - Bộ Y tế thành lập Bộ phận thường trực chống dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm tổng chỉ huy. Bộ phận này sẽ giao ban hằng ngày với hai tỉnh để chống dịch.

Bộ Y tế lập Bộ phận thường trực chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long (ở giữa) trao đổi với Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương (bên trái) khi đi thị sát tại Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang sáng nay 18-5 - Ảnh: L.ANH

Sáng 18-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đoàn công tác của Bộ Y tế đang có cuộc làm việc thứ 4 với Bắc Giang - điểm nóng nhất nước hiện nay với 411 ca COVID-19. Phó thủ tướng Vũ Đam dự trực tuyến.

Trong hôm nay, Bộ Y tế cũng sẽ làm việc với tỉnh Bắc Ninh, cũng đang là điểm nóng của dịch.

Dịch đã lây từ khu công nghiệp ra cộng đồng

Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, cho đến cuối ngày 18-5, tỉnh ghi nhận 411 ca dương tính, trong đó có ba ổ dịch chính. Lớn nhất là ổ dịch tại Công ty Shin Young (Khu công nghiệp Vân Trung) với 210 ca, thứ 2 là Công ty Hosiden Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu) với 190 ca.

Tại các ổ dịch này, tỉnh Bắc Giang cho biết hằng ngày vẫn gia tăng số ca dương tính mới trong số đã cách ly tập trung, nhiều khu cách ly đã đầy vì nhiều đối tượng nguy cơ cao, chỉ xếp 1 người/phòng hoặc xếp 1/2 so với sức chứa tối đa để tránh lây nhiễm chéo.

Ông Trần Như Dương, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết dịch tại Bắc Giang đang rất "nóng", tâm dịch hiện nay là Công ty Hosiden Việt Nam nhưng không còn khu trú trong khu này; môi trường kín, công nhân đông, mật độ dày, chủng virus lây lan nhanh, mức độ lây nhiễm ở công ty này sẽ rất lớn, tỉnh đã chuyển hơn 4.000 công nhân của công ty là F1 đưa đi cách ly tập trung.

"Nhưng dịch không tập trung tại chỗ mà có dấu hiệu xâm nhiễm sang các công ty khác ở khu công nghiệp khác, vừa có thêm 18 ca dương tính rải rác ở công ty khác và lây sang Khu công nghiệp Đình Trám. Kinh nghiệm của chúng tôi là khi dịch lây trong khu công nghiệp sẽ liên quan tới cộng đồng dân cư" - ông Dương nói.

Từ sáng nay 18-5, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng với huyện Việt Yên, tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị cách ly xã hội theo chỉ thị 16 thêm huyện Yên Dũng, "chủ động đánh chặn chứ không đuổi theo dịch".

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng cần nâng cấp biện pháp phòng dịch tại Bắc Giang, trong đó huyện Việt Yên có 300.000 dân, 100.000 thuộc nhóm nguy cơ, từ ngày 18-5 áp dụng cách ly xã hội theo chỉ thị 16, đề nghị nâng lên mức phong tỏa. Ba huyện khác đang áp dụng giãn cách theo chỉ thị 15 đề nghị nâng lên áp dụng chỉ thị 16.

Ông Trần Như Dương đề nghị đã cách ly xã hội thì phải cách ly thật sự, nếu không sẽ lãng phí nguồn lực to lớn, mọi người phải tuân thủ để phòng dịch hiệu quả. 

"Đây là kinh nghiệm từ Hải Dương. Cách ly, phong tỏa để khóa nguồn dịch từ bên trong không lây ra bên ngoài, nhưng bên trong cũng phải dập dịch triệt để để triệt tiêu mầm bệnh thì mới gỡ được phong tỏa sau này" - ông Dương nói.

70% số ca dương tính không có triệu chứng

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Đặng Quang Tấn đánh giá về dịch tễ, cần tập trung chặn dịch ở cả hai mặt trận: tại khu công nghiệp và mặt trận cộng đồng.

Theo ông Tấn, những ngày vừa qua dịch lây nhanh, tập trung tại các khu công nghiệp do khoảng cách làm việc giữa các công nhân rất gần, nguy cơ do di chuyển chung xe đưa đón... 

Bên cạnh đó, không bỏ quên, lơ là nguy cơ tại cộng đồng, do nhiều trường hợp F2 đã về địa phương.

Ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết số lượng bệnh nhân dương tính không có triệu chứng lâm sàng chiếm đến 70%. Với số ca không triệu chứng, có thể sử dụng khu cách ly tập trung có điều kiện tốt, quy mô điều trị nhờ đó có thể tăng lên 2.000-3.000 ca.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết do Bắc Giang đang có tới 30.000 ca F1, số lượng bệnh nhân sẽ tăng mạnh thời gian tới. Tỉnh Bắc Giang lo ngại dịch lai rai kéo dài sẽ khó quay lại cuộc sống bình thường, áp lực chuẩn bị mùa vải thiều thời gian tập trung tiêu thụ chỉ trong hơn 1 tháng, bên cạnh đó là chuẩn bị bầu cử...

"Doanh nghiệp bắt đầu phản ứng dữ dội khi phải phong tỏa khu công nghiệp, nội bất xuất ngoại bất nhập" - ông Thái nói.

Tỉnh cũng cho biết trong 2-3 ngày tới, doanh nghiệp nào đủ điều kiện sẽ cho quay lại hoạt động.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng tốc độ lây nhiễm lần này cao hơn tất cả các lần trước, biến chủng có tần suất lây lan nhanh hơn biến chủng Anh, phải chặn thật nhanh không để virus biến chủng Ấn Độ lây lan, nếu không sẽ ảnh hưởng cả hiệu quả tiêm vắc xin. Tuyệt đối không để lây nhiễm trong khu vực đã phong tỏa.

"Thủ tướng nhắc chiến lược chống dịch chuyển từ phòng ngự sang tấn công, nhưng nếu không khoanh được ổ dịch thì không tấn công được" - ông Long khuyến cáo.

Bộ trưởng Long cũng cho biết Bộ Y tế thành lập Bộ phận thường trực chống dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm tổng chỉ huy. Bộ phận này sẽ giao ban hằng ngày với hai tỉnh để chống dịch.

Bộ phận này có thêm ba chuyên gia: ông Trần Như Dương, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương chỉ huy về xét nghiệm, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa làm chỉ huy bộ phận điều trị, phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế Dương Chí Nam chỉ huy chống dịch tại khu công nghiệp.

"Cách ly F1 phải cố gắng cách ly tập trung, kinh nghiệm cách ly tại nhà không nước nào thành công, nhưng phải rải ra, không để 4, 5, 6 người/phòng, nếu để lây trong khu cách ly thì dịch sẽ kéo dài, kinh nghiệm đã có rồi" - ông Long yêu cầu.

Vừa cách ly xã hội vừa bảo đảm sản xuất ở Bắc Giang

Nghe cuộc họp trực tuyến từ Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam coi Bắc Giang như một "mặt trận". Bắc Giang phát hiện chùm ca nhiễm mới trong khu công nghiệp từ ngày 8-5, là muộn trong đợt dịch này, nhưng tăng rất nhanh.

Ông Đam cho rằng phòng dịch cũng cần thay đổi, phù hợp trong tình huống phù hợp, không sử dụng "phong tỏa" hay "giãn cách xã hội" cứng, mà có thể chọn các biện pháp phù hợp để vừa chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất.

Ông Đam yêu cầu học kinh nghiệm Đà Nẵng trong xét nghiệm gộp mẫu để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, "xét nghiệm rồi đi làm còn hơn nghỉ việc đợi kết quả" - ông Đam nói.

Học viện Quân y tiếp tục chi viện tới Bắc Ninh hỗ trợ phòng chống dịch

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sáng 18-5, Học viện Quân y cử tiếp đoàn cán bộ, y bác sĩ và học viên cùng 4 container triển khai các thiết bị dã ngoại tham gia phòng chống dịch COVID-19 tại Bắc Ninh.

Bộ Y tế lập Bộ phận thường trực chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh - Ảnh 3.

Học viện Quân y cử cán bộ, y, bác sĩ và học viên đến chi viện chống dịch tại tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: HỌC VIỆN QUÂN Y

Ban chỉ huy Trung tâm xét nghiệm dã chiến của Học viện Quân y tại Bắc Ninh gồm 6 người. Thiếu tướng GS.TS Hoàng Văn Lương, phó giám đốc Học viện Quân y là người chỉ huy chung của lực lượng chi viện của Học viện tại Bắc Ninh và Bắc Giang.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân y cho biết, trước khi tới Bắc Giang và Bắc Ninh thực hiện nhiệm vụ, Học viện đã cử đoàn tiền trạm do cán bộ Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự phụ trách, lên triển khai một kỹ thuật mới là kíp xét nghiệm chẩn đoán nhanh và sàng lọc.

Bộ Y tế lập Bộ phận thường trực chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh - Ảnh 4.

Gấp rút lên đường hỗ trợ chống dịch - Ảnh: HỌC VIỆN QUÂN Y

"Đây là kỹ thuật rất mới, được Học viện Quân y nghiên cứu và Bộ Y tế cấp phép cách đây gần một tuần. Chúng tôi tặng kỹ thuật này cho hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, với tốc độ xét nghiệm có thể đạt 1 triệu, thậm chí là 2 triệu xét nghiệm trong một ngày nếu đủ nhân lực và thiết bị. 

Nếu triển khai tốt, có thể xét nghiệm cho toàn bộ dân số hai tỉnh này trong thời gian từ 2 - 3 ngày. Tốc độ xét nghiệm nhanh, nhưng vẫn đảm bảo độ chính xác", Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân y cho biết.

Bộ Y tế lập Bộ phận thường trực chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh - Ảnh 5.

Các học viên được tập huấn kỹ về kỹ thuật chuyên sâu trong xét nghiệm nhanh - Ảnh: HỌC VIỆN QUÂN Y

Nói về các biện pháp đảm bảo an toàn cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ chi viện, ông Lượng cho biết phải tập trung làm tốt công tác chuyên môn và tuân thủ sự phân công, điều phối của UBND, CDC và Sở Y tế các địa phương nơi được hỗ trợ.

Đồng thời phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho quân số của học viện tham gia chi viện, giữ tốt mối quan hệ quân dân với người dân địa phương.

Đến chiều 18-5, sẽ có thêm đoàn công tác thứ tư sẽ được cử lên Bắc Ninh hỗ trợ công tác chống dịch, với 72 học viên đã được tập huấn kỹ về kỹ thuật chuyên sâu trong xét nghiệm nhanh. Khi nào có chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Học viện mới rút quân về.

'Thần tốc' dựng trung tâm xét nghiệm dã chiến ở Bắc Giang sau 1 đêm

TTO - Trong ngày hôm nay 17-5, trung tâm xét nghiệm dã chiến của Học viện Quân y sẽ bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại địa bàn tỉnh Bắc Giang.


Đà Nẵng tặng sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trị giá 6 tỉ cho Bắc Ninh, Bắc Giang Đà Nẵng tặng sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trị giá 6 tỉ cho Bắc Ninh, Bắc Giang

TTO - Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cho biết sẽ hỗ trợ, chia sẻ với 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh mỗi tỉnh 6.000 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2.

LAN ANH - HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên