04/08/2023 16:18 GMT+7

Bộ Công Thương: Chưa khuyến khích lắp điện mặt trời trên nhà xưởng

Bộ Công Thương khuyến khích lắp điện mặt trời mái nhà đối với nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp, chưa khuyến khích lắp trên nhà xưởng.

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại nhà máy chưa được khuyến khích - Ảnh: BÁ SƠN

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại nhà máy chưa được khuyến khích - Ảnh: BÁ SƠN

Bộ Công Thương cho biết đang xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam. 

Như vậy cơ chế khuyến khích này không áp dụng với việc lắp đặt hệ thống áp mái tại nhà xưởng ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học...

Ưu tiên khuyến khích điện mặt trời mái nhà dân và công sở

Theo đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), việc xây dựng cơ chế khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà với đối tượng là nhà dân và cơ quan, công sở là theo chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng tại các văn bản trước đó. Việc lắp đặt các hệ thống này là để tự sản tự tiêu, tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

"Các đối tượng khác như điện mặt trời mái nhà trên mái trụ sở doanh nghiệp, nhà xưởng, bệnh viện, trường học... Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích để áp dụng cho các đối tượng vừa nêu", vị này nói.

Vị này khẳng định việc chưa đưa ra cơ chế phát triển điện mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học không phải là cấm, mà chỉ là chưa ưu tiên phát triển ngay. 

Lý do mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học… đều là những nơi có diện tích lớn, có thể lắp đặt từ gần 1 MW đến cả chục MW. Việc đầu tư quy mô lớn cần nhiều điều kiện về vốn, an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy nổ, trạm biến áp, đường dây truyền tải nội bộ, quản lý, nhân sự vận hành.

Ngoài ra là việc quản lý chất lượng điện, lưu trữ điện, các điều kiện kết nối xoay chiều giữa điện tự dùng và điện lưới quốc gia khi không có nắng vào buổi tối, trời mưa hoặc thay đổi thời tiết trong ngày. Chưa kể các yếu tố môi trường, chất thải từ tấm quang điện…

Phát triển nguồn điện áp mái khu công nghiệp cần được quản lý, giám sát

Trong khi đó, các nhà máy, các khu công nghiệp sản xuất công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao như điện tử… cần nguồn điện chất lượng ổn định, liên tục.

Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng việc khuyến khích phát triển các nguồn điện áp mái cần được xem xét, tính toán trên cơ sở phát triển các nguồn điện khác trong tổng cơ cấu nguồn điện. 

Mục tiêu là nhằm khai thác nguồn điện năng lượng tái tạo phân tán và không phải đầu tư nâng cấp lưới điện phân phối và đặc biệt là đảm bảo cho hệ thống điện vận hành an toàn. 

Trong tương lai, khi hệ thống điện phát triển thêm nhiều nguồn điện chạy nền và nhất là nguồn điện linh hoạt thì sẽ tạo điều kiện để tích hợp nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời. 

Bộ Công Thương cũng khẳng định trong dự thảo cơ chế, Bộ Công Thương không yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải xin giấy phép hoạt động, do đó không phát sinh giấy phép con như nhiều người lo ngại.

Bên cạnh đó, Nhà nước không cấm việc các doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, tham gia vào quá trình giảm phát thải carbon. Tuy nhiên, việc phát triển cũng cần được quản lý, giám sát để bảo đảm sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống điện quốc gia và các vấn đề chung của xã hội.

Bao giờ doanh nghiệp được làm điện mặt trời áp mái nhà xưởng?Bao giờ doanh nghiệp được làm điện mặt trời áp mái nhà xưởng?

Bộ Công Thương đề xuất nhiều chính sách khuyến khích điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ở, công sở và trụ sở của doanh nghiệp, còn với nhà máy, nhà xưởng thì vẫn phải chờ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên