11/07/2016 16:48 GMT+7

​Bồ Đào Nha thắng nhờ Ronaldo rời sân

LAN CHI
LAN CHI

TTO - Sau khi Bồ Đào Nha đánh bại Pháp để lên ngôi vô địch châu Âu, truyền thông quốc tế lại ồn ào tung hô Cristiano Ronaldo. Nhưng trên thực tế đội bóng xứ bán đảo Iberia giành chiến thắng nhờ việc đội trưởng của họ dính chấn thương và phải ra sân từ rất sớm.

Ronaldo đau đớn vì chấn thương. Ảnh: REUTERS
Ronaldo đau đớn vì chấn thương. Ảnh: REUTERS

Chỉ 25 phút sau tiếng còi khai cuộc trận chung kết Euro 2016, Ronaldo khập khiễng rời sân trong nước mắt. Những tưởng Bồ Đào Nha sẽ sụp đổ khi đánh mất người đội trưởng, cầu thủ xuất sắc nhất và niềm cảm hứng của họ.

Nhưng không, Bồ Đào Nha càng chơi càng chặt chẽ và đến hiệp phụ, tiền đạo 28 tuổi Eder tung cú sút hiểm hóc từ ngoài vòng cấm đem về chiến thắng lịch sử cho thầy trò HLV Fernando Santos. Trận đấu kết thúc, Ronaldo và các đồng đội vỡ òa trong sung sướng, và cả nước Pháp chìm trong nước mắt.

Có Ronaldo sẽ không có Eder

Trên thực tế, có thể nói chính việc Ronaldo buộc phải rời sân đã khiến Bồ Đào Nha trở nên mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, qua đó giành chiến thắng trước một chủ nhà Pháp hừng hực khí thế. Đầu tiên, Eder sẽ không bao giờ được đưa vào sân trong trận chung kết nếu Ronaldo còn thi đấu.

Eder ôm người đàn anh Ronaldo sau trận đấu. Ảnh: REUTERS
Eder ôm người đàn anh Ronaldo sau trận đấu. Ảnh: REUTERS

Tiền đạo CLB Lille trước đó mới chỉ được vào sân hai lần từ băng ghế dự bị, chơi tổng cộng 14 phút trước Iceland và Áo. Ở vòng đấu knock-out, Eder không hề được chơi bóng một phút nào. Cần phải ngả mũ với quyết định của HLV Santos khi ông đưa vào sân một cầu thủ có khả năng ghi bàn ở phút thứ 79, thay cho Renato Sanches đá lùi sâu suốt cả trận.

Trước khi Ronaldo rời sân, Pháp hoàn toàn kiểm soát thế trận và cầu thủ từng ba lần đoạt Quả bóng vàng giống như một cái bóng mờ. Các cầu thủ Bồ Đào Nha thậm chí không thể chuyền bóng cho ra hồn, chứ chưa nói đến việc tổ chức các đợt tấn công nguy hiểm để Ronaldo dứt điểm thành bàn. Ông Santos buộc phải điều chỉnh chiến thuật, và việc mất Ronaldo chính là cơ hội để ông làm điều đó.

Ricardo Quaresma vào sân và chiếc băng đội trưởng được trao cho Nani. Cựu cầu thủ của Manchester United thi đấu với tinh thần như thể "không còn có ngày mai" và anh đã truyền ngọn lửa chiến đấu cho toàn bộ các thành viên Selecao. Không quá bận tâm tới việc tấn công, Bồ Đào Nha lùi sâu phòng thủ chặt chẽ hơn, quyết liệt hơn, lấp đi mọi khoảng trống mà các cầu thủ tấn công Pháp có thể khai thác.

Hàng tiền vệ Bồ Đào Nha với Joao Mario và Adrien Silva liên tục gây sức ép lên các cầu thủ Pháp ở khu vực giữa sân. Kết quả là Dimitri Payet bị cô lập, Paul Pogba bị đẩy lùi về phía sau, dẫn tới việc cặp tiền đạo Antoine Griezmann và Olivier Giroud bị đói bóng trầm trọng.

Trên tuyền tiền vệ Pháp, chỉ duy nhất Moussa Sissoko tạo ra sự khác biệt  với những bước chạy mạnh mẽ bên cánh phải. Nhưng bất chấp những nỗ lực của Sissoko, thủ thành Bồ Đào Nha Rui Patricio đã chơi xuất sắc. Và để cản trở các đợt tấn công của Pháp, các cầu thủ Bồ Đào Nha chỉ cần chặn Sissoko.

Vai trò hoạt náo viên quan trọng

Ronaldo trở thành
Ronaldo trở thành "HLV thứ 2" của đội Bồ Đào Nha. Ảnh: REUTERS

Ronaldo là cầu thủ xuất sắc nhất của Bồ Đào Nha và vai trò tấn công của anh là quan trọng. Nhưng anh chỉ là một phần không quá lớn trong hệ thống chiến thuật của HLV Santos. Giống như Hi Lạp năm 2004, Bồ Đào Nha được xây dựng dựa trên nền tảng của một hàng phòng thủ vững vàng, có tính tổ chức cao độ.

Trong trận chung kết, cầu thủ quan trọng nhất của Bồ Đào Nha chính là trung vệ Pepe. Dù mắc một sai lầm suýt khiến Andre-Pierre Gignac ghi bàn, Pepe vẫn chơi xuất sắc, tổ chức hiệu quả hàng thủ, cản trở mọi đợt tấn công của Pháp.

Bồ Đào Nha thắng Pháp theo đúng cách họ làm trong suốt cả giải. Đó là co cụm phòng ngự và đợi chờ một khoảnh khắc nhiệm màu hoặc sự may mắn. Và Eder đã đem lại khoảnh khắc đó cho họ. Đó là kế hoạch mà ông Santos vạch ra ngay từ đầu, và các học trò của ông đã thực hiện một cách hoàn hảo.

Anh đến ủng hộ và động viên các động đội trước giờ đấu hieeph phụ. Ảnh: REUTERS
Ronaldo ủng hộ và động viên các động đội trước giờ đấu hiệp phụ. Ảnh: REUTERS

Sự vắng bóng của Ronaldo càng khiến kế hoạch đó được thực hiện một cách hiệu quả hơn. Không còn ngôi sao lừng danh, tinh thần chiến đấu của Bồ Đào Nha dâng cao đột biến. Khi đó, Bồ Đào Nha thực sự trở thành một khối thống nhất hoàn toàn, nên càng khó bị đánh bại.

Chưa hết, với tính cách có phần đỏng đảnh của Ronaldo, không khó để dự đoán khi trận đấu càng kéo dài, càng bị các hậu vệ vây hãm thì anh sẽ càng tỏ ra thất vọng. Rất có thể anh sẽ mắng nhiếc các đồng đội vì đã không chuyền được bóng cho anh.

Nhưng một Ronaldo chấn thương rời sân đã trở lại đường pitch, không gào hét hay chửi bới, mà ra sức động viên tinh thần đồng đội. Một “hoạt náo viên Ronaldo” là điều mà Bồ Đào Nha rất cần trong khoảnh khắc ấy. Có lẽ chấn thương đã biến Ronaldo trở thành một người đồng đội tốt hơn bao giờ hết đối với mọi cầu thủ Bồ Đào Nha.

Và vậy là Bồ Đào Nha chiến thắng. Đó là chiến thắng của tập thể và của cá nhân HLV Santos, chứ không phải của Ronaldo. Nên đừng phong thánh cho anh làm gì. Ronaldo không thể đạt đến tầm của Pele, Maradona hay Franz Beckenbauer được. Nhưng có lẽ anh cũng không cần những tung hô ảo vọng đó, bởi chức vô địch cùng đội bóng quê hương mới là điều tuyệt vời nhất.

LAN CHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Bồ Đào Nha Ronaldo