13/11/2016 11:20 GMT+7

Bỏ tập huấn nước ngoài vì... hết tiền!

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - Trong những năm gần đây, nhiều VĐV trọng điểm được đầu tư đặc biệt của thể thao VN vừa tập huấn được vài tháng hoặc một năm ở Đức, Mỹ, Nhật, Hungary… đã phải đưa về vì hết tiền.

Do mới đi được 1/3 chặng đường đào tạo ở Mỹ nên việc phải trở về VN khiến VĐV Quách Thị Lan gần như trở lại vạch xuất phát Ảnh: NAM KHÁNH
Do mới đi được 1/3 chặng đường đào tạo ở Mỹ nên việc phải trở về VN khiến VĐV Quách Thị Lan gần như trở lại vạch xuất phát Ảnh: NAM KHÁNH

Cụ thể, tháng 8 vừa qua, hai anh em VĐV điền kinh Quách Thị Lan, Quách Công Lịch sau một năm tập huấn chưa có thành tích gì ở Mỹ đã phải về nước vì hết tiền.

Đứt gánh giữa đường

Đi tập huấn có hai trường hợp là VĐV đi tập huấn ngắn hạn (thường từ 2-8 tháng) và dài hạn từ 1 năm trở lên. Các VĐV được chọn đi dài hạn thường là các VĐV trẻ, có tiềm năng ở những môn trọng điểm Olympic như điền kinh, bơi lội. Khi đó VĐV được đưa sang tập huấn ở Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... với sự huấn luyện bởi các chuyên gia nước ngoài. Tập huấn ở dạng này là các VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước (bơi lội), Quách Thị Lan và Quách Công Lịch (điền kinh)... Nhưng hiện nay, ngoài Ánh Viên được tập huấn dài hạn, ổn định tại Mỹ, hầu hết các VĐV còn lại phải đưa về VN do thiếu tiền.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Quách Công Lịch cho biết rất muốn trở lại Mỹ vì điều kiện tập luyện quá lý tưởng từ dinh dưỡng, sân bãi, HLV đến đồng đội. Lịch nói: “Do được tập với các VĐV có huy chương thế giới nên tôi rất nỗ lực bám đuổi họ. Dù vậy thành tích của tôi thời gian qua chưa tốt (không giành được vé đến Olympic Rio 2016) nhưng do được đào tạo cơ bản nên sức mạnh, sức bền của tôi và Lan được cải thiện khá nhiều”.

Còn theo VĐV đội tuyển bóng bàn VN Nguyễn Thị Nga: “Tập huấn nước ngoài VĐV được ăn nhiều món, nhiều chất, nhiều sự lựa chọn nên rất khỏe. Nhờ vậy, khối lượng tập của chúng tôi có thể tăng lên gấp đôi ở VN và nguy cơ chấn thương cũng giảm đi”.

Ngoài tiền còn do bất đồng quan điểm

Ông Hoàng Mạnh Cường, tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh VN, cho biết trong việc đưa VĐV đi nước ngoài tập huấn, ngoài cái khó về tiền còn có cái khó hơn là bất đồng quan điểm. Cụ thể, trong khi VN cứ nghĩ tốn tiền ra nước ngoài tập huấn là phải có thành tích ngay, không có thành tích là thất bại nên đưa về. Còn theo quan điểm của các HLV nước ngoài, khi VĐV VN sang Mỹ, các HLV của Mỹ lên lộ trình đào tạo dài hơi, giai đoạn đầu họ đào tạo cơ bản cho mình, sau đó mới đến chuyện nâng thành tích. Lộ trình của họ vài năm nhưng VĐV mình chỉ sang vài tháng đã phải về vì hết tiền nên hiệu quả chưa thấy.

Một HLV có tiếng của thể thao VN chia sẻ thêm về việc này: “Việc đưa Lịch và Lan về nước gây lãng phí rất lớn. Do mới đi được 1/3 chặng đường đào tạo ở Mỹ nên việc trở về VN khiến họ gần như trở lại vạch xuất phát. Do tư duy đầu tư manh mún, muốn có thành tích mà không xây dựng kế hoạch dài hơi, thành tích của thể thao VN vì thế không thể bền vững”.

Tìm doanh nghiệp tài trợ cho VĐV tài năng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết thực sự cảm thấy rất xấu hổ trong trường hợp cắt kinh phí cho tập huấn của Quý Phước ở Hungary. Vị này nói: “Dù đã có quyết định cho đi tập huấn hết năm 2016 nhưng do không có tiền nên phải làm khác với cam kết, bởi ngân sách cấp cho thể thao năm 2016 đã cạn do phải tập trung vào việc tập huấn, thi đấu Olympic Rio”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cho rằng sắp tới ngành thể thao phải tìm doanh nghiệp chung tay hỗ trợ VĐV trong quá trình tập huấn nước ngoài. Đây cũng là cách đãi ngộ VĐV chứ không nên chờ đến khi VĐV có thành tích thì mới được thưởng. Thời gian qua thể thao TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc xã hội hóa đầu tư cho thể thao qua việc đã mời được Nutifood đầu tư cho kình ngư Nguyễn Diệp Phương Trâm đi Mỹ tập huấn dài hạn từ tháng 5-2016.

Quý Phước tiếp tục tập huấn ở Hungary từ ngày 1-1-2017

Theo ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Quý Phước sẽ ở lại Hungary tập huấn trong năm 2017. Tổng cục TDTT và Đà Nẵng thống nhất chủ trương sẽ cùng chi tiền để Phước tiếp tục ở Hungary.

Hiện nay, do phần tiền Tổng cục TDTT không chi trả hết được trong chuyến tập huấn của Phước ở năm 2016 đang nhờ phía Đà Nẵng hỗ trợ nên Quý Phước vẫn đang ở Hungary. Chi phí tập huấn ở Hungary của Quý Phước khoảng 1,8 tỉ đồng/năm.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên